Con đập... giữ lúa

TƯ RUỘNG 29/03/2016 09:11

Chủ nhật vừa rồi, xuống vùng đông Điện Bàn, Tư Ruộng như bị hút hồn trước màu xanh mơn mởn của những cánh đồng lúa đông xuân. Dẫn tôi lội thăm 6 sào lúa đang trổ đòng rộ, giọng chị Chín Ngân Giang ở phường Điện Ngọc đầy phấn khởi: “Từ đầu vụ đến nay, nhờ nước tưới luôn đảm bảo nên toàn bộ diện tích lúa ni đều sinh trưởng và phát triển rất tốt. Bây giờ nó đồng loạt trổ, bông đòng nào cũng to, nhìn sướng con mắt. Chú Tư biết không, sau Tết Bính Thân tới chừ, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao. Cũng may, nhờ chính quyền thị xã Điện Bàn và ngành liên quan ở tỉnh triển khai đắp con đập bổi ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện hồi cuối tháng Chạp năm ngoái chứ nếu không thì đồng lúa nơi đây bị khô hạn là cái chắc”.

Do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện tượng El Nino nên thời tiết ở xứ Quảng ngày càng cực đoan, rõ nhất là ngay từ đầu vụ đông xuân 2015  - 2016 khi nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ du sông Thu Bồn với nồng độ rất cao, đe dọa trực tiếp đến tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó việc đảm bảo nước tưới cho cây lúa là vấn đề hết sức nan giải. Trước tình trạng nguy này, cuối tháng 1.2016 chính quyền thị xã Điện Bàn cùng ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư triển khai thi công tuyến đập bổi trên sông Vĩnh Điện. Công trình này có chiều dài 100m, rộng 4m, cao 7m với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 90%, còn lại do ngân sách địa phương bỏ ra.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, tuyến đập ngăn mặn ấy nhằm tạo nguồn nước ngọt thường xuyên cho 11 trạm bơm điện ở hạ lưu sông Thu Bồn hoạt động ổn định, chủ động phục vụ tưới 1.856ha lúa. Trong số diện tích đó, có 1.500ha ở các địa phương Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, Vĩnh Điện, Điện An, Điện Thắng Bắc, Điện Phương của Điện Bàn và còn lại 356ha ở một số vùng của Hội An, Đà Nẵng. Theo tìm hiểu của Tư tôi, gần 2 tháng nay, phía hạ lưu đập bổi, nước mặn liên tục xuất hiện với nồng độ 4,6 - 5,2 phần nghìn. Ông Chơi cho rằng, nếu các cơ quan có trách nhiệm không dự lường trước tình hình và không gấp rút đắp đập bổi ngăn mặn thì chắc chắn cả 11 trạm bơm điện trên hệ thống sông Thu Bồn sẽ phải… trùm mền dai dẳng, bởi chỉ cần nồng độ mặn vượt mức 0,8 phần nghìn là các trạm bơm không thể vận hành. Điều đó đồng nghĩa với việc 1.856ha lúa đông xuân vừa nêu sẽ phải chịu khát và mùa màng thất bát là chuyện hẳn nhiên. Ông Chơi hồ hởi: “Nhờ có con đập đó mà thời gian qua 1.500ha lúa ở Điện Bàn an toàn tuyệt đối trước tình trạng nước mặn tấn công. Nếu tính bình quân 1ha cho năng suất 5,8 tấn lúa thì vụ này với số diện tích ấy nông dân sẽ thu được 8.700 tấn lúa. Nếu bán lúa với giá 5.700 đồng/kg thì với tổng sản lượng đó nhà nông sẽ kiếm được xấp xỉ 50 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi khoản chi phí, lãi ròng sẽ còn 30 tỷ đồng. Nhà nước bỏ ra 1,5 tỷ đồng để thi công đập bổi nhưng giúp nông dân thu được 30 tỷ đồng tiền lời là chuyện đáng làm quá chứ. Mà đâu chỉ vụ đông xuân này, có con đập đó thì mùa lúa hè thu 2016 sắp tới nhà nông cũng sẽ rất yên tâm sản xuất”.

Theo thông tin Tư tôi nắm được, hiện nay các ngành liên quan ở tỉnh cùng chính quyền thị xã Điện Bàn đang xúc tiến lập dự án để tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng con đập ngăn mặn vĩnh cửu trên sông Vĩnh Điện kết hợp thi công tuyến giao thông ĐH 7 với tổng dự toán khoảng 115 tỷ đồng. Nhiều người hy vọng, khi con đập kiên cố ấy hình thành, việc canh tác của nhà nông sẽ an toàn và bền vững.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Con đập... giữ lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO