Có một biên niên sử báo chí cách mạng Quảng Nam

HOÀNG HƯƠNG VIỆT 10/06/2020 04:38

Cho đến nay, Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, dù có nhiều tài liệu, bài viết đâu đó trên một số tạp chí, đặc san, báo ngày, tuần báo, kỷ yếu ở địa phương, trong nước, nước ngoài, đề cập hoạt động báo chí, nhưng chậm có một “công trình”, tác phẩm lịch sử báo chí ở vùng đất này, vì nhiều lý do khách quan. 

Vùng đất, non một thế kỷ qua với bao nhiêu dư chấn, biến động lịch sử, nhất là từ khi có Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng long trời lở đất, đánh đổ các thế lực thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó có mũi nhọn báo chí luôn là lực lượng chủ công, tiếng nói của nhân dân, của Đảng, là sự hiện diện của cách mạng trong tâm hồn, trái tim nhân dân, dù cho phong ba bão táp, gian khổ, ác liệt tột cùng.

Báo chí đất Quảng đã làm nên một biên niên sử vẻ vang, là niềm tự hào của các thế hệ cầm bút qua các thời kỳ. Những sự kiện, những tên tuổi của người làm báo đất Quảng luôn để lại ấn tượng, dấu ấn khó quên trong ký ức nhiều người. Về sau này, tôi có may mắn và điều kiện đọc được một số sách, tư liệu về báo chí đất Quảng, trong đó có cuốn kỷ yếu “Báo Quảng Nam - những dấu ấn không quên” nhân kỷ niệm 80 năm báo Đảng Quảng Nam (1930 - 2010), cũng như trong kháng chiến chống Mỹ, tôi có tham gia làm báo Giải phóng Quảng Nam từ những năm 1964 - 1970, và cũng từ lâu tôi đã ấp ủ ý tưởng, ghi chép, thu thập, tập hợp các nguồn tư liệu, tài liệu để thực hiện cuốn sách mà tôi tâm đắc “Chân dung nhà báo đất Quảng”. Sách đã viết xong, tuy chưa ưng ý, nhưng trong ấy lấp lánh, hiển lộ những gương mặt nhà báo đất Quảng tiên phong, tài năng như Bùi Thế Mỹ, Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Lương Khắc Ninh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, rồi Lê Ấm, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Thao, Lưu Quý Kỳ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng, Đoàn Bá Từ, Vũ Hạnh, Đinh Chương...

Những nhà báo cấp tiến, yêu nước, canh tân gắn liền với tên tuổi tờ báo như Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng, Sông Hương của Phan Khôi. Thể hiện phong cách cách tân, đổi mới như Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thị Bảo Hòa. Đặc biệt, tiêu biểu và trưởng thành, có vai trò nhất định trong làng báo cách mạng như Phan Bôi, Phan Thanh, Phan Thao, Lưu Quý Kỳ, Đoàn Bá Từ, Vũ Hạnh... xuôi ngược trong Nam ngoài Bắc, có người bị tù đày trong nhà lao đế quốc.

Có những người không phải là nhà báo, nhưng lại là những người có vai trò quyết định, lãnh đạo, chỉ đạo nòng cốt các tờ báo của Đảng qua các thời kỳ (1930 - 1975) về định hướng nội dung lẫn hình thức, như các Bí thư Tỉnh ủy, Đặc khu ủy Võ Toàn (Võ Chí Công), Phan Tốn, Phan Văn Định, Bốn Hương (Võ Trọng Hoàng), Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng, Trần Thận... với các tờ báo Lưỡi cày, Mõ nhà pha, Còi nhà máy, Khởi nghĩa, Dân tộc, Cứu quốc, Cờ độc lập, Hừng đông. Từ những năm 1945 - 1975, là các báo Giải phóng, Chiến thắng, Quyết tiến, rồi Giải phóng (tục bản). Ở miền núi có báo Gung dứr (Đứng lên) - tiếng dân tộc Cơ Tu, Pru dương (Vùng lên) - tiếng dân tộc Ca Dong.

Trong từng thời điểm, yêu cầu của tình hình họat động chính thức, hợp pháp, công khai, hoặc bí mật, có một “lực lượng” là những học sinh, sinh viên, giáo chức, văn nghệ sĩ, phật tử âm ỉ làm báo, ra báo, trở thành phong trào “dấu thân, xuống đường” trong lòng đô thị Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, đóng góp tiếng nói mạnh mẽ, đấu tranh chống Mỹ xâm lược và ngụy quân, ngụy quyền tay sai, vạch trần tội ác và trò hề mị dân của chúng, đòi dân sinh, tự do, dân chủ, ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng, đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước bằng văn xuôi, thơ ca, nhạc, họa, ảnh chụp sống động, kịp thời. Đó là những tập san, đặc san, bản tin như Tu thư, của các nhà giáo Phạm Phú Hưu, Phan Khôi, Nguyễn Bội Liên (Hội An); Vượt sóng, của lực lượng nhân dân tranh thủ hòa bình; Đứng đầu gió, của học sinh, sinh viên đất Quảng; Tiếng gọi học sinh, của Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng; Ý nghĩ, Tiềm lực, của  nhóm Mai Đức Lộc, Huỳnh Kim Sánh; Sinh viên Quảng Đà, của nhóm Đỗ Hoàng Thiệu, có sự tham gia của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Ngô Thị Kim Cúc in tại Sài Gòn, phát hành về Quảng Nam, Đà Nẵng; Hồn trẻ, của nhóm Băng Huyền (Trương Ngọc Bằng), Hoàng Hương Việt, Hoài Thu, Nguyễn Văn Tám (ra được 3 số viết tay), ở nhà lao Mang Cá, Huế..., được coi là những tờ báo yêu nước đã đồng hành, chia lửa cùng với báo chí của Đảng trên mặt trận truyền thông thông tin do Đảng ta lãnh đạo.

Báo Giải phóng Quảng Nam và Giải phóng, Cờ giải phóng Quảng Đà có thời gian hoạt động dài nhất (1962 - 1975), phục vụ đắc lực cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng đến ngày toàn thắng.

Một vài dòng lược ghi trên đây để thấy rằng, do vị trí đặc thù của vùng đất đầu sóng gió, luôn đối mặt với nhiều kẻ thù thâm độc đánh phá, chiếm giữ, áp đặt để thực hiện âm mưu chia cắt, cai trị, cho nên cũng là nơi luôn khởi phát của các tổ chức, tầng lớp yêu nước, trong đó có báo chí, nhất là từ khi có Đảng. Báo chí đất Quảng luôn là công cụ đắc lực, kênh thông tin chân chính, trung thực của cách mạng, vạch mặt và phân hóa kẻ thù, ca ngợi cái đẹp, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước công luận xã hội, được đông đảo người đọc đón nhận, ủng hộ. Từ sơ khai đến khi trưởng thành, báo chí đất Quảng không ngừng cải tiến, đổi mới về nội dung lẫn hình thức, với một đội ngũ làm báo bản lĩnh và chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin nhiều chiều của nhiều đối tượng bạn đọc, ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, giữ vững và phát huy truyền thống làm báo sáng tạo, năng nổ của các thế hệ đi trước theo nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng. Thực tiễn đó, thể hiện thuyết phục trên tờ Báo Quảng Nam - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam” ngày nay.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một biên niên sử báo chí cách mạng Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO