(QNO) - "Con đã về nhà - I'm home" - ký họa cách ly dịch Covid-19 được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Thông qua xuất bản cuốn sách, Nhà xuất bản Phụ nữ góp phần gây quỹ ủng hộ những phụ nữ yếu thế ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhận được bản thảo cuốn sách do Nhà xuất bản Phụ nữ thực hiện từ bộ tranh ký họa của Tăng Quang, tôi đã “nghẹn lời” khá lâu, không viết được dòng nào.
Xúc động trước hết vì nét tài hoa và sự chân thật của bộ tranh cũng như tính cách rất thú vị của tác giả bộc lộ qua tranh và lời bình. Cảm phục vì tôi thấy rõ một tài năng và một nhân cách đẹp, dí dỏm, hài hước, mà nhạy cảm, sâu sắc, trách nhiệm.
Chia sẻ lại những bức ký họa của Quang trên facebook, sau lời cám ơn tác giả, tôi chân thành cám ơn trường đại học đã giúp bạn trau dồi chuyên môn và gia đình bạn đã gieo mầm nhân cách.
Bộ tranh và lời bình của Quang vẽ lại vô cùng sinh động và trung thực 14 ngày cách ly ở Trường Quân sự Quân khu 7. Ngẫu nhiên, tôi vừa có trải nghiệm tương tự ở một nơi cách ly khác, cũng do quân đội quản lý, nên thấm thía cảm nhận chân thành của Quang và các bạn.
Sự tận tụy và tinh thần lạc quan của đội ngũ y tế cũng như cán bộ, chiến sĩ, những người phục vụ ở các trung tâm cách ly làm ấm lòng những người con “về nhà” sau nhiều năm học tập, làm việc ở nước ngoài hay chỉ từ chuyến đi ngắn.
Ai cũng hiểu mình về lần này trong hoàn cảnh đặc biệt khi cả nước gồng mình chống dịch với phương tiện hạn chế của nước còn nghèo, người về từ vùng bùng phát dịch như chúng tôi đang tiềm ẩn nguy cơ và làm tăng gánh nặng. Nhưng ở các trung tâm cách ly, chúng tôi là những đứa con xa mới về được cả nhà hết lòng chăm sóc, yêu thương, đùm bọc.
Nghẹn lời còn bởi vì yêu quý tuổi trẻ tài năng của dân tộc. Là 9x đời đầu, Quang kể mình “cảm thấy ngợp. Vì thế hệ gen Z thật sự rất rất rất giỏi về nhiều mặt: công nghệ, ngoại ngữ, chuyên môn, tư duy khác biệt...” (trích facebook của Quang), thì người cao tuổi như tôi còn choáng ngợp bao nhiêu!
Điều tôi tâm đắc nhất từ các bạn trẻ như Quang và trẻ hơn Quang, chính là sự “khác biệt” của các bạn ấy. Ký họa và lời bình của Quang vẽ rõ chân dung của họ. Ở nơi tôi cách ly, phần lớn các bạn xuất thân từ nông thôn, không có trình độ học vấn cao, nhiều bạn mới tốt nghiệp phổ thông; nhưng chỉ sau 3 năm làm việc ở một quốc gia phát triển, các bạn đã tỏ ra trưởng thành, có tư duy độc lập, “mỗi người một vẻ”, mà bạn nào cũng đáng yêu, đáng quý.
Trong tràn ngập biết ơn đối với các anh phụ trách trung tâm, đội ngũ y tế và phục vụ, ấn tượng sắc nét nhất đem lại cho tôi niềm hy vọng lớn lao cho đất nước là sự tận tâm, giản dị và hiệu quả mà các anh thể hiện khi phục vụ và giúp đỡ chúng tôi, với “sự tôn trọng chính cái khác biệt và đa dạng ấy” của những người mới về từ chân trời khác.
Đã lâu lắm rồi, dễ gần nửa thế kỷ, tôi mới lại được thấy thái độ phục vụ như vậy từ “người nhà nước”. Và như một lẽ tự nhiên, quân với dân trở thành như cá với nước, người mới quen bỗng cảm nhận nồng nàn tình ruột thịt đồng bào. Phải làm gì để cuộc sống “bình thường mới” giữ được sự đồng lòng ấy như một cách thế làm người, như người Việt từng trải nghiệm mỗi lần đất nước đứng trước họa sống còn?
CHIẾN DỊCH GÂY QUỸ ỦNG HỘ PHỤ NỮ YẾU THẾ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID - 19
NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) vận động gây quỹ ủng hộ những phụ nữ yếu thế ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19,thông qua xuất bản cuốn sách “Con đã về nhà - I'm home” (sách song ngữ) - Ký họa cách ly dịch Covid-19.
Mỗi cuốn sách với giá bán 80.000 đồng (giá bìa 100.000 đồng), độc giả đã chung tay cùng NXB Phụ nữ ủng hộ 50.000 đồng cho 20 trường hợp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh thực sự khó khăn - những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Chiến dịch diễn ra từ ngày 7.5 đến 7.8.2020. Dự kiến ra mắt sách từ 25.5 đến 30.5.2020.
Con đã về nhà - Ký họa cách ly dịch Covid-19, là cuốn sách ghi lại bằng hình ảnh của những người con xa đất nước đang học tập, sinh sống ở nước ngoài. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những con người ấy đã đứng trước băn khoăn: Ở lại hay trở về? Tự phòng dịch hay là tin tưởng hoàn toàn vào sự chỉ đạo của chính phủ? Và sau những băn khoăn đó họ đã trở về, gác việc riêng, tự giác nghiêm túc thực hiện cách ly. Để rồi, sau 14 ngày cách ly, họ nhận ra: “Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “gia đình”, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện” (Tăng Quang).
CHÂU NỮ