Quy hoạch xây dựng vùng tây dần hoàn thiện và đề án “Phát triển kinh tế, xã hội miền núi” đã được xác lập, là cơ hội mở đường cho miền núi thay đổi trong ước vọng của nhiều người.
Nông, lâm thống lĩnh
Theo thống kê sơ bộ của Ban Dân tộc tỉnh, giá trị công nghiệp chỉ chiếm 1% so với tỷ lệ 12,8% của giá trị sản xuất nông nghiệp cho thấy nông, lâm nghiệp “thống lĩnh” cơ cấu kinh tế miền núi, vùng cao nhiều năm qua. Con số 4.062,7 tỷ đồng tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ theo các chương trình, dự án chính sách… cho miền núi từ 6 năm nay đã mang lại nền móng cơ bản cho kinh tế, xã hội vùng này phát triển, giải quyết được an ninh lương thực tại chỗ. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư ấy vẫn chưa thể tạo nên một diện mạo mới cho miền núi khi nền sản xuất vẫn lạc hậu, chất lượng lao động kém, đại bộ phận người dân còn sản xuất nương rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên, trình độ dân trí thấp, khó chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Mặt khác, chính điều kiện tự nhiên khó khăn, phức tạp, trình độ dân trí thấp đã cản trở quá trình thực thi các chính sách về đến cơ sở…, hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư có hạn, chưa tập trung mạnh cho sản xuất… Tất cả khó khăn đó đã khiến cho độ chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền núi và đồng bằng ngày càng bị kéo dãn ra nhiều hơn.
Thực hiện tốt đề án “Phát triển kinh tế xã hội miền núi” và quy hoạch xây dựng vùng tây Quảng Nam sẽ là cơ hội để miền núi phát triển. Ảnh: T.D |
Theo ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT, Nhà nước đã thực hiện nhiều dự án đầu tư, kéo khoảng cách cô lập địa hình giữa miền núi với nhau, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ được sự “cô lập về dân trí”. Đầu tư hạ tầng chỉ là một phần và nó không quyết định được số phận của miền núi có phát triển được hay không mà chính nhân lực mới là điều quyết định. Nhưng giải pháp cụ thể để xóa khoảng cách dân trí như thế nào thì vẫn là chuyện khó. Miền núi Quảng Nam có đủ sản phẩm giàu tính cạnh tranh để phát triển như quế Trà My, ba kích, sâm Ngọc Linh… nhưng tất cả đều không có động lực để phát triển. “Đưa ra những mô hình cụ thể, hướng dẫn cho người dân làm ăn mới là những tác động cụ thể nhất. Nếu không thì đầu tư đến mấy cũng không hiệu quả và Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để đầu tư hết những yêu cầu của miền núi” - ông Tri nói.
Trong một góc nhìn khác, ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang lại cho rằng chính sách chưa thực sự đi vào cụ thể là một trong những lực cản kìm hãm sự phát triển của miền núi, chứ không phải nguồn lực đầu tư chưa đồng bộ hay năng lực cán bộ yếu. Sự áp đặt cách nghĩ, tư duy của người miền xuôi lên kế hoạch phát triển hay thiếu sự hiểu rõ điều cần biết của người miền núi nhiều năm qua đã khiến cho một số chương trình, dự án đầu tư tại miền núi thất bại. “Dựa vào nông lâm, không phải sản xuất hàng hóa hàng loạt mà xây dựng mô hình theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đầu tư đồng bộ y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc sắp xếp dân cư phù hợp theo hướng xây dựng nông thôn mới… Nếu không giải được bài toán này thì mọi chủ trương đưa ra sẽ thiếu tính khả thi” - ông Bằng nói.
Cơ hội phát triển
Không ít chuyên đề, hội thảo đã được mở để bàn về sự phát triển miền núi, nhưng đã mấy chục năm qua vẫn chưa thấy nhiều sự thay đổi. Điệp khúc đưa ra vẫn là chuyện thiếu nguồn lực, thiếu tích lũy nội tại và thiếu sản phẩm. Ông Phan Thành Công - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, nếu cứ tiếp tục đầu tư như hiện nay thì sẽ hoài công và khó thay đổi được gì nhiều cho miền núi. Điều cần nhất chính là việc tập trung nâng cao nhận thức, mở rộng đất sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lên miền núi để giải quyết lao động. Tất cả phải được bắt đầu từ đề án phát triển cụ thể và một bản quy hoạch xây dựng từ không gian đến kiến trúc đô thị, ngành nghề… Điều này mới là cuộc “cách mạng” làm thay đổi phong cách, tập quán lao động của người dân.
Những người xây dựng đề án phát triển và quy hoạch xây dựng đều hiểu, phát triển miền núi cần có thời gian và lộ trình cụ thể, tập trung xây dựng trung tâm vùng để không bị phân tán nguồn lực và tiếp tục thực hiện chính sách “ba cùng” bám sát các mục tiêu cụ thể. Vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu vẫn chính là các chính sách đầu tư nhân lực, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực tiễn, diễn giải bằng mô hình trực quan…, khắc phục sự phát triển rời rạc, thiếu tính liên kết, tập trung các nguồn lực phát triển… ít lý thuyết để khỏi lặp lại sự thất bại như lâu nay. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí để thực hiện mục tiêu lớn này. Tổng nguồn vốn để phát triển theo đề án từ năm 2012-2020 cần đến hơn 17.642 tỷ đồng sẽ được chia ra hai giai đoạn (2012-2015 với vốn 6.507 tỷ đồng và 2016 - 2020 hơn 11.135 tỷ đồng), tập trung ưu tiên đầu tư cho công trình hạ tầng. Còn nhu cầu vốn đầu tư quy hoạch xây dựng đến năm 2030 khoảng hơn 80.000 tỷ đồng cũng sẽ được phân kỳ đầu tư từ 6.817 tỷ đồng (2012-2015), lên 14.542 tỷ (2016-2020) và 54.548 tỷ đồng (2021-2030). Số vốn đầu tư này vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương nên sẽ dựa vào đầu tư của Trung ương để ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng và huy động vốn từ nhiều nguồn (mục tiêu quốc gia, ODA, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình…).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, quan điểm của chính quyền là giảm dần các dự án công nghiệp tại vùng đông, đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp khai khoáng và năng lượng (trừ những dự án gây ô nhiễm) ở vùng tây với nỗ lực kiếm tìm các nhà đầu tư tiềm năng, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sản phẩm từ rừng (cao su, giấy…), thành lập trang trại chăn nuôi đại gia súc và xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm… Dệt may, da giày sẽ được phát triển trên vùng đất phía tây để thu hút lao động tại chỗ, kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu giấy và cây bông. Vấn đề quan trọng nhất chính là kết nối giao thông liên vùng để kết nối các vùng kinh tế, trước mắt ổn định các tuyến giao thông hiện có và sau 2015 sẽ tập trung đầu tư mở rộng.
Trịnh Dũng