Con đường... sưa em đi

HUỲNH NGỌC CHIẾN 18/09/2019 16:03

Con đường này dĩ nhiên chẳng hề có dính dáng gì đến “Con đường xưa em đi” của cố nhạc sĩ Châu Kỳ, mà đã một lúc gây tranh cãi trên các trang báo mạng. Và dĩ nhiên cũng chẳng có ai ở Tam Kỳ lại cắc cớ đặt câu hỏi “Con đường.... sưa em đi” này là con đường nào, vì ai cũng đều biết những con đường sưa rất đẹp chạy dài theo con sông Bàn Thạch hay ở Vườn Cừa…

Đường sưa Bạch Đằng.
Đường sưa Bạch Đằng.

Những ngả đường lãng du

Tôi có thói quen hễ đi du lịch đến nơi đâu thì hay thưởng ngoạn những con đường. Trong thành phố sầm uất cũng như nơi thôn dã quạnh hiu. Tôi đi đây đi đó cũng tạm gọi là nhiều, và còn đọng lại trong ký ức hình ảnh của những con đường của một thời du lãng. Tôi lên Tây Nguyên nhiều lần, và lần nào trên con đường từ Sài Gòn lên Tây Nguyên, tôi cũng luôn thích ngắm những đồi thông ven quốc lộ của tỉnh Đăk Nông cho đến cầu 14. Khi xe đến quãng đường đó thường là vào lúc bóng nắng chiều bảng lảng. Khi nhìn những đồi cây lặng lẽ trong bóng hoàng hôn, tiếp nối điệp trùng dọc theo quốc lộ, tự nhiên ta sẽ thấy tâm hồn yên tĩnh, và những phiền muộn trong lòng như lắng dịu đi phần nào trước cái “đại khối vô ngôn” trầm lặng mà bàng bạc sức sống kia. Nó hùng vĩ chứ không dịu dàng quyến rũ như con đường với những đồi thông nhấp nhô hai bên, dẫn từ bên này đèo Prenn đến trung tâm TP.Đà Lạt.

Ở Sài Gòn có một con đường rất ngắn ở quận 5, nhưng tôi cho là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đường Phước Hưng! Tôi và người bạn thường hay ngồi uống cà phê vỉa hè ở đó. Con đường vắng người trong khu phố người Hoa đôi khi làm tôi có cảm giác như đang ngồi uống cà phê ở con phố nào đó giữa lòng Hội An. Con đường đẹp, với tôi, phải là con đường có trồng cây hai bên và vắng người. Sự huyên náo của đám tục khách sẽ làm mất đi sự quyến rũ lặng lẽ của những hàng cây, mà nếu thiếu sự quyến rũ lặng lẽ này thì bất kỳ con đường nào cũng chỉ còn là những khối nhựa đường hoặc những khối bê tông.

Tôi cũng ấn tượng mạnh về những con đường ở nước ngoài. Một lần tôi cùng những người bạn dạo chơi trên những con phố vắng vẻ đầy hoa đào của thành phố Vancouver xinh đẹp ở Canada, sát biên giới Mỹ, vào cuối chiều giữa cái lạnh 4 độ C. Một cảm giác thú vị khó lòng tìm thấy ở Việt Nam, trừ phi ta lên Sapa vào lúc nghiêm đông. Nhưng cái quyến rũ của thành phố Vancouver này vẫn là những con đường có những hàng cây. Lần khác, tôi theo người bạn đi từ thành phố Seattle bang Washington đến thành phố Portland của bang Oregon (Mỹ). Con đường nối liền hai thành phố đi xuyên qua giữa rừng thông. Trời mưa bay bay, cảnh vật khá thơ mộng làm tôi nhớ đến những con đường đầy thông dẫn đến Đà Lạt và Buôn Ma Thuột. Con đường rừng dẫn đến bang Oregon đẹp là nhờ rừng thông. Nếu không có rừng thông hùng vĩ đó thì có lẽ nó cũng chẳng khác gì con đường quốc lộ xuyên suốt Bắc - Nam. Tôi nghĩ giá như Quảng Nam ta có điều kiện để mở những con đường xuyên qua những khu rừng ở Trà My hay Tây Giang, Đông Giang thì chắc chắn những con đường đó còn đẹp hơn nhiều, vì hệ thực vật dọc hai bên đường sẽ phong phú hơn, giúp ta thấy gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn.

Đường về kỷ niệm

Nhưng bất cứ con đường nào, dẫu đẹp đến mấy rồi hình ảnh nó cũng phải nhòa phai trong ký ức, nếu như nó không gắn liền với kỷ niệm. Tôi xa quê lâu, không có chút kỷ niệm nào với con đường Bạch Đằng, vì đây là con đường mới mở sau ngày tôi đi xa quê. Nói đến con đường Bạch Đằng là nói đến hoa sưa. Đến mùa sưa, hoa vàng nở rộ, trông đẹp lạ lùng. Nhưng tôi lại có nhiều kỷ niệm đẹp, rất đẹp với hoa sưa ở Vườn Cừa, khi còn đi học. Cho nên, với tôi, con đường Bạch Đằng trở nên rất đẹp. Đẹp hơn những con đường tôi đã từng đi qua, và đã từng yêu thích trong đời.

Mỗi chiều, khi mùa sưa đã tàn, tôi thường chạy xe chầm chậm một mình, dọc con đường Bạch Đằng hay Vườn Cừa, để ngắm cảnh vật thiên nhiên ở phía bên kia bờ sông, nơi những cánh cò bay về đậu trên những thân cây mọc lẻ loi giữa những bãi cỏ um tùm. Hoặc ngồi trên chiếc ghế đá ven bờ sông để ngắm cảnh trời chiều trên sông. Dưới ánh nắng chiều, những cánh cò trắng nổi lên giữa tán lá xanh, như điểm xuyết thêm ý vị cho một vùng không gian yên tĩnh. Cảnh vật bên kia sông còn hoang sơ lắm, và chính điều đó lại tăng thêm phần quyến rũ. Tôi thầm mong dù TP.Tam Kỳ có phát triển đến đâu chăng nữa thì cảnh vật đó với những bờ lau đó vẫn nên giữ lại. Như một nét duyên của cô gái quê, giữa cát bụi phồn hoa.

Những kỷ niệm đẹp đẽ của tôi với hoa sưa, và cảnh vật hoang sơ yên tĩnh lúc chiều tà trên con sông Bàn Thạch đã biến con đường Bạch Đằng hay Vườn Cừa trở thành “con đường... sưa em đi”, một cách rất đỗi tự nhiên, với tôi. Và “em” đi trên con đường sưa đó chỉ là một “em” nào đó tôi vay mượn từ cõi đời phiêu bạt chìm nổi của mình, như Nguyễn Tuân vay mượn một chị Hoài nào đó từ “cuộc đời bừa bộn những oan trái” để viết nên truyện ngắn Tóc chị Hoài. Tôi cũng thường vay mượn một “em” lãng mạn nào đó trong cõi thi ca lãng đãng hay từ trong cõi mộng thần tiên để cùng đi với nhau trên con đường sưa này. Để thấy mình và con đường với những chùm hoa sưa từng vàng rực giữa trưa hè kia không đến nỗi cô độc lẻ loi trong những trận gió chiều thổi đến từ dòng sông, mỗi khi chiều xuống.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Con đường... sưa em đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO