Công bằng với người khuyết tật

ANH SẮC 10/05/2013 14:08

Quảng Nam có khoảng 40 nghìn người khuyết tật (NKT), chiếm tỷ lệ 7% dân số. NKT vẫn có tinh thần đam mê tập luyện thể thao và mong muốn có dịp thể hiện mình qua các giải đấu. Cho nên trong thời gian qua, nhiều NKT Quảng Nam đã tham gia thi đấu và giành được thành tích cao tại các  giải thể thao cấp quốc gia, thậm chí khu vực như Võ Anh Tuấn (môn điền kinh), Nguyễn Thị Bích Đào (cử tạ), Nguyễn Lê Thúc Vĩnh (cờ vua). Những gương mặt vừa đề cập đã từng đoạt 5 huy chương tại Đại hội thể thao NKT Đông Nam Á.

Để được đứng trên bục cao nhất, các vận động viên khuyết tật phải nỗ  lực rất nhiều. Ảnh: A.S
Để được đứng trên bục cao nhất, các vận động viên khuyết tật phải nỗ lực rất nhiều. Ảnh: A.S

Tuy nhiên, thể thao đối với NKT hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do thiếu sự quan tâm từ phía những người có trách nhiệm. Thực tế cho thấy, tổ chức giải thể thao cho người bình thường thì địa phương nào cũng làm được và khá nhiều. Thế nhưng, mở sân chơi cho NKT, ngay cả vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của họ (ngày NKT Việt Nam 18.4) thì rất hiếm, thậm chí nhiều địa phương “quên” luôn. Vì vậy, vốn đã chịu thiệt thòi khi phần lớn địa điểm tập luyện, thi đấu được đầu tư xây dựng không phải dành cho NKT (thiếu trang thiết bị chuyên biệt, kể cả đường lên xuống) nên khó tập luyện, nhiều địa phương cũng chẳng màng đến việc tạo cho NKT được thể hiện năng khiếu thể thao qua các giải đấu ở cơ sở.

Hoạt động thể thao tại địa phương đã không được quan tâm thì với giải đấu do tỉnh tổ chức cũng chẳng khá hơn, một số nơi “làm lơ” hoặc phó mặc cho NKT. Tại giải thể thao NKT tỉnh năm 2013 vừa tổ chức, nhiều người đã phải bất ngờ khi không ít vận động viên khuyết tật phải tự túc phương tiện đi lại, ăn ở, thậm chí có 3 vận động viên khuyết tật cùng “đèo” nhau trên một chiếc xe  máy vào Tam Kỳ để tham gia giải…

Nhưng cũng có địa phương quan tâm, cử cán bộ chuyên môn dẫn đoàn đi thi đấu, lo chỗ ăn nghỉ cho vận động viên. Các huyện Tiên Phước, Nông Sơn còn cho xe ô tô đưa vận động viên địa phương mình “đi đến nơi, về đến chốn”, bồi dưỡng thêm tiền cho họ; thậm chí  huyện Tiên Phước còn phải cử cán bộ của trung tâm VH-TT huyện đi theo để làm nhiệm vụ… cõng Nguyễn Ngọc Hùng do vận động viên cờ tướng này bị bại liệt đôi chân nên không thể tự đi lại được. Ngoài ra, ban tổ chức  giải đã tổ chức một bữa tiệc liên hoan để động viên các vận động viên sau khi họ kết  thúc các cuộc tranh tài. Đây là việc làm có ý nghĩa của những nhà tổ chức, thể hiện sự quan tâm của ngành TDTT đối với NKT trên địa bàn tỉnh.

Rõ ràng, bên cạnh sự quan tâm của một số huyện, thành phố thì vẫn đang có sự phân biệt, đối xử chưa công bằng đối với thể thao NKT của nhiều địa phương khác. Vì vậy, để tạo điều kiện cho NKT được thể hiện niềm đam mê và khả năng, rất cần có sự quan tâm đầy trách nhiệm hơn bằng những việc làm cụ thể. Đừng nên đổ thừa do khó khăn về kinh phí hay vấn đề gì khác.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công bằng với người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO