(QNO) - Đến chợ Việt An hỏi thăm cô Nguyễn Thị Tiến, hầu như ai cũng dành tình cảm quý mến đối với người phụ nữ trung niên hay làm việc "bao đồng" nhưng hết sức ý nghĩa với nhiều người.
Cô Tiến (áo vàng) thu tiền tiết kiệm tại chợ Việt An. Ảnh: M.L |
Giúp dân tiết kiệm
Là một cán bộ phong trào của thôn, cô Tiến giành hết tâm huyết của mình cho thôn, xóm. Bắt đầu từ việc thấy nhiều gia đình khi gặp cảnh ngặt nghèo không có tiền trang trải, phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí vay nóng để giải quyết, rồi nợ nần càng ngày càng cao, gia đình càng rơi vào khó khăn... Từ đấy, cô Tiến nghĩ ra cách kêu gọi mọi người trong thôn gửi tiết kiệm, mỗi ngày vài ba chục ngàn, từ cô bán gạo đến cô bán trái cây, bán cá và cả những gia đình cán bộ, công chức tại địa phương. Ban đầu, nhiều người chưa ủng hộ, nhưng sau thấy khoản tiết kiệm này có thể chia sẻ, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, và trên hết là cuối năm có một khoản tiết kiệm nho nhỏ nên mọi người tham gia nhiều hơn. Đến nay, không chỉ trong thôn Việt An, ở một số thôn lân cận, người dân cũng tìm đến cô Tiến để gửi tiết kiệm.
Từ vài năm nay, cô Tiến đã trở thành địa chỉ tin cậy để mọi người gửi những khoản tiết kiệm của mình. Không kể trời mưa hay nắng, trưa hay tối, đều đặn hằng ngày, cô Tiến đều đi quanh thôn để thu tiền tiết kiệm. Cô kể, hôm nào cũng vậy, phải đi đúng giờ để mọi người góp tiền. Nếu hôm đó bị đau hay có việc là phải thông báo cho mọi người biết và ngày sau phải đi lại ngay. “Không được để mất lòng tin ở mọi người, dù thế nào thì cũng phải đi con à” - Cô Tiến nói.
Cô Dương Thị Bút, thôn Nhì Đông, chủ tiệm gạo tại chợ Việt An là người tích cực tham gia phong trào tiết kiệm này. Cô kể, từ những ngày đầu, khi mọi người chưa hiểu được mô hình này thì cô đã đồng hành cùng cô Tiến. “Mô hình hay lắm, vừa tiết kiệm được tiền, nhưng khi nào cần thì có thể mượn để xử lý ngay, ngoài ra còn giúp được cho nhiều gia đình khó khăn nữa” - cô Bút chia sẻ. Ủng hộ cách làm hay nên hàng tháng, cô Bút đều góp 1,5 triệu đồng và góp một lúc để đỡ công cô Tiến đi lại.
Cuốn sổ của người phụ nữ đứng tuổi ấy ngày càng dày lên với rất nhiêu con số chi li, cụ thể. Quan trọng hơn, cuốn sổ ấy là niềm tin của mọi người.
Tấm lòng từ thiện
Cô Nguyễn Thị Tiến còn là "địa chỉ" đối với những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Ai đến cầu cứu, tìm hiểu rõ nguyên nhân xong, cô đưa họ đến từng nhà quanh chợ xin ủng hộ. Với người dân địa phương, vì tin tưởng tấm lòng của cô Tiến nên đều ủng hộ một cách vui vẻ, chưa bao giờ có thái độ khó chịu với việc làm của cô.
Ở thôn Việt An không có phong trào khuyến học nên việc động viên, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng không được thường xuyên. Xuất phát từ tấm lòng của một cô giáo làng, thương các em học sinh vất vả, cô Tiến đã tự bỏ tiền túi mua quà, sách vở đến tặng các em. Hiện cô đang đỡ đầu cho 2 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại thôn.
“Từ xưa đi dạy, nhìn thấy các em học sinh khó khăn, dù gia đình không khá giả gì nhưng cô đều dành giụm hoặc trích tiền lương của mình để mua sách vở, quần áo tặng các em. Dù không nhiều, nhưng đó là sự chia sẻ, động viên các em vượt khó, vươn lên học giỏi” - cô Tiến chia sẻ.
Được sự tín nhiệm của người dân nên cô Tiến được giao rất nhiều nhiệm vụ, từ mặt trận, tổ đoàn kết đến chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương bảo vệ môi trường, nhóm trưởng nhóm tiết kiệm tín dụng, vay vốn quay vòng tại thôn … có đến cả chục chức danh dành cho người phụ nữ nhỏ bé này. Với cô đó không phải là gánh nặng, mà đó là sự tin tưởng của mọi người dành cho mình nên cô càng nỗ lực, cố gắng hoàn thành. Với vai trò tiên phong của mình, các phong trào, cuộc vận động của địa phương đều được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, các khoản nghĩa vụ đều dẫn đầu toàn xã.
Hiện cô Tiến đã xây dụng hai nhóm tín dụng tiết kiệm, một nhóm góp vốn quay vòng với số tiền 250 triệu đồng, giúp nhiều chị em phụ nữ nghèo buôn bán, tránh trường hợp vay nặng lãi. Để giúp chị em phụ nữ vay vốn có thể sử dụng hiệu quả và nhanh chóng trả được nợ, cô đã gợi ý chị em hàng tháng trả tiền lãi thì gửi tiết kiệm thêm 500 ngàn đồng để giảm bớt tiền gốc. |
Làm một công việc chẳng nhận được đồng tiền bồi dưỡng, hỗ trợ nào nhưng cô vẫn đi, vì với cô đó là một việc làm ý nghĩa, giúp ích cho đời. Với nhiều người, công việc vác tù và hàng tổng, mất thời gian, công sức, nhưng với cô đó là công việc, nó mang đến cho cô niềm vui mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Tư, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức cho biết, cô Nguyễn Thị Tiến là một người rất nhiệt tình, luôn đặt uy tín lên hàng đầu, năng nổ, linh hoạt, chịu thương chịu khó, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Vừa qua, cô được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương là cán bộ mặt trận tiêu biểu. “Cô Tiến có tính trung thực hiếm ai có, rất trung thực, thẳng thắn, làm gì hay thu nhận đồng nào cũng công khai minh bạch nên rất được dân tin tưởng. Cô ấy giành hết thời gian cho hoạt động xã hội, một tấm gương sáng của phụ nữ Bình Lâm trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - chị Tư cho biết thêm.
MỸ LINH