Công bằng BOT

SÁU CÒI 26/09/2017 11:33

Nhiều bất cập, tồn tại khi quốc lộ (QL) 1 mở rộng qua địa bàn tỉnh theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đưa vào khai thác.

QL1 qua Quảng Nam có 2 dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định thực hiện, bao gồm dự án thành phần 1, đoạn km947-km987 và thành phần 2, đoạn km987-km1027. Các hạng mục sau khi hoàn thành đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đơn cử, xe di chuyển trên cung đường mở rộng có dải phân cách này nhanh hơn. Tai nạn giao thông giảm đáng kể, hiện chỉ còn chiếm hơn 20% số vụ toàn tỉnh (trước đây chiếm hơn 50%). Chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng nâng cao, rút ngắn thời gian vận chuyển và đi lại. Người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, xe thô sơ được hưởng lợi ích lớn từ dự án mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Tuy nhiên, bất cập, tồn tại của dự án thể hiện rõ rệt. Chẳng hạn về quy mô, dự án thành phần 1 (rộng 16,5m) mới có 2 làn ô tô mỗi bên. Không có làn dành riêng cho mô tô, xe thô sơ khiến người dân di chuyển khó khăn, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu. Đánh giá về hiệu quả đầu tư, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Đỗ Văn Sinh từng cho rằng, con đường chưa đạt như mong muốn, bởi vì quan trọng nhất của hạ tầng giao thông là phải đảm bảo an toàn cho người dân.

Dù đã đưa vào khai thác, nhà đầu tư tỏ ra chậm chạp với nhiều hạng mục phải hoàn trả, trong đó có nhà chờ xe buýt... Cự ly đặt 2 trạm thu phí cũng chưa hợp lý (cách nhau 50km). Tỉnh góp ý đề xuất giảm mức thu nhưng các bộ, ngành liên quan kiên quyết bác bỏ. Muốn giãn cự ly, tỉnh từng đề nghị Bộ GTVT dịch trạm thu giá Tam Kỳ vào tại km1027, giáp địa phận Quảng Ngãi song không được chấp thuận. Phương thức thu phí theo lượt như hiện nay chưa đảm bảo công bằng, vì phương tiện của cư dân sinh sống hai bên các trạm thu phí dịch vụ km943+957 (xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) và Tam Kỳ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) sử dụng dịch vụ ít nhưng vẫn thanh toán giá như các chủ xe khác. Để dung hòa, rõ ràng Bộ GTVT cần chỉ đạo nhà đầu tư có cơ chế miễn, giảm giá phù hợp. Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị cụ thể gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT). Theo đó, miễn 100% giá cho ô tô con của cư dân có hộ khẩu tại 2 xã (phường, thị trấn) lân cận trạm thu phí; giảm 50% giá sử dụng đường bộ cho phương tiện của cư dân có hộ khẩu thường trú tại 2 huyện (thị xã, thành phố) lân cận trạm.

Liên quan đến việc phương tiện tránh trạm, tình trạng này chỉ có thể hạn chế, không có phương án khắc phục triệt để. Tuy nhiên, xe tránh trạm đã đi vào đường địa phương gây hư hỏng, mất an toàn giao thông. Do đó, Quảng Nam đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu Bộ GTVT có cơ chế sử dụng một phần nguồn kinh phí phục vụ thu để chống thất thu bằng cách hỗ trợ địa phương nơi có trạm thu cắm biển báo, trực gác chắn, khôi phục hạ tầng; đồng thời hỗ trợ lực lượng chức năng ở cơ sở tăng cường tuần tra, kiểm soát. Và thực tế hiện nay, 2 trạm thu phí BOT đều đã trang bị cân tải trọng xe, song kết quả cân lại chưa sử dụng cho mục đích xử lý phương tiện vi phạm. Chính vì vậy, một cơ chế để Thanh tra GTVT có thể sử dụng kết quả cân tải trọng tại trạm vào xử lý phương tiện quá tải cần thiết sớm được ban hành.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công bằng BOT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO