Cơ hội tăng tốc

Trịnh Dũng 25/03/2013 08:23

Sáu biên bản thỏa thuận đầu tư, 5 hợp đồng tài trợ tín dụng được ký kết và 9 giấy đầu tư được trao tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung, diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng, chưa phải là nhiều so với khát vọng của toàn vùng. Nhưng, với cam kết thống nhất liên kết tiếp thị liên vùng, đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền 9 tỉnh sẽ là cơ hội để rộng cửa đón làn sóng đầu tư ồ ạt chảy vào miền Trung trong tương lai.

Lãnh đạo Quảng Nam trao đổi với nhà đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Ảnh: T.D
Lãnh đạo Quảng Nam trao đổi với nhà đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Ảnh: T.D

Liên kết để phát triển

Hai mươi ý kiến từ các nhà đầu tư lẫn chuyên gia kinh tế tại phiên đối thoại chính sách với lãnh đạo 9 tỉnh, thành duyên hải miền Trung đã làm nóng nghị trường. Những câu hỏi xoáy vào không ngoài việc vì sao miền Trung được xem là vùng đất hấp dẫn vẫn không thể thu hút vốn đầu tư như hai đầu đất nước? Ngoài cơ chế chung của Chính phủ, địa phương hay vùng còn cơ chế hấp dẫn nào khác dành cho các nhà đầu tư hoặc sự quy hoạch, liên kết sẽ được thay đổi, tránh tư tưởng “dàn hàng ngang cùng tiến” cùng tư duy “anh có gì, tôi cũng có nấy” và phân vùng đầu tư cụ thể… sẽ được tiến hành ra sao vẫn là điều rất cần cho các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào duyên hải miền Trung. Nhiều đại biểu tham dự đã đồng quan điểm khi cho rằng liên kết vùng không phải là phép cộng đơn giản, phải trả lời được câu hỏi liên kết thế nào, liên kết đến đâu, lĩnh vực nào và cơ chế chính sách ra sao cho sự liên kết này...

Theo ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, thực tế đã chứng minh liên kết vùng chính là mệnh lệnh của sự phát triển. Đây là cách để tận dụng tối đa mọi nguồn lực quốc gia, địa phương cho đầu tư phát triển bền vững, nâng cao sức mạnh cạnh tranh toàn vùng theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Theo thống kê, vùng duyên hải miền Trung hiện có tới 6 sân bay, 8 cảng nước sâu, 6 khu kinh tế ven biển, trong đó Chu Lai, Dung Quất được lựa chọn là khu kinh tế ưu tiên đầu tư phát triển đến năm 2015, một khu công nghệ cao ở Đà Nẵng và 51 khu công nghiệp. Đây chính là lợi thế lớn của khu vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trái với mong muốn, lâu nay sự liên kết vẫn còn quá lỏng lẻo, các địa phương vẫn cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá khiến nguồn lực bị phân tán. Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, 9 tỉnh vùng duyên hải miền Trung có nhiều điểm giống nhau về tự nhiên, nhân lực, thậm chí là vốn và cả cơ cấu kinh tế. Mà đã giống nhau về cơ cấu kinh tế, trình độ sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua thu hút đầu tư. Theo ông Thắng, trên bình diện nào đó, việc này sẽ giúp cải thiện hành chính để hấp dẫn đầu tư. Nhưng mặt trái của nó là nếu như tỉnh nào cũng làm giống nhau thì nguồn lực bị phân tán, không phát huy được lợi thế so sánh, thậm chí cả lợi thế tuyệt đối của mỗi một tỉnh.

Rộng cửa đón làn sóng đầu tư

Theo TS. Hồ Kỳ Minh (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), báo cáo “Kết quả khảo sát doanh nghiệp về đánh giá môi trường đầu tư vùng duyên hải miền Trung” dựa trên 208 doanh nghiệp đang hoạt động mới đây cho thấy vùng đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ công bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp. Do đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn lựa chọn và quyết định đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn các địa phương tiếp tục có nhiều cải cách hơn nữa về hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng biệt để hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Cam kết tiếp tục cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ đầu tư

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết sẵn sàng tiếp tục cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương trong vùng, dự kiến đến năm 2015, dư nợ của BIDV tại duyên hải miền Trung khoảng 65.000 - 70.000 tỷ đồng. Nhất là việc cung ứng vốn tín dụng cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như đầu tư nâng cấp quốc lộ 1 từ Thừa Thiên Huế đến Tuy Hòa, nâng cấp và đầu tư chiều sâu các cảng biển Quy Nhơn, Đà Nẵng…

Các cuộc tranh luận vẫn diễn ra ngay cả bên ngoài hội thảo. Các nhà đầu tư phân vân, chưa biết đầu tư vào đâu là trọng điểm và giải pháp nào là thích hợp hơn cho miền Trung. Nhưng, với sự tham dự lên đến hàng ngàn nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đã chứng tỏ sự kỳ vọng của giới đầu tư, cộng đồng doanh nhân về những cam kết, ý kiến đưa ra từ phía địa phương. Các hợp đồng thỏa thuận đầu tư, cam kết tín dụng và giấy phép được trao tại hội thảo (nhất là biên bản ghi nhớ về 2 dự án chung cho toàn vùng về việc tiến hành khảo sát thực hiện dự án thay thế đèn LED và năng lượng tái tạo với Công ty HE Networks) đã phần nào cho thấy cơ hội đã thực sự đến với vùng duyên hải miền Trung. Những dự án như Khu đô thị sinh thái biển Nam Hội An của Cienco 5 hay những giới thiệu về thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) hoặc Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Ông Hiro Yamaoka, trưởng đại diện Jetro Hà Nội (cơ quan chính phủ Nhật Bản về thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới) cho rằng xu hướng đầu tư của Nhật vào vùng duyên hải miền Trung sẽ càng gia tăng. Tuy nhiên ông Yamaoka cũng cho rằng điều quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay là quản lý sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô như giá cả, tỷ giá hối đoái và sự tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách thúc đẩy mạnh các ngành công nghiệp xuất khẩu mạnh có thể góp phần cải thiện cán cân thương mại. Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đóng vai trò rất lớn cho việc đầu tư này ở miền Trung...

Theo TS.Trần Du Lịch và nhóm tư vấn phát triển vùng, Thừa Thiên Huế có thể tập trung hơn cho phát triển dệt may, da giày; Đà Nẵng lấy ngành điện tử, tin học, công nghệ cao làm trọng tâm; Quảng Nam đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất linh kiện, lắp ráp phụ tùng ô tô, xe máy; Quảng Ngãi là công nghiệp nặng…

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung chỉ là bước đầu cho sự liên kết và thống nhất tiếp thị liên vùng. Một danh mục dự án trọng điểm vùng để kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án có lợi ích kinh tế, xã hội cao, công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực, có tác động liên vùng, liên kết các doanh nghiệp trong vùng, thị trường, đối tác… cũng như sẽ xây dựng tài liệu chi tiết cho các dự án trọng điểm vùng để làm cơ sở kêu gọi đầu tư sớm được ban hành. Các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, thậm chí cả xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư cũng sẽ được xây dựng một cách minh bạch, thống nhất, dựa trên tiềm năng, lợi thế và lợi ích của toàn vùng.

Trịnh Dũng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO