Công đoàn trước thách thức hội nhập

LÊ DIỄM 04/01/2019 02:40

Từ đầu năm 2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Theo các điều khoản đã được ký kết, tổ chức công đoàn được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.

Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà hỗ trợ đoàn viên khó khăn. Ảnh: D.L
Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà hỗ trợ đoàn viên khó khăn. Ảnh: D.L

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 225 nghìn người lao động (LĐ) có ký kết hợp đồng LĐ với chủ sử dụng LĐ. Trong số đó, có 1.928 công đoàn cơ sở đang hoạt động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, với tổng cộng hơn 129 nghìn đoàn viên. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thách thức của tổ chức công đoàn là phải đối diện với nguy cơ cạnh tranh với các hiệp hội, tổ chức vì người LĐ khác. Như lời ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận, tổ chức công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu nếu không cạnh tranh được với các tổ chức khác. Công đoàn là thiết chế đại diện cho người LĐ, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cản trở hoạt động của cấp cơ sở, nên hội nhập sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều.

Công đoàn trong các đơn vị, cơ quan ít gặp trở ngại hơn khu vực doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư từ nước ngoài đến với tỉnh ngày càng nhiều hơn, điều đó khiến việc thành lập tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp khó khăn hơn. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI đã không đồng ý thành lập tổ chức công đoàn ở trong doanh nghiệp với lý do họ có Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người LĐ. Ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhìn nhận: “Hiện nay, người làm công tác công đoàn ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, trong khu vực doanh nghiệp đều là người làm công tác nhân sự hay quản đốc phụ trách. Chính vì thế, hoạt động công đoàn khó có thể đứng về người LĐ 100% như chức năng chủ yếu là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người LĐ. Hoạt động công đoàn chỉ hiệu quả nếu người của tổ chức công đoàn phụ trách ở doanh nghiệp, nhưng điều đó là bất khả thi trong thời điểm hiện nay”. Ngoài ra, trong điều kiện tinh giản biên chế và cắt giảm hợp đồng LĐ, lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách sẽ “mỏng” đi rất nhiều cũng là thách thức.

Công đoàn đứng trước khó khăn hiện hữu là phải làm sao tổ chức được nhiều hoạt động vì người LĐ ngày càng hiệu quả. Thời gian qua, các hoạt động thăm hỏi khi ốm đau, khó khăn, tặng quà mỗi dịp lễ tết, khám mắt, cấp kính miễn phí, hỗ trợ phẫu thuật mắt cho công nhân làm việc ở nhà máy, tặng nhà “mái ấm công đoàn”, các hoạt động văn nghệ, thể thao... đã giúp người LĐ lúc cần thiết nhưng về lâu dài thiếu tính bền vững. Chị Trương Thị Tiên - công nhân Công ty CP Phước Kỳ Nam chia sẻ: “Những phần quà, hỗ trợ của công đoàn các cấp góp phần động viên, hỗ trợ tôi vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Việc tham gia tổ chức công đoàn với tôi là mong muốn được bảo vệ quyền lợi, động viên lúc hoạn nạn để yên tâm công tác”.

Riêng ở mỗi công đoàn cơ sở, nếu có sự quan tâm của chủ sử dụng LĐ thì các hoạt động có phần sôi nổi hơn. Ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Ở những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả phần lớn nhờ chủ doanh nghiệp quan tâm. Khi chủ doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí hoạt động, đời sống người LĐ luôn được chăm lo tốt hơn. Sự quan tâm của chủ doanh nghiệp ở đây là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng qua các hội nghị đối thoại với người LĐ do công đoàn cơ sở tổ chức. Từ đó mà các chế độ, chính sách, lương, thưởng của người LĐ được giải quyết thấu đáo, điều kiện làm việc được cải thiện”. Tuy nhiên, ông Quang cũng nói rằng hoạt động công đoàn trong điều kiện hội nhập bắt đầu từ năm 2019 này sẽ đứng trước nhiều thách thức lớn hơn, nên tổ chức công đoàn bắt buộc phải tìm hướng đi, đổi mới cách hoạt động gắn cơ sở, sát đoàn viên.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công đoàn trước thách thức hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO