Ngay trong ngày linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về quê nhà Quảng Bình an táng (13.10.2013), ông làm lễ an vị di ảnh Đại tướng trong nhà thờ do mình dựng lên tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Ông đã tích cóp trong 22 năm làm rất nhiều nghề để đủ tiền dựng ngôi nhà gỗ khang trang thờ những vị mà ông tôn kính: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông là Nguyễn Nhì (SN 1930, quê làng Ái Mỹ, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc).
Ông Nhì luôn thắp hương bàn thờ Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Ảnh: KHẢI PHONG |
Tuổi thơ khốc liệt
Thuở nhỏ, ông Nhì đi ở chăn trâu cho địa chủ. Đến năm 17 tuổi, được cách mạng giác ngộ, ông tham gia làm liên lạc cho Biệt động đội huyện Điện Bàn. Một lần mẹ và em xuống Điện Bàn thăm ông, không may bị giặc Pháp đi càn bắt được. Chúng lùa hai mẹ con và 11 người dân khác vào một căn nhà, xả súng bắn chết rồi phóng lửa đốt nhà. Khi ông và bộ đội chạy đến chỉ thấy 13 cái xác cháy đen, co quắp. Ông nhận ra mẹ vì bà có cái cơi trầu bằng đồng đeo trong người. Ông nằng nặc xin vào bộ đội. Đến khi tập kết ra Bắc, ông tha thiết xin vào Nam chiến đấu. Thù nhà nợ nước đã tạo cho ông sức mạnh, lòng gan dạ để lập nhiều chiến công cho đến ngày đất nước toàn thắng.
Khi ông về quê, cha đã chết, đứa em còn lại mất tích, ngôi nhà xưa cháy rụi, chỉ còn sót vài cây cột. Thay vì nghĩ đến chuyện dựng lại nhà để sinh sống, ông lại muốn nhặt nhạnh những cây cột còn sót dựng một nhà nhỏ để thờ Bác Hồ, như tâm nguyện của ông từ ngày Bác mất. “Đời tôi nếu không có cách mạng, không có Bác Hồ thì không được như hôm nay. Sinh ra tôi là cha mẹ nhưng cho tôi nên người là Bác Hồ” - ông nói. Thế nhưng sau đó, vùng ông ở rơi vào quy hoạch treo, kế hoạch của ông dừng lại. Thời gian này, ông vừa làm lụng cùng vợ nuôi 3 đứa con vừa tích cóp để mua thêm gỗ chờ khi nào được tái định cư làm cái nhà đàng hoàng thờ Bác. Đến năm 2012, được cấp đất tái định cư, ông thiết kế và cho xây dựng ngay 2 ngôi nhà, một ngôi nhà cho vợ chồng ông ở và thờ ông bà; một nhà thờ để thờ Bác. Ngôi nhà vợ chồng ông ở khiêm tốn, xây cất bình thường. Trái lại nhà thờ Bác ở khu đất rộng rãi, hai mặt tiền, xây cất đẹp, với 30 cây cột gỗ tốt (trong đó có 4 cây cột lấy lại từ ngôi nhà xưa), đá tảng, gạch Bát Tràng…, chỉ riêng vật liệu đã vài trăm triệu đồng. Ngày 3.2.2013, ông an vị ảnh Bác, các đồng chí trong Huyện ủy Đại Lộc, nhiều cán bộ hưu trí và người dân đã đến thắp hương. Ngày 2.9, ông làm giỗ Bác, trang trọng, chân thành, nhiều người đến dự. Những ngày giỗ của cha mẹ, ông cũng có mâm cơm để cáo Bác. Rằm, mùng Một, bàn thờ Bác lúc nào cũng có hương, hoa.
Hàng ngày ông Nhì dành nhiều thời gian để lau chùi nên lúc nào ngôi nhà cũng sạch đẹp. |
Có duyên với Đại tướng
Khi an vị ảnh Bác, ông đã nghĩ đến 2 ảnh thờ bên cạnh. “Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai học trò xuất sắc của Bác, một tướng văn, một tướng võ. Cả hai tài hoa, liêm khiết, hết lòng vì đất nước mà tôi tôn kính” - ông nói. Lúc này, Đại tướng còn sống, ông không thể an vị mỗi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì thiếu cân đối. Đúng ngày an táng Đại tướng, ông an vị cùng lúc ảnh Đại tướng ở bên trái Bác, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng bên phải.
Ông có thể nói say sưa hàng giờ về cố Thủ tướng cũng như Đại tướng. Với riêng Đại tướng, ông đã nghe vang danh từ chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng thật sự cảm phục là ngay sau khi tập kết ra Bắc được đọc cuốn “Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân” của Đại tướng. Cuốn sách này đã khai mở những kiến thức quân sự đầu tiên cho ông và cán bộ quân sự thế hệ ông. “Nhiều điều trong cuốn sách đến nay vẫn còn ý nghĩa” - ông nhận xét. Đến trận “Điện Biên Phủ trên không” (từ 18 đến 30.12.1972), ông càng “thần tượng” Đại tướng. Lúc đó ông là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ sân bay Kép (Lạng Giang, Bắc Giang). “Ngay trong đêm 18, đạn tên lửa của ta như những con rồng lửa sáng rực cả vùng trời Hà Nội, Hải Phòng. Chúng tôi ở ngay trên mâm pháo ngoài trận địa mà không hề thấy lo sợ, trái lại thấy tự hào, tự tin, thấy sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng căng tràn. Cán bộ ai nấy tấm tắc khen tài bố trí hỏa lực, quân binh chủng để đánh trả B52 Mỹ quá tuyệt vời của Đại tướng - người chỉ huy toàn bộ chiến dịch này”.
Để có 30 cây cột gỗ tốt , ông Nhì đã tích lũy trong 22 năm trời. |
Ông Nhì còn có một cái “duyên” với Đại tướng. Chiếc máy bay giặc đầu tiên ông bắn rơi (tháng 3.1966) ở gần Vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) - nơi an táng Đại tướng.
Ông thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng để tỏ lòng kính trọng, để giáo dục con cháu, chứ không giỗ (muốn giỗ phải được phép của hai gia đình). Con cái của ông đều thống nhất sau khi ông qua đời sẽ thay ông gìn giữ nhà thờ, hương khói thờ phụng những con người tài hoa của đất nước. Di chúc của ông cũng ghi vậy. Việc ông đưa 4 cây cột còn lại trong ngôi nhà ông bà vào nhà thờ cũng là muốn để ngôi nhà thờ này được gìn giữ trân trọng mãi mãi.
KHẢI PHONG