Đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng ở các xã vùng cao Chà Vàl - Đắc Tôi (Nam Giang) nay không còn lo ngại bị cách trở, cô lập như trước đây, kể từ khi con đường giao thông nông thôn liên xã Chà Vàl - Đắc Tôi được thông tuyến.
Những chuyến xe đầu tiên đi trên con đường mới. |
Theo Đại tá Trần Văn An, Trưởng đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) - đơn vị làm chủ đầu tư, tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Chà Vàl - Đắc Tôi được gọi là “con đường của tình quân dân”, bởi ý nghĩa quan trọng trong đời sống hằng ngày cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa đồng bào bản địa với cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207. Con đường không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn là cầu nối về thông tin liên lạc, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống dân sinh, an ninh - quốc phòng, cũng như góp phần vào công cuộc đổi mới theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở vùng cao.
Tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Chà Vàl - Đắc Tôi do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 làm chủ đầu tư, được triển khai thực hiện trong 2 năm (2012-2014) với chiều dài hơn 5,5km, rộng 3,5m, nối thông tuyến giữa 5 thôn của hai xã Chà Vàl và Đắc Tôi, đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh tại địa phương với tổng kinh phí đầu tư hơn16 tỷ đồng. |
Cũng như nhiều địa phương khác nằm trong khu vực vành đai biên giới, những năm trước đây, địa bàn các thôn giáp ranh của hai xã Chà Vàl - Đắc Tôi luôn bị cô lập do đường sá hiểm trở. Do vậy, đời sống của người dân địa phương luôn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; dịch bệnh, ốm đau thường xuyên xảy ra. Những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện nhiều chính sách mới phù hợp nhằm nâng cao đời sống người dân bản địa, nhưng do địa bàn cách trở nên đời sống người dân chưa cải thiện. Như con suối giáp ranh giữa hai thôn Đắc Tà Vâng và Đắc Rích (xã Đắc Tôi), hằng năm trở thành nỗi ám ảnh của người dân bản địa vào mùa mưa lũ. Nhiều đợt, làng góp công dựng chiếc cầu tạm nhưng năm nào cũng bị lũ cuốn đi, khiến khu vực luôn trong tình thế cô lập. Từ khi có con đường mới, đoạn suối đã được xây hệ thống cầu ngầm bằng bê tông cốt thép vững chãi, người dân yên tâm hơn.
Không còn cảnh bị mưa lũ cô lập do đường sá cách trở, người dân các xã vùng biên Chà Vàl - Đắc Tôi đã có thể đi bằng xe máy từ làng này sang làng khác. Việc mua bán vì thế cũng được thuận lợi rất nhiều. Chị Blúp Thị Tuyết, người dân ở thôn Đắc Rích (xã Đắc Tôi) cho biết, trước đây có quả mít, quả bắp cũng phải vượt bộ đường rừng để đem tận chợ Chà Vàl để bán. Nhưng bây giờ thì đã khác, người dân có thể tự bán tại làng mình, hoặc “alô” tiểu thương đến mua tại nhà. “Có con đường rồi, cuộc sống của người dân vùng cao chúng tôi sẽ sớm thay đổi thôi” - chị Tuyết bộc bạch.
Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang đánh giá rất cao những nỗ lực đóng góp về công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 cho địa phương. Cùng với việc đóng quân trên địa bàn, nhiều năm qua Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác xây dựng đời sống mới, từng bước giúp nâng cao đời sống, tăng thêm thu nhập, hướng đến xây dựng mục tiêu nông thôn mới ở vùng biên giới. “Cùng với chợ phiên, con đường giao thông nông thôn liên xã Chà Vàl - Đắc Tôi sẽ là cầu nối giúp đồng bào bản địa mở hướng thoát nghèo, chuyển đổi hình thức mua bán, phát triển kinh tế bền vững” - ông Nhiên nói.
LĂNG A CÚI - P. GIANG