Trầm hương - thứ “cực phẩm” của thiên nhiên ban tặng, gắn với thân phận chìm nổi của bao người. Con đường trầm hương trên đất Quảng trải qua một thời hưng thịnh, rồi quẩn quanh như làn hương khói mê hoặc.
Nghệ nhân trẻ chơi đồ mỹ nghệ trầm cảnh Lê Văn Hải, quê xã Quế Lộc - Nông Sơn. Ảnh: H.Phúc |
Giữa tháng 2.2017, tại phố biển Nha Trang, 100 chiếc quạt trầm hương do Công ty Trầm Hương Khánh Hòa tặng các quan chức tham dự hội nghị APEC 2017. Đây là sự kiện quảng bá cho hình ảnh trầm hương của Việt Nam bay ra thế giới.
Trầm hương xứ Quảng sinh sau đẻ muộn nhưng cũng “ăn theo” cái nôi trầm hương của Khánh Hòa. Tạm gọi đất đó là gốc gác của trầm, vì hiện chỉ tìm thấy trong tài liệu mà nhà bác học Lê Quý Đôn để lại trong “Phủ biên tạp lục - năm 1776”, có khẳng định: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai”. Địa danh Bình Khang, Diên Khánh xưa thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Vì thế mới có câu ca dao: “Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao biển rộng người thương đi về”.
Một thời hưng thịnh
Hương trầm bay theo gió vào đất Quảng hàng chục năm nay, cũng từ dấu chân để lại của các thương nhân đất Khánh Hòa. Tuy nhiên, thời hưng thịnh nhất của nghề làm trầm hương xuất hiện ở làng Trung Phước (xã Quế Trung, Nông Sơn) cách đây khoảng 7 - 8 năm. Lúc bấy giờ nhà nhà làm đồ thủ công mỹ nghệ trầm cảnh và tinh chế dầu hương. Ngày đó, các hội chợ quốc tế tổ chức ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Dubai..., nhiều “đại gia” làng trầm ở Trung Phước tham gia, giới thiệu sản phẩm. Ông Huỳnh Văn Thành (người làng Trung Phước) kể lại, tại hội chợ quốc tế Nam Ninh (Trung Quốc), Việt Nam tham gia hơn 100 gian hàng, thì có 10 gian hàng trầm cảnh của làng Trung Phước. Từ hội chợ, phía đối tác liên tục có đơn đặt hàng nên nhiều năm liền, ngôi làng vắt vẻo trên thượng nguồn sông Thu Bồn bận bịu cả ngày đêm. Thời điểm năm 2009 - 2014, hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến thủ công mỹ nghệ trầm hương quy mô lớn ra đời. Năm 2014, tại Quế Trung, có dự án đầu tư xây dựng công trình làng nghề thủ công mỹ nghệ dó trầm hương, nhằm vận động các cơ sở sản xuất trầm cảnh hỗ trợ nhau trong việc tìm nguyên liệu cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Thế nhưng, viễn tưởng vạch ra đã không như mong muốn.
Làng trầm hương giờ không còn nhiều tiếng lách cách của công đoạn đục đẽo gỗ vọng ra từ các cơ sở sản xuất. Cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ tại gia của anh em Lê Văn Hải (thôn 3, xã Quế Lộc, Nông Sơn) còn chất đầy bộ sưu tập mẫu mã. Có nhiều mẫu vừa ghép theo ý tưởng của chủ nhân. Hải bảo, giờ thị trường mỹ nghệ trầm hương đã bão hòa, các “đại gia” xưa đã chuyển sang kinh doanh bất động sản. Nghệ nhân của làng chơi vì ý thích, chứ ít dần đơn đặt hàng. “Cơ sở tôi vừa bán một cây trầm ghép thế ngậm đá đổ cho khách hàng ở Sài Gòn 120 triệu đồng. Nghề “ăn chắc mặc bền” nhất là làm nhang hương. Thời gian qua, người của làng qua cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị (Trung Quốc) giới thiệu sản phẩm nhưng bất thành. Trước người Trung Quốc, Ấn Độ, Dubai mua tinh dầu trầm nhiều nhưng nay họ yêu cầu khắt khe hơn nên hàng hóa sản xuất trong nước không đáp ứng được” - Hải tiết lộ.
“Vết thương” trầm
Một thời, dân Trung Quốc hay Ấn Độ rất chuộng tinh dầu trầm, đồ mỹ nghệ sản xuất ở làng Trung Phước, nhưng phía đối tác đã phát hiện sự can thiệp công nghệ, kể cả phun hóa chất độc hại vào sản phẩm nên dần dà đánh mất niềm tin. Dân bản địa thường trêu đùa: “chỉ có dân Trung Phước mới lừa được người Trung Quốc”. Tuy nhiều sản phẩm từ trầm hương thuộc loại hàng hóa đắt đỏ nhưng giao dịch về nó cũng chẳng thông qua con đường chính ngạch. Giới chơi trầm rất kín miệng. Trong các dãy rừng nguyên sinh ở vùng tây Quảng Nam cũng ít xuất hiện giới phu trầm, vì rừng dó tự nhiên không còn. Sự kiện chiều tối 23.8.2010, một nhóm người tại xã Đại Nghĩa và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) trúng 13kg kỳ nam tại khu vực đèo Phượng Hoàng (An Khê, tỉnh Gia Lai) được giới kinh doanh mua với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, có lẽ là thông tin cuối cùng về việc giới phu trầm trúng kỳ nam đến thời điểm này.
Ông Hoàng Văn Trưởng - Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương huyện Tiên Phước vốn là người am hiểu trầm hương. Nhưng chính bản thân ông cũng thừa nhận, trầm hương giao dịch trên thế giới vẫn chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Giới chơi trầm phần ai nấy giữ bí kíp tạo trầm, kinh doanh riêng. Người chơi trầm hương nếu tìm được hợp đồng với đối tác bên Ấn Độ, Dubai, Singapore, Thái Lan… thường giấu thông tin. “Việc thành lập hội thủ công mỹ nghệ trầm hương tại địa phương đến nay được 4 năm, với 28 hội viên tham dự nhằm chia sẻ kinh nghiệm tạo trầm, hợp tác liên kết làm ăn nhưng thực tế vẫn… mạnh ai nấy làm” - ông Trưởng nói. Hiện vườn dó của Tiên Phước ước có diện tích 1.000ha nhưng người chơi trầm vẫn lặn lội ra các tỉnh phía Bắc mua nguồn nguyên liệu về chế biến. Cây dó trồng 6 - 7 năm tuổi, sau đó sẽ được can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật để tạo trầm. Một kinh nghiệm dân gian đã đúc kết: “Trong đau thương dó biến thành trầm”. Hiểu được “vết thương” của dó bầu tự nhiên lại là nơi phát ra trầm quý nên nhiều năm qua ở Quảng Nam hầu hết đều làm trầm nhân tạo. Trồng cây dó đủ độ tuổi sau đó cấy hóa chất vào “vết thương” đã cứa để tạo trầm. “Hơn 30 năm đeo đuổi với nghề, theo dõi khắp nơi, tôi thấy nhiều người “lên voi xuống chó” với trầm hương, nhưng lạ lùng là ai cũng giữ bí mật làm ăn, tuyệt mật giữ “bửu bối” rất khó hiểu” - ông Trưởng thổ lộ.
Cơn lốc “ngậm ngải tìm trầm” chỉ thời gian ngắn ở nhiều địa phương đã khiến rừng dó tự nhiên biến mất, trong khi đó đến nay Quảng Nam vẫn chưa có trung tâm chọn giống, nghiên cứu tìm ra chất tạo trầm thân thiện với môi trường cho cây dó. Những nẻo đường vươn ra thế giới của trầm hương vì thế vẫn còn chông chênh!
BÍCH HẠNH