Năm Bính Ngọ - 1966 đã đi vào lịch sử đất Quảng như một mốc son chói lọi về tinh thần và ý chí quật cường của mảnh đất và con người không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ. Năm Bính Ngọ - 1966, cả quê hương là một chiến trường, mỗi người dân là một chiến sĩ, tất cả đã làm nên bản anh hùng ca bất diệt...
Bước sang năm 1966, trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, tính chất của cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt và quy mô hơn trước. Quân Mỹ trở thành lực lượng chính, nòng cốt đánh phá phong trào cách mạng. Tháng 1.1966, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà phát động phong trào “Toàn dân đánh Mỹ”, “Toàn tỉnh là một vành đai”, thực hiện khẩu hiệu “3 bám” (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch). Khẩu hiệu này sau đó được Khu ủy 5 bổ sung thành “4 bám” (bổ sung: trên bám dưới).
Phá vỡ chiến lược, kế hoạch của địch
Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam tháng 1.1966 chủ trương gấp rút xây dựng thôn, xã chiến đấu, đặc biệt chú trọng thôn chiến đấu và xây dựng du kích thôn bảo đảm đủ sức bẻ gãy một đại đội địch, du kích xã đủ sức bẻ gãy một tiểu đoàn địch. Tinh thần chỉ đạo kiên quyết của Tỉnh ủy là: xã nào, thôn nào không đánh được địch thì không được gọi là xã chiến đấu, thôn chiến đấu. Khi chưa có chỉ thị của cấp trên, cán bộ, đảng viên, du kích không được tự động bật ra khỏi xã, thôn mình trong lúc địch càn quét, ai bỏ chạy là tự đánh mất vị trí đảng viên, cán bộ!
Mít tinh đấu tranh chính trị chống Mỹ diễn ra sôi nổi ở các đô thị Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh tư liệu |
Được nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy soi sáng, quân và dân đất Quảng chủ động, tự tin bước vào cuộc chiến đấu “một mất một còn” với đế quốc Mỹ xâm lược. Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2.1966, Tiểu đoàn 1 Quảng Đà, du kích vùng B Đại Lộc đã đánh bại cuộc hành quân mở đầu cho cuộc “phản công chiến lược” mùa khô trên đất Quảng Đà với sự tham gia của 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 51 ngụy. Ở phía nam, lính thủy quân lục chiến Mỹ và Sư đoàn 2 ngụy cũng bị đánh những đòn đau. Cuộc hành quân liên kết giữa lính Mỹ và lính ngụy với quy mô lớn nhất từ trước đến lúc bấy giờ trên chiến trường Quảng Nam (từ ngày 19 đến 27.2.1966) bị thất bại thảm hại.
Bước sang những tháng tiếp theo, chiến công nối tiếp chiến công càng làm nức lòng quân dân đất Quảng, tạo thế và lực cho quân dân xốc tới cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “tìm và diệt” của đế quốc Mỹ. Nét dễ thấy nhất ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong năm 1966 là hình thái “hai chân, ba mũi giáp công” được kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, tạo nên sức mạnh to lớn, đưa cuộc chiến tranh giải phóng lên tầm cao mới. Ở vùng tây và vùng trung Hòa Vang, ở ven thị trấn Vĩnh Điện, cánh bắc thị xã Hội An, ven quận lỵ Duy Xuyên, Quế Sơn, các xã quanh căn cứ Chu Lai ở Nam Tam Kỳ... phong trào chống dồn dân và lập vành đai trắng, chống lập tề và nhất là lập ấp chiến lược diễn ra quyết liệt, làm cho kế hoạch “bình định”, kẹp dân của địch bị chững lại. Có nơi, địch cày đi xát lại nhiều lần, đốt nhà, chặt cây, dùng xe ủi đất, ủi thôn xóm, liên tục xúc dân vào các khu tập trung, song nhân dân vẫn tìm mọi cách trở về làng cũ, lại trụ bám trồng khoai, tỉa bắp, cấy lúa, nuôi giấu cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích. Phong trào nhập đồn đòi địch không được bắn phá làng mạc, ruộng đồng, đòi bồi thường nhân mạng... phát triển sâu rộng. Ở những nơi Mỹ đóng quân, dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, quần chúng, mà chủ yếu và tích cực nhất là phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng, đã xáp vào vận động, lôi kéo binh lính Mỹ, vận động chúng hạn chế hành động cướp bóc, phá phách. Đồng thời khơi gợi tình người, gây tâm trạng nhớ vợ con, gia đình, quê hương, chán ghét chiến tranh, đòi hồi hương trong binh lính địch.
Quyết liệt tranh đấu
Cao trào đấu tranh chính trị chống Mỹ ở các đô thị Quảng Nam - Đà Nẵng cũng diễn ra sôi nổi và quyết liệt. Lợi dụng mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy, giữa ngụy và ngụy ngày càng sâu sắc, học sinh, công nhân, tiểu thương và tăng ni Phật tử trong phong trào Phật giáo ở Đà Nẵng đã xuống đường phản đối Thiệu - Kỳ, tổ chức đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình trên các đường phố, góp phần trong cao trào đấu tranh chính trị rộng khắp ở 29 thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Ngày 15.3.1966, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức ở công viên Diên Hồng với hơn 10.000 quần chúng tham dự, có cả binh lính ngụy. Ngày 18.3, Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng được thành lập. Ngày 20.3, “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng Đà Nẵng” (tổ chức do ta nắm giữ những vị trí quan trọng) tổ chức lễ ra mắt trước 15.000 quần chúng tại công viên Diên Hồng, công bố tuyên ngôn về lập trường và mục tiêu đấu tranh của lực lượng, nêu rõ tình trạng Mỹ xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam, bè lũ Thiệu - Kỳ là con bài do Mỹ dựng lên nhằm phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Chiều 21.3, lực lượng xích lô và xe lam đã tổ chức cuộc tuần hành gồm 700 xe đi qua nhiều đường phố. Sáng 22.3, hơn 3.000 học sinh sôi nổi xuống đường và tổ chức mít tinh ra tuyên cáo nêu rõ: “Không có trường học nào bằng trường học yêu nước, không có bài học nào bằng bài học nhân dân; khi nước mất nhà tan, văn hóa nô dịch thì không thể ngồi yên trên ghế nhà trường”... Ngày 24.3, nhân dân Đà Nẵng chiếm Đài Phát thanh Đà Nẵng. Ngày 25.3, ta gạt được bộ máy an ninh của ngụy quyền tại Đà Nẵng và giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh thành phố cho “Lực lượng thanh niên tranh thủ cách mạng”. Ngày 31.3, ta thực hiện “thành phố chết” và thông báo: Bắt đầu từ ngày 1.4, tuyệt đối cấm người Mỹ đi lại trong thành phố trong thời gian bãi công. Ngày 1.4, hơn 25.000 nhân dân thành phố sắp xếp thành đội ngũ, gồm lực lượng các ngành, các giới, kể cả công chức và binh lính ngụy, tham dự buổi lễ “Giỗ Tổ Hùng Vương”...
Khi Thiệu - Kỳ đưa 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 1 tiểu đoàn dù ra Đà Nẵng, 2.000 công nhân khuân vác cảng Đà Nẵng và 1.000 ngư dân Sông Đà đi biểu tình phản đối. Ngày 15.5, Thiệu - Kỳ đưa 2 tiểu đoàn thủy lục quân chiến từ Sài Gòn ra Đà Nẵng lần thứ 2, dùng máy bay và xe bọc thép lấn chiếm lại các vị trí đã mất trong thành phố. Quần chúng lao động ở các khu phố, thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân đã dũng cảm giành giật với địch từng căn nhà, góc phố. Ngày 20.5, địch cho máy bay ném bom chùa Tân Ninh. Lực lượng ta anh dũng đánh trả những đợt tiến công của quân Thiệu - Kỳ cho đến lúc không còn giữ được nữa. Lịch sử mãi mãi ghi nhận sự kiện 76 ngày đêm làm chủ thành phố Đà Nẵng năm Bính Ngọ - 1966, đây là một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh ở đô thị và là minh chứng sinh động về việc kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, về vận dụng “hai chân, ba mũi giáp công” trong cao trào cách mạng ở đô thị Quảng Nam - Đà Nẵng.
VÂN TRÌNH