Báo Giải phóng Quảng Nam ngày càng định hình về nội dung lẫn hình thức, nhất là lực lượng. Viết bài tại chỗ có gần như cả Tiểu ban Tuyên truyền, Văn nghệ, Báo chí, Giáo dục, Huấn học, ngay cả đội công tác vùng sâu cũng tham gia.
Còn có đội ngũ cộng tác viên từ các ban, ngành trong tỉnh, ở các huyện, xã gửi đến, các nhà văn, nhà báo ở khu 5 gửi về, Quảng Đà gửi vô. Hoặc một số anh chị ở khu đi thực tế địa phương về ở hẳn tại Ban Tuyên huấn có khi vài tháng, như nhà báo Đinh Thành Lê, Trần Phò (Phương), nhà thơ Thu Bồn, Dương Hương Ly, Hải Lê (Vương Linh), nhà văn Chu Cẩm Phong, Cao Duy Thảo, Dương Thị Xuân Quý, họa sĩ Thế Vinh, Trần Việt Sơn, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu... đều viết cho báo Giải phóng. Với lượng tin, bài, thơ, nhạc, họa đa dạng, phong phú, có chất lượng như vậy, nên anh em chúng tôi có điều kiện tha hồ chọn lựa để in.
Năm 1965, có đồng chí Phan Hiền ở miền Bắc về, được trên cử làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh, trực tiếp làm Trưởng tiểu ban, phụ trách báo Giải phóng, với danh nghĩa “Tổng biên tập” báo. Từ năm 1966, đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Nam, dưới tên gọi “Giáo sư Đông Lương”. Tôi được ban điều đi phục vụ và là phóng viên báo Giải phóng, chụp ảnh, viết bài tường thuật Đại hội Mặt trận, tổ chức tại thôn 6 xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước.
Đến năm 1967 báo có thêm các anh Chí Cao (Nguyễn Kiến) ở Thị ủy Tam Kỳ lên, rồi Nguyễn Việt Tiến, Dương Chí Lai (nhà giáo), Phạm Hồng (họa sĩ) từ Hà Nội về. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, có thêm các chị Thu Hồng, Thanh Tuyền (giáo viên), chị Như Lại, anh Văn Đức Hiếu, Nguyễn Huyền Vân, Nguyễn Duy Hinh (quê Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước) được giữ lại cơ quan; chị Phan Thị Minh (Phan Thị Mỹ Khanh, con gái cụ Phan Khôi) hoạt động cơ sở ở Đà Nẵng được tổ chức móc nối đưa lên, đều bổ sung cho báo Giải phóng.
Ngoài lực lượng chủ công tại tòa soạn như trên, báo tổ chức được một mạng lưới cộng tác viên đông đảo, gần như trên mọi mặt hoạt động ở khắp mọi nơi, thường xuyên gửi thư, bài phản ánh về các trận đánh diệt ác, phá kèm, mở ra vùng giải phóng, các cuộc đấu tranh trực diện của các mẹ, các chị, vận động binh lính ngụy bỏ ngũ, chống càn, vận chuyển lương thực, phong trào xuống đường của học sinh, sinh viên ở thành phố, thị xã, những tấm gương người tốt, việc tốt trong các tổ chức hội, đoàn thể Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh v.v. Trong sổ tay ghi chép còn giữ được, tôi không thể nào quên các anh chị “thông tin viên” nhiệt tình, gắn bó với báo Giải phóng Quảng Nam như: Xuân Nho, Nhị Văn, Hồ Anh Tuấn, Nguyễn Tự Phê, Đức Dũng (Thăng Bình), Nguyễn Phạm Huỳnh, Nguyễn Hữu Cần, Ngô Xuân Dương, Phạm Tăng, Lê Nho Sơn (Quế Sơn), Thu Hạnh, Hoàng Mộng Giao (Tiên Phước), Nguyễn Đình Hiến, Hữu Lượng (Tam Kỳ)... Rồi có Nguyễn Công Toản, Huỳnh Phan Lê (con của Giáo sư Huỳnh Lý) bên Ban Kinh tế; Duy Nguyễn (Trần Khảm) bên Ban Binh vận; Võ Tuyển (bác sĩ, Trưởng ban Dân y); Nguyễn Anh Dũng bên Tỉnh đội; các anh Hoài Hà, Nguyễn Trung Hiếu, Vũ Thành Lê, Hà Phương Diệu ở Quảng Đà; nhà thơ Liên Nam, Thân Như Thơ ở báo Quân giải phóng Khu 5 và một số anh chị em khác. Có chi tiết, nhà thơ Thân Như Thơ (quê Hội An) gửi cho báo bài thơ lục bát “Vườn thơm” viết trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng, nay tôi còn giữ làm kỷ niệm. Quá lâu rồi tôi không có điều kiện gặp lại các anh chị ấy, biết ai người còn người mất. Dù xa vắng, cách trở bao nhiêu, hình bóng các anh chị thân yêu đã một thời gắn bó với báo Giải phóng, không bao giờ phai mờ trong ký ức nhớ thương của tôi.
Về hình thức, tờ báo vẫn giữ khuôn khổ 30 x 40cm (2 trang vở học trò nối lại). Măng-sét chữ Giải phóng luôn thay đổi, là do lúc đó, tôi được giao làm thêm một số việc mà bên bộ phận viết li-tô (chữ ngược) nhà in ít khi làm được như viết chữ tít, vẽ tranh cổ động, tranh đả kích. Tôi có biết vẽ, viết chút ít, nên hay ngồi phác họa các kiểu chữ “Giải phóng”, thấy chữ nào hay hay thì sử dụng, cho nên vài ba số lại có chữ “Giải phóng” khác (lúc chữ đứng, lúc nghiêng, lúc ba tông chân đe, lúc chữ phông-ta-di). Thay đổi xoành xoạch như vậy nhưng các anh lãnh đạo ban không có ý kiến gì, không như bây giờ, măng- sét báo phải xét duyệt và giữ cố định theo giấy phép được cấp.
Báo không ra được đều kỳ, nên không đánh số, chỉ ghi ngày in báo, có khi một tháng 2 số, có khi cả tháng không in được, do tình hình địch đánh phá, cơ quan di chuyển, chống càn, lo vận chuyển lương thực, tăng gia sản xuất, tự túc chi phối. Tuy nhiên, báo vẫn đảm bảo chất lượng, nhất là những số đặc biệt về những ngày lễ lớn, ngày tết được tăng trang (4 lên 8 trang). Bài vở được đầu tư chăm chuốt công phu, nặng thể loại “văn chương, lịch sử”, có tranh cổ động 3 màu ở trang đầu. Màu đỏ dùng thuốc đỏ, màu vàng dùng thuốc củ nghệ, màu xanh có sẵn mực viết, rồi dùng bút tô theo màu sắc họa sĩ vẽ, vậy mà khi báo in ra trông cũng rực rỡ, bắt mắt. Báo có mấy chuyên mục như “Trên mảnh đất này”, “Tiếng thơ đất Quảng”, “Tranh đả kích”, nhận được nhiều bài viết, tranh vẽ của cộng tác viên, bạn đọc tham gia. Thường các bài xã luận, bình luận trên báo đều do Trưởng ban Tuyên huấn (qua các thời kỳ) như đồng chí Trương Minh Tân, Nguyễn Minh Mẫn, Võ Thiếp, Việt Dũng, cũng có khi giao cho phó trưởng ban viết, các đồng chí trưởng ban xem, sửa lại, hoặc bỏ hẳn vì chưa đạt yêu cầu, rất ít khi anh em phóng viên, biên tập chúng tôi viết, nếu nhỡ các đồng chí ấy đi vắng, thì báo cũng phải chờ. Còn lại, toàn bộ nội dung, chúng tôi đều quán xuyến hết. Càng đi nhiều, viết nhiều, lăn lộn với thực tế, cộng với rèn luyện dần, tích lũy kinh nghiệm, tay nghề nâng lên, làm chủ được ngòi bút, thể loại, nội dung vấn đề mình viết, nên được lãnh đạo quan tâm, tin tưởng.
(Còn nữa)