Chiết tự chữ “giáo” (dạy dỗ, giáo dục, chỉ bảo) trong Hán tự, ở phần bên phải có tượng hình bàn tay cầm roi. Ghép với phần bên trái (“hào” như các que tính, sau viết thành “thổ” và bên dưới có “tử” - đứa trẻ), chữ “giáo” được hình dung một người thầy cầm roi dạy trẻ con học. Ngọn roi cũng thấy xuất hiện lần nữa khi chúng ta chiết tự chữ “học”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Hàng ngàn năm qua, chữ “giáo” đi liền với hình ảnh người thầy nghiêm khắc. Quan niệm của Nho giáo thậm chí còn đặt ông thầy trước cả cha mẹ, tạo thành giềng mối quân - sư - phụ vững chắc suốt thời phong kiến. Đã có một “tượng đài” về người thầy được mặc định suốt cổ kim và giữ vị trí trang trọng trong xã hội. Xã hội hiện đại, ở xứ sở hiếu học và đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo như nước Việt ta, tinh thần của thứ bậc “sư” xếp trước “phụ” vẫn còn hiển hiện.
Nhưng chỉ bằng một trường hợp cá biệt, lần đầu tiên thứ bậc ấy đã bị đảo lộn. Thật hy hữu khi “sư” đã phải… quỳ gối suốt mấy chục phút chỉ để xin lỗi “phụ”. Câu chuyện phụ huynh ép buộc một cô giáo tiểu học ở huyện Bến Lức, Long An phải quỳ để xin lỗi hồi cuối tháng 2 (sau khi cô giáo này phạt quỳ, đánh vào tay con của họ) đã làm “nổ tung” các diễn đàn ngót nửa tháng nay. Bộ GD-ĐT lẫn Hội LHPN Việt Nam đã phải lên tiếng, và cuối cùng Đảng ủy xã Nhựt Chánh biểu quyết 100% áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ Đảng đối với phụ huynh này.
*
* *
Khi dư luận có phần nguôi cơn giận, nhiều người mới giật mình nhận ra: Những khuyến dụ tôn kính nhà giáo lâu nay dường như chỉ viết cho… đám học trò. Trong 13 bài đọc chép ở chương thứ 2 (Bổn phận đối với học đường) trong cuốn “Luân lý giáo khoa thư”, có 5 bài dành để răn dạy trẻ nhỏ kính trọng thầy, như các bài “Phải yêu mến thầy”, “Phải tôn kính thầy”, “Phải vâng lời thầy”, “Phải biết ơn thầy giáo”, “Phải thật thà với thầy”. Không hề có khuyến dụ nào liên quan đến người lớn. Thậm chí câu cách ngôn “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy” lâu nay được hiểu theo nghĩa phái sinh là có ý nhắc nhở phụ huynh, nhưng thực ra được chép ngay sau bài thứ 2 “Phải yêu mến thầy”, trong đó răn học trò phải yêu mến thầy học cũng như yêu kính cha mẹ.
Trong công trình khảo cứu “Khoa cử và giáo dục Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng có đề cập các nếp sinh hoạt căn bản của một trường tư khi xưa, bao gồm lễ nhập môn, khai tâm, kỷ luật, học tập và nghỉ ngơi, học phí… Hình ảnh phụ huynh khi dẫn con đến nhà thầy xin học dù chỉ được diễn đạt rất ngắn, nhưng gói ghém cả một sự trọng thị. Khi ấy, cùng với đứa bé ăn bận chỉnh tề, phụ huynh còn mang theo lễ vật (trầu rượu, nhà khá giả hơn thì thêm mâm xôi, con gà trống luộc chín). Lễ nhập môn được kết thúc với hình ảnh quá đẹp: Thầy giáo cùng cha đứa trẻ ngồi trò chuyện, uống rượu, xem tử vi cho đứa trẻ và đặt tên mới. Buổi lễ đạm bạc nhưng trang nghiêm ấy được gọi là lễ cúng “vỡ lòng” hay “khai tâm”.
Lẽ dĩ nhiên, đó là trường tư và hình thức, nội dung đã khác quá xa so với trường lớp bây giờ. Nhưng với chuyện phụ huynh kéo đến trường không phải “khai tâm” cho đứa trẻ mà chỉ để hạch sách, buộc cô giáo quỳ xin lỗi vừa xảy ra ở Long An, đã có một sự đối nghịch. Phân tích kỹ, thấy cô giáo có thiếu sót về kỹ năng sư phạm, nhưng đấy thực sự là cú sốc văn hóa.
*
* *
Trong tâm tưởng các thế hệ học trò từ vài chục năm trước, hình ảnh nghiêm khắc của người thầy không dễ phai mờ. Và những hình phạt “không giống ai” kèm theo, nếu có, cũng chỉ được nhắc lại như một ký ức đẹp chứ không hẳn là vết xước tâm hồn, lại càng không thấy xuất hiện khái niệm “bạo hành”. Thấp thoáng tình thương ở phía sau những đòn roi.
Ngày nay, câu “thương cho roi cho vọt” đã được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, từ điều lệ trường học đến đạo đức nhà giáo, thậm chí viện dẫn cả Luật Giáo dục. Chặt chẽ là thế, vậy mà vẫn có tờ báo vừa liệt kê hàng loạt hình phạt kỳ quái áp dụng đối với học sinh, xảy ra ở Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bàn tay cầm roi không nhất thiết cứ phải… cầm roi quất vào đứa trẻ. Đó nhất định là cách hiểu thô thiển. Phải nhìn “ngọn roi” trên tinh thần nghiêm cẩn và kỷ luật. Thầy giáo mà tùy tiện vung roi (hoặc các hình phạt tương tự) là đã có dấu hiệu sai lệch, dù hành vi này được điều chỉnh bằng các quy định của nhà trường. Và càng sai lệch khi từ đó làm nảy nòi ra kiểu xử sự vô lối, vượt lằn ranh đạo đức giữa người lớn với người lớn, đến nỗi phụ huynh lại ép buộc giáo viên quỳ.
Đến bao giờ trong chiết tự chữ “giáo” viết theo lối Hán tự không còn cần đến hình hài của một ngọn roi?
HỨA XUYÊN HUỲNH