Cơ hội mới cho Chu Lai

TRỊNH DŨNG 08/09/2017 08:35

Chưa có kết luận hay cam kết gì nhưng cuộc khảo sát và đánh giá về Khu kinh tế mở Chu Lai của đoàn công tác Nhóm tư vấn ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và Trung tâm Tư vấn - nghiên cứu phát triển miền Trung đã mang lại sự lạc quan về cơ hội mới cho Chu Lai.

Cảng Tam Hiệp ngày càng mở rộng là một trong những hạ tầng hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: T.DŨNG
Cảng Tam Hiệp ngày càng mở rộng là một trong những hạ tầng hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: T.DŨNG

Đoàn công tác do TS.Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn ban điều phối vùng duyên hải miền Trung dẫn đầu và có buổi làm việc với UBND tỉnh vào ngày 6.9.

Thành công trong vai trò khu kinh tế địa phương

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai công bố hiện đã có 85/125 dự án đầu tư chính thức hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng hơn 1,14 tỷ USD so với tổng vốn đăng ký là 2,69 tỷ USD tại khu kinh tế này. Ngoại trừ Khu công nghiệp (KCN) cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải lấp đầy 90%, 2 KCN còn lại lấp đầy chưa quá 65% và KCN Tam Anh - Hàn Quốc (200ha) chỉ mới đang đầu tư hạ tầng. Các dự án tại khu vực này đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm 48,38% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thu hút thường xuyên khoảng 20.295 lao động và tổng thu ngân sách chiếm đến 90% toàn tỉnh. Đây là thành quả nổi bật của Khu kinh tế mở Chu Lai sau gần 15 năm phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng Khu kinh tế mở Chu Lai đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng ban đầu. Không chỉ tác dụng riêng Quảng Nam mà còn ảnh hưởng đến các vùng lân cận và cả nước về giao thông đường biển, bộ, hàng không… Chính khu kinh tế này đã trở thành động lực thúc đẩy, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ sôi động hơn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Nam theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ trong GDP, tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực. Không chỉ vậy, thuế thu từ khu vực này đã góp phần đưa Quảng Nam thành tỉnh có số thu cao, tự cân đối hơn 50% tổng nhu cầu chi, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan trọng hơn, khu vực này đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo vùng cát trắng hoang vắng, tạo ra sự thay đổi, nhận thức mới về tư duy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, thích nghi với cơ chế thị trường trong quá trình hội nhập.

Chu Lai thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực sản xuất cao.
Chu Lai thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực sản xuất cao.

Cho dù được đánh giá là hiệu quả nhất trong 15 khu kinh tế tại Việt Nam, nhưng sự thành công của Chu Lai hiện thời vẫn chỉ ở mức một KCN hơn là vai trò của một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia như mong đợi. Lý do chính, theo ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai là so với mục tiêu ban đầu đặt ra theo chủ trương của Bộ Chính trị là thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có một môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là có thể ưu đãi vượt ngoài khung các quy định pháp luật hiện hành, nhưng thực tế triển khai chưa thực hiện được những ý tưởng đó. Cho đến nay, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư dành cho Khu kinh tế mở Chu Lai chỉ được áp dụng những điểm cao nhất của pháp luật Việt Nam về ưu đãi đầu tư như đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu không có Khu kinh tế mở Chu Lai thì khu vực này vẫn được thụ hưởng quyền lợi này. Sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai trong gần 15 năm qua thực tế hoàn toàn mang tính địa phương. Đó là tự làm, tự xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, tự đào tạo và tổ chức tuyển dụng cán bộ. Thực chất của khu kinh tế mở này vẫn là kiểu khu kinh tế địa phương, không theo được dự định ban đầu là mang tầm quốc tế, được áp dụng các luật chơi quốc tế...

Cần có chính sách khác biệt

“Chính phủ cần có chính sách khác biệt để tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cho cơ chế Chu Lai mạnh hơn chứ như bây giờ không thể lớn lên được. Quan trọng là dựa vào thực tiễn sau 15 năm làm khu kinh tế để chọn mô hình đầu tư. Kiến nghị phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô và may mặc cần đến một luật công nghiệp hỗ trợ chứ mênh mông như hiện tại không thể nào phát triển được”.
(CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐINH VĂN THU)

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói Khu kinh tế mở Chu Lai hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một đặc khu kinh tế, được hưởng các chính sách, ưu đãi cao nhất, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực phát triển vùng duyên hải miền Trung và cả nước. Định hướng của Quảng Nam đến năm 2020 sẽ đón gần 8 triệu lượt khách, tỷ trọng công nghiệp chiếm đến 92%. Hiện có đến 4/6 nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam, ưu tiên đầu tư nằm trong ranh giới quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, hệ thống cơ chế, chính sách như hiện nay chưa tạo ra đột phá, chưa thể hiện tính mở trong thu hút FDI. Cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành (về thuế, giá thuê đất, các quyền kinh doanh…) chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế. Hiện các ưu đãi này chỉ tương đồng với các khu kinh tế cửa khẩu. Tính nổi trội so với nội địa không nhiều, còn tụt hậu quá xa so với các khu kinh tế tự do của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các quy định hiện nay chỉ được áp dụng bằng nghị định, bị khống chế bởi các luật chuyên ngành và chưa có sự khác biệt nào trong chính sách ưu đãi của khu kinh tế so với địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn. “Chính phủ cần có chính sách khác biệt để tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cho cơ chế Chu Lai mạnh hơn chứ như bây giờ không thể lớn lên được. Quan trọng là dựa vào thực tiễn sau 15 năm làm khu kinh tế để chọn mô hình đầu tư. Kiến nghị phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô và may mặc cần đến một luật công nghiệp hỗ trợ chứ mênh mông như hiện tại không thể nào phát triển được” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

TS.Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn ban điều phối vùng duyên hải miền Trung không kết luận hay đánh giá gì, chỉ nói vắn tắt cuộc khảo sát, làm việc này để giúp đoàn công tác đánh giá lại toàn bộ thực trạng 5 khu kinh tế vùng duyên hải miền Trung, để xây dựng đề án, cơ chế thống nhất cho 5 khu kinh tế duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, theo TS.Trần Du Lịch, so với 4 khu kinh tế (Chân Mây, Dung Quất, Nhơn Hội và Nam Vân Phong), mô hình Chu Lai khá tốt và thành công nhất. Quảng Nam đã tiến hành đúng bài bản khi công nghiệp cơ khí nông nghiệp theo sau cơ khí ô tô và công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ xác định và thống nhất. Sự lựa chọn dự án động lực cho vùng đông khi từng nhóm có 1 “con sếu đầu đàn” là một lựa chọn đúng đắn.

Đánh giá tốt Chu Lai, song TS.Trần Du Lịch cũng tỏ ra tiếc cho Chu Lai. Ông nói ngày xưa một trong những lý do chọn Chu Lai làm kinh tế mở thuyết phục chính là có sân bay Chu Lai. Nếu tận dụng được lợi thế này thì Quảng Nam sẽ phát triển, nhưng rất tiếc là chưa phát huy tác dụng dù đã 15 năm xây dựng. Trường Hải thành công nhưng chỉ sản xuất, kinh doanh thành công thương hiệu ngoại quốc. Tại sao Trường Hải không xây dựng một thương hiệu quốc gia cho sản phẩm của mình, đăng ký xây dựng thương hiệu quốc gia mấy dòng xe? Sân bay Chu Lai chắc chắn sẽ trở thành một sân bay vùng. Mà thời điểm nào đầu tư nó chính là điều quan trọng và đô thị sân bay sẽ hình thành để phát triển logistics hàng không gắn với sân bay Chu Lai chắc chắn sẽ được hình thành!

Quyết định điều chỉnh, mở rộng quy hoạch và không gian phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai có hiệu lực từ ngày 5.9.2017, những ý kiến đánh giá và một bản báo cáo toàn bộ về Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ được tổng hợp và rút ra chung cho các khu kinh tế trọng điểm miền Trung như thông báo của đoàn khảo sát, có phải là một cơ hội mới để có thể lạc quan về tương lai của Chu Lai?

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội mới cho Chu Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO