Mỗi ngày mở trang báo, luôn có một rừng tin tức ùa lên, sôi nổi trước con mắt, loi nhoi ồn ào, tin nào cũng cố thu hút sự chú ý của người đọc.
Bỏ qua những thủ thuật của trình bày, của giựt tít, của các kiểu support cho nổi bật câu view…, luôn luôn có những tin chiếm được sự quan tâm của công chúng ngay khi lướt qua. Chúng được chào đón, theo dõi, bàn tán, tạo thành cả một cơn sóng dư luận kéo dài.
Ví dụ đang nổi bật hai hôm nay, là hai cựu Bộ trưởng Thông tin truyền thông bị truy tố tội nhận hối lộ trong vụ án mua bán AVG.
Lâu nay hình ảnh các quan chức cấp cao phải ra tòa lãnh án vì sai trái trong công vụ không phải là điều mới mẻ nữa. Nhưng những tin tức loại đó chưa bao giờ thôi gây sốt trong dư luận, có lẽ bởi chúng gợi lên một thứ phức cảm liên quan đến niềm tin. Sự tương phản giữa một vị quan chức/ lãnh đạo với một tội phạm vẫn gây xúc động cho công chúng, chính vì một nếp mặc định trong tâm thức người ta, rằng chức tước và danh vị phải đi đôi với tài năng, đạo đức. Điều đó, lẽ tự nhiên thì phải như thế rồi. Nhưng nó chỉ tự nhiên trong trường hợp người dân tin vào phẩm chất của một cá nhân lãnh đạo trước khi anh ta đứng vào vị trí ấy. Ngược lại, trong đa số trường hợp, người dân cứ phải “vỡ mộng” khi một quan chức đạo mạo bỗng hóa thành củi và bị tống vào lò. Khi đó người ta mới vỡ lẽ ra rằng tất cả niềm tin và sự tôn trọng dành cho một chức vị, vốn chỉ là một thói quen vô cứ vô bằng. Và thông thường thì người ta rất khó tự trách mình tin nhầm một điều vô cứ vô bằng, cái nỗi phẫn nộ đó sẽ dồn thêm lên bản án của các vị bị cáo kia, những kẻ “móc túi niềm tin” của họ. Thế là, niềm tin nói chung xã hội vẫn mặc định dành cho “hàng ngũ lãnh đạo” thêm một lần bị tổn thương.
Trong vụ án AVG này, có một điều hài hước đã nhanh chóng trở thành chủ đề đàm tiếu. Ấy là một vị bộ trưởng - bị can từng xuất bản một cuốn sách răn dạy về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Chống tự diễn biến để làm gì? Để bảo vệ lập trường tư tưởng, bảo vệ niềm tin của người dân vào chế độ và qua đó, tạo nên sự đồng thuận của xã hội với chính sách của Nhà nước và việc làm của chính quyền. Oái oăm thay, một phần “việc làm” đó của tác giả - trong vai người đại diện chính quyền - lại là hỗ trợ cho một dự án gây thất thoát ngân sách, nhận hối lộ đút túi riêng.
Những lời rao giảng ấy, cái vỏ bọc quyết tâm trung trinh ấy, khi vỡ ra dưới ánh sáng của vụ án, có khác gì một cái tát vào niềm tin của dân chúng? Thứ niềm tin mà không ít vị lãnh đạo cấp cao vẫn phát biểu là rất quan trọng, là tồn vong của chế độ. Mà những ngôn - hành của không ít quan chức bây giờ cứ xài xể cho hao mòn mãi đi!
Chữ tin còn một chút nào, sao lại nỡ dày cho tan đi thế?!