Cơ hội phát triển từ kinh tế vườn - rừng

TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG 17/02/2017 08:36

Nông Sơn đang tập trung phát triển mạnh kinh tế vườn - rừng, kinh tế gia trại, trang trại để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Những điển hình làm giàu

Tận dụng lợi thế địa hình đất gò đồi, rừng núi, nhiều nông dân trên địa bàn Nông Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, dần trở nên khấm khá. Đáng kể, nhiều nông dân nhiều năm liền là điển hình phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, có doanh thu từ 500 triệu tới 1 tỷ đồng mỗi năm như nông dân Võ Hai, Trần Văn Ga, Trần Văn Thái, Nguyễn Kim Dũng (xã Quế Trung)…

Ông Võ Hai trong vườn bưởi da xanh và cam sành vừa cho quả đầu mùa. Ảnh: TRIÊU NHAN
Ông Võ Hai trong vườn bưởi da xanh và cam sành vừa cho quả đầu mùa. Ảnh: TRIÊU NHAN

Ông Hai vốn là nông dân nghèo của xã Quế Trung, lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, nhà cửa tạm bợ nhưng nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, ông đã đầu tư phát triển trồng rừng keo lai, sao đen, dó bầu kết hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, heo, đào ao thả cá, đầu tư máy làm đất, máy đầu kéo làm dịch vụ nông nghiệp. Đến nay, gia đình ông đã có được cơ ngơi khá ổn định, hai con được ăn học đàng hoàng. Bình quân mỗi năm, nguồn thu nhập từ 30ha keo lai và đàn bò hàng chục con giúp gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng. Chưa kể, vườn cây ăn quả rộng hơn 1ha, hơn 1ha ao trồng sen và thả cá, nguồn thu từ dịch vụ làm đất và thu hoạch nông sản cũng giúp ông thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Có được nguồn vốn khá, ông Hai đã mạnh dạn mua xe tải vận chuyển keo nguyên liệu của gia đình đi nhập tại cảng, tránh tình trạng chèn ép giá của thương lái. Ông còn đảm nhận việc khai thác keo của các hộ lân cận và vận chuyển đi tiêu thụ để hưởng tiền dịch vụ. Thời điểm nào, gia đình ông cũng tạo việc làm cho 10 - 12 lao động khai thác keo, chăm sóc rừng với ngày công lao động 150 - 200 nghìn đồng/người... Với quyết tâm làm giàu từ kinh tế vườn rừng - chăn nuôi - dịch vụ, giải quyết ngày công lao động tại chỗ, hơn 10 năm liền, ông Võ Hai luôn là điển hình “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện, cấp tỉnh.

Cũng khởi nghiệp từ kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi, nông dân Trần Văn Ga (xã Quế Trung) đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ 30ha rừng tạp khai phá từ những năm 1990, sau nhiều lứa trồng sắn, thơm không hiệu quả, ông Ga chuyển sang trồng rừng keo lá tràm kết hợp nuôi heo, bò, đào ao thả cá. Để tạo môi trường cho đàn bò phát triển tốt, ông quy hoạch, rào chắn hàng chục héc ta keo nhiều năm tuổi của gia đình để thả bò với số lượng cả trăm con. Nhẩm tính, chỉ riêng đàn bò đã giúp ông thu về 400 triệu đồng/năm, bình quân mỗi năm ông thu về hơn 200 triệu đồng từ rẫy keo trồng cuốn chiếu. Trang trại của ông mỗi ngày tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động tại chỗ...

Khuyến khích lập tổ hợp tác

Tận dụng ưu thế là địa phương có địa hình gò đồi, nguồn lao động tập trung ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, huyện Nông Sơn xác định phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi là hướng đi triển vọng, góp phần thay đổi đất nghèo. Tại nhiều địa phương, phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi được đẩy mạnh, điển hình là xã Quế Trung. Theo ông Nguyễn Công Lộc - Chủ tịch Hội Nông dân xã, hiện toàn xã có 20 trang trại, gia trại tổng hợp đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò, heo, trồng cây ăn quả, cây keo lai, đào ao thả cá… Có hơn 70% nông dân xã tập trung phát triển kinh tế vườn, chủ yếu ở các thôn Đại Bình, Trung Hạ. Trên đất Đại Bình, từ sự hỗ trợ của xã Quế Trung và các ban ngành của huyện, nhiều hộ dân đã quy hoạch lại vườn cũ, trồng dặm và trồng mới nhiều loại cây ăn quả có giá trị cao như bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng từ miền Nam bên cạnh các loại cây bản địa như bưởi trụ Đại Bình. Vùng trồng cây ăn quả tại Đại Bình nói riêng và xã Quế Trung nói chung được mở rộng, quy hoạch trên diện tích cả chục héc ta, nhằm tạo sản phẩm hàng hóa, bên cạnh phục vụ phát triển du lịch.

Cũng theo ông Lộc, để giúp nông dân có điều kiện cải thiện thu nhập, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ban Nông nghiệp xã Quế Trung vận động người dân cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có giá trị cao, đặc biệt là hỗ trợ giống bưởi da xanh từ Chương trình 135 với gần 2.600 cây giống tới các thôn Trung An, Trung Hạ. Cùng với đó, 5 mô hình hỗ trợ giống chăn nuôi gà ta bản địa cho hộ nghèo với quy mô mỗi mô hình khoảng 100 con trong năm 2016 cũng được triển khai. Ông Lộc cho biết thêm, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục đồng hành với nông dân, tranh thủ sự quan tâm của các cấp hội, Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng… Xã đang khuyến khích các nhóm hộ đầu tư hình thành tổ hợp tác chăn nuôi, mỗi tổ hợp tác chăn nuôi có khoảng 30 con bò/nhóm hộ trở lên sẽ nhận được hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi cũng được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Ông Trình Xuân Thu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn cho biết thêm, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ đất vườn, đất gò đồi, Hội Nông dân huyện đã khảo sát, thu thập thông tin của hộ nông dân khó khăn để chọn cây trồng, con vật nuôi hỗ trợ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng. Cụ thể, 5 mô hình hỗ trợ trồng cây tiêu Tiên Phước đã được triển khai tại 5 hộ với quy mô mỗi hộ được nhận hỗ trợ 1.000 bịch/500 choái tiêu giống. Mỗi hộ trồng vườn được hỗ trợ 100 choái tiêu và hiện các vườn tiêu đang phát triển tốt. Hội cũng hỗ trợ một số mô hình nuôi gà ta thả vườn với quy mô 200 con gà giống/mô hình; hỗ trợ mô hình nuôi heo giống của đồng bào vùng cao với quy mô 4 con heo nái, 1 đực/mô hình…

TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội phát triển từ kinh tế vườn - rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO