Ban Tuyên huấn Quảng Nam lúc bấy giờ (1960 - 1975) có 13 đơn vị trực thuộc gồm văn phòng ban, tiểu ban tuyên truyền (có văn nghệ, báo chí), tiểu ban huấn học, tiểu ban giáo dục, trường Đảng, đài minh ngữ, nhà in giải phóng, đoàn văn công giải phóng (dân ca kịch), đoàn nghệ thuật tuồng giải phóng, đoàn ca múa dân tộc miền núi, đội chiếu bóng, đội vũ trang tuyên truyền (3 tổ), tổ sản xuất ở hậu cứ, với tổng số hơn 200 cán bộ, công nhân viên.
Đội ngũ này là những anh chị em cán bộ cốt cán trụ lại sau hòa bình 1954, số đi tập kết về, số khu 5, miền Bắc tăng cường, số rút từ các huyện, thị, thành phố, ở tù ra và trốn bắt lính lên chiến khu tham gia cách mạng. Đến ngày quê hương Quảng Nam giải phóng năm 1975, có hơn 50 người là cán bộ lãnh đạo và các đơn vị thuộc Ban đã anh dũng hy sinh, bị thương tật, hoặc bị địch bắt tù đày. Có người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt như anh Văn Đức Hiếu, cô Thanh Tuyền (quê Thăng Bình), Nguyễn Huyền Vân (quê Quế Sơn), anh Minh Tân (quê Quảng Ngãi), anh Nguyễn Ri (quê Duy Xuyên) làm ở báo Giải phóng...
Còn nhớ, ngày chúng tôi được điều về Ban Tuyên huấn Quảng Nam, anh Hiệp (ở bộ phận in li-tô) của ban lên đón chúng tôi, lúc đó đang nằm chờ ở trạm giao liên Ông Sở (mật danh) gần thị trấn huyện miền núi Trà My, tôi biết loáng thoáng sẽ vô làm chỗ báo. Lần đầu tiên, tôi được nghe tên báo Giải phóng Quảng Nam. Sở dĩ chúng tôi ở trạm giao liên Ông Sở, bởi lúc cơ sở móc nối đưa mấy anh em sinh viên chúng tôi từ Huế, Đà Nẵng ra chiến khu lên tận Ban Tuyên huấn khu 5, đóng ở Nước Xa, Nước Mỹ, giáp miền núi tỉnh Quảng Ngãi, sau đưa về Quảng Nam, Quảng Đà công tác.
Khoảng tháng 10 năm 1963, Ban Tuyên huấn Quảng Nam, đóng ở thôn 4 xã Phước Sơn, huyện Tiên Phước, là một trong những xã thuộc căn cứ địa của tỉnh. Tiểu ban Tuyên truyền đang có anh Triều Phương (Nguyễn Mậu Tý), Nguyễn Đình Khôi, Nguyễn Ri trọ ở nhà bác Sơn, bác Sim, nằm lưng chừng dốc núi, gần tuyến đường xuôi đèo Eo Gió xuống chợ Cẩm Khê xã Kỳ Phước, huyện Tam Kỳ và dốc Vòng Xoay đổ xuống xã Phước Cẩm, huyện Tiên Phước.
Lúc đó, đồng chí Trương Minh Tân, Thường vụ Tỉnh ủy, làm Trưởng ban, đồng chí Hoàng Minh Hiệu, phó ban. Tôi được ăn ở chung với các đồng chí ấy một nhà. Các vị nhìn tôi có cái gì đó khang khác, có lẽ vì tôi “quá tiểu tư sản chăng”, da trắng, tóc tai bù xù, chân mang dép rọ trắng, còn kẹp theo tấm ảnh chân dung cỡ 18 x 24cm và tập thơ viết tay “Vẻ buồn tình yêu”, lén đem ra đọc, không ngờ ông Phó ban Hoàng Minh Hiệu bắt gặp, không nói gì, vì biết tôi vừa ở thành phố lên rừng chưa được vài tháng.
Ba ngày sau, tôi được gặp Trưởng ban Tuyên huấn - Trương Minh Tân, nghe đồng chí hỏi thăm gia đình , việc học hành, hoạt động của phong trào học sinh, sinh viên và chuyện bị địch bắt cầm tù, cuối cùng giao việc, dặn dò và giới thiệu một số anh chị ở các tiểu ban, phần đông đều đi công tác ở các địa phương.
Vậy là tôi được làm ở báo Giải phóng. Báo chí thì tôi biết rõ, vì năm 1958, khi còn đang đi học tôi đã viết văn, làm thơ gửi đăng các báo ở Sài Gòn, Huế. Khi bị bắt cầm tù ở nhà lao Mang Cá, Huế, tôi và một số bạn tù quê Quảng Nam bàn nhau làm tờ Hồn Trẻ (dạng tập san, viết tay, khổ bằng cuốn vở học trò, khoảng 16 trang), nội dung văn, thơ yêu nước, ca ngợi tình yêu cuộc sống, quê hương, đất nước và một số bài thơ Tố Hữu, danh ngôn học làm người, chuyền đọc trong nhà lao và gửi ra ngoài qua người thân đi thăm tù. Còn báo Giải phóng, là tờ báo của cách mạng, thì tôi chưa hình dung ra được.
Trong những ngày đầu chờ việc, tôi đọc mấy tờ Giải phóng in li - tô, khổ hai tờ giấy vở học sinh nối lại, chữ nghĩa chỗ đậm chỗ lợt, nhưng nội dung xã luận, mẩu chuyện, tin tức, thơ, ca dao, tranh đả kích thì “mới lạ” phong phú, theo hướng đánh giặc, cứu nước, giải phóng quê hương bằng 3 mũi giáp công (đấu tranh chính trị, quân sự, binh địch vận), bằng 3 thứ quân (chủ lực, bộ đội, địa phương, dân quân du kích) ở cả 3 vùng (miền núi, nông thôn, đô thị).
Những cụm từ quen thuộc, bất cứ người nào ở chiến khu cũng biết. Cách viết hồi ấy, kể cả sáng tác, mới nghe thì dễ, nhưng không thể nào viết hay và hấp dẫn, mặc dù hiện thực thì quá phong phú. Nơi vùng đất ngày đêm đạn, bom cày xới, chất độc hóa học tanh lợm, cỏ cây, hoa màu tàn lụi, đồng ruộng hoang vắng, những cuộc càn quét và xe tăng của Mỹ lúc ngúc lủi ngủi chà xát liên miên ở các vùng giáp ranh, vùng mới giải phóng như xã Kỳ Anh, Kỳ Phú, Kỳ Thịnh, Kỳ Phước, Kỳ Sanh (Tam Kỳ), Bình Định, Bình Quý, Bình Trị, Bình Dương, Bình Đào, Bình Giang (Thăng Bình), Phú Phong, Phú Hương, Phú Diên (Quế Sơn)...
Nhưng ở đâu, cũng gặp bộ đội giải phóng, anh chị em du kích, dân công vận chuyển. anh chị em cán bộ, các ngành đi công tác, một số trường học cấp 1, cấp 2 mới mở, thỉnh thoảng hằng đêm vẫn có văn công, tuồng biểu diễn, chiếu phim, nói chuyện thời sự phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ.
Có thể nói, tình hình từ những năm 1964 đến năm 1968, là thời kỳ cả tỉnh tiến công mở ra vùng giải phóng nối liền từ Nam Tam Kỳ ra tới Quế Sơn, từ miền núi xuống vùng đông. Nhiều đồn bốt, căn cứ, nhiều khu dồn, ấp chiến lược của địch bị ta tấn công tiêu diệt, giải thoát đồng bào trở về ruộng vườn quê cũ làm ăn, tiếp tục làm chỗ dựa hợp pháp, đóng góp cho các họat động của cách mạng giữa sự bao vây, ngăn chặn đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Những tấm gương người tốt việc tốt, anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ của quân và dân Quảng Nam xuất hiện ngày càng nhiều, là niềm tự hào, động lực thúc đẩy, hiệu triệu sức mạnh đoàn kết một lòng lao động sản xuất, công tác xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng.
(Còn nữa)