Do công chứng viên không kiểm tra kỹ giấy tờ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không tuân thủ đúng quy định của pháp luật công chứng dẫn đến hợp đồng vô hiệu, gây thiệt hại cho nguyên đơn, nên Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam bị tòa án tuyên buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng. Đây là bài học đắt giá cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực công chứng hiện nay.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang thi hành Bản án số 02/2019/DS-ST ngày 15.1.2019 của TAND thị xã Điện Bàn và Bản án số 79/2019/DS-PT ngày 28.11.2019 của TAND tỉnh. Theo các quyết định thi hành án, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam phải nộp 112,3 triệu đồng tiền án phí. Liên đới với Công ty TNHH Chí Thành (số 15E đường Lạc Long Quân, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bồi thường thiệt hại cho ông Võ Văn Thiện (số 71 đường Điện Biên Phủ, TP.Đà Nẵng) số tiền 8,7 tỷ đồng, chi phí thẩm định giá và lãi chậm thi hành án, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng và tiền lãi chậm thi hành án.
Thiếu kiểm tra, không tuân thủ quy định
Ngày 26.1.2007, Công ty TNHH Chí Thành được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 837311 tại thửa đất C10, tờ bản đồ số 00, diện tích 1.559m2, loại đất ở; địa chỉ thửa đất thuộc khu dân cư số 11, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn).
Ngày 4.1.2012, Công ty TNHH Chí Thành lập hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh Hải để ông thực hiện việc chuyển nhượng, cho thuê, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng thửa đất số C10 nêu trên. Đến ngày 9.3.2012, Công ty TNHH Chí Thành do ông Hải làm đại diện lập hợp đồng chuyển nhượng thửa đất C10 cho ông Võ Văn Thiện. Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam đã chấp nhận công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên. Sau khi lập hợp đồng chuyển nhượng, ông Thiện tiến hành đăng ký chỉnh lý biến động về chủ sử dụng đất nhưng không lập thủ tục được, do Công ty TNHH Chí Thành không xuất hóa đơn và chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước nên ông Thiện khởi kiện yêu cầu trả lại tiền nhận chuyển nhượng đất và bồi thường thiệt hại.
Tại bản án phúc thẩm, TAND tỉnh nhận định, kháng cáo của Phòng Công chứng số 1 cho rằng ông Thiện cũng có một phần lỗi trong việc chuyển nhượng lô đất nêu trên là không có cơ sở. Công chứng viên của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam thừa nhận khi công chứng hợp đồng ngày 9.3.2012 giữa Công ty TNHH Chí Thành và ông Thiện đã không kiểm tra kỹ các giấy tờ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng, không tuân thủ đúng quy định của pháp luật dẫn đến sai phạm. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 9.3.2012 giữa Công ty TNHH Chí Thành và ông Thiện vi phạm điều cấm của pháp luật nên vô hiệu.
TAND tỉnh khẳng định, lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu là do Công ty TNHH Chí Thành không nộp tiền sử dụng đất và công chứng viên không kiểm tra nội dung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tiến hành công chứng hợp đồng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi của Công ty TNHH Chí Thành và công chứng viên ngang nhau là có sơ sở, đúng quy định pháp luật. Công chứng viên có lỗi trong quá trình công chứng hợp đồng nên Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam phải chịu trách nhiệm bồi thường. Từ những phân tích và nhận định nêu ra tại tòa, TAND tỉnh bác kháng cáo của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thị xã Điện Bàn.
Phối hợp tìm phương án giải quyết
Gần một năm qua, việc thi hành án đối với hai Bản án số 02 và 79 chưa thực hiện được nên ông Võ Văn Thiện phản ánh với Thường trực Tỉnh ủy tại buổi tiếp dân định kỳ tháng 11.2020 vừa qua.
Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về việc tổ chức thi hành án đối với Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, ngày 15.9.2020, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh có Công văn số 942 đề nghị Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam kê khai, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án để có cơ sở thi hành án. Nhưng đến nay, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Sở Tư pháp. Ông Nguyễn Hổ Hiền - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh nói, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án, sau đó mới tiến hành làm việc với công chứng viên để thỏa thuận trả lại số tiền đã thi hành án cho phòng công chứng.
Trước đây, khi thành lập Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam thuộc Nhà nước, nhưng từ năm 2010, đã chuyển đổi sang hoạt động tự thu tự chi không còn được ngân sách nhà nước đảm bảo. Tài sản nằm trong Sở Tư pháp, việc cưỡng chế thi hành án cũng không có cơ sở nào. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có đăng ký làm việc với Sở Tư pháp nhằm thống nhất phương án thực hiện nghĩa vụ thi hành án, dù là khối nhà nước hay một đơn vị pháp nhân đều phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
“Phương án tài chính thực hiện thi hành án như thế nào thì Sở Tư pháp làm việc với UBND tỉnh để có hướng giải quyết. Trách nhiệm cơ quan thi hành án là đôn đốc thực hiện tất cả thủ tục và gần như đã làm hết trách nhiệm, kể cả báo cáo với UBND tỉnh. Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam thuộc hoàn toàn Nhà nước thì việc giải quyết sẽ dễ hơn theo cơ chế bồi thường nhà nước, còn nếu như áp dụng theo Luật Doanh nghiệp thì phòng công chứng này không có khả năng chi trả” - ông Hiền cho biết.
Qua nghiên cứu hồ sơ và thảo luận giữa các ngành liên quan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm làm việc với Sở Tư pháp để thống nhất hướng giải quyết trên cơ sở vận dụng đúng các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.
“Thường trực Tỉnh ủy sẽ có văn bản giao UBND tỉnh chỉ đạo việc thi hành án của vụ án này. Các cơ quan chuyên môn liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp thi hành án tốt nhất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục giám sát việc thi hành án, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân” - ông Dũng nhấn mạnh.