Lâu nay, người dân xã Cẩm Hà đã quen thuộc với hình ảnh cụ Nguyễn Văn Tin (80 tuổi) ở thôn Trảng Kèo thường ngày đến miếu Âm Linh của địa phương để quét dọn, hương khói. Với cụ Tin, ngôi miếu này không chỉ là nơi để tri ân các thế hệ tiền nhân có công lập đất, dựng làng mà còn là nơi thờ phụng những người đã hy sinh trong kháng chiến. Cụ Tin chia sẻ, việc chăm nom, hương khói thường ngày ở miếu xuất phát từ tấm lòng chân chất, nghĩa tình của mình. Cũng như cụ Nguyễn Văn Tin, tại Hội An có rất nhiều người tự nguyện thu xếp chuyện gia đình, dành thời gian để lo công việc chung của các đình, miếu, hội quán. Việc làm của họ có tính kế thừa các thế hệ tiền nhân và cũng vì chữ tâm, trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài lo liệu, chuẩn bị việc cúng tế theo lệ thường ở từng di tích, các cụ còn trông coi, bảo vệ khuôn viên, cảnh quan để giữ gìn sự tôn nghiêm và các giá trị văn hóa truyền thống.
Các thành viên Ban đại diện đình Sơn Phong theo dõi hiện trạng xuống cấp bên trong di tích để đề xuất tham mưu sửa chữa. Ảnh: L.HIỀN |
Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo quản, giữ gìn di tích, tùy tình hình thực tiễn, các địa phương trên địa bàn Hội An cũng đã hình thành Ban đại diện bảo tồn di tích văn hóa, trong đó chủ yếu là người lớn tuổi, am hiểu lịch sử. Như tại đình Sơn Phong - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã thành lập Ban đại diện bảo tồn di tích văn hóa với 13 thành viên, do ông Trần Duy Năm làm Trưởng ban. Ban đại điện đảm nhận trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, bảo tồn đình làng và tổ chức lễ tế định kỳ thường niên.
Một thành phần rất quan trọng góp công sức rất lớn trong việc cùng với Nhà nước trùng tu, bảo tồn di tích ở Hội An đó chính là cộng đồng cư dân bản địa. Nhân dân ở các xã, phường có di tích hầu hết đều phụng cúng, đóng góp công sức, tiền của theo sự hảo tâm của mình. Số tiền cộng đồng cư dân cúng tế tại các di tích được dùng để hương hỏa, mua sắm vật phẩm trang trí bên trong di tích và đặc biệt còn được dùng để sơn phết, tu bổ, sửa chữa, phục dựng di tích. Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An nói: Hệ thống di tích trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong khu di sản có hơn hơn 80% thuộc sở hữu của tập thể và tư nhân. Cho nên trong nhiều năm qua, ngoài kinh phí của Nhà nước đầu tư tu bổ các di tích, sự đóng góp của cộng đồng cư dân là rất lớn, kể cả trong khu di sản cũng như ở vùng ven khu phố cổ. Có thể nói rằng là ý thức bảo tồn và phát huy di sản của người dân Hội An là rất cao. Thứ nhất, do họ chính là chủ sở hữu; thứ hai, họ ý thức được rằng sự chung tay của mình không chỉ gìn giữ di sản mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình qua việc khai thác hợp lý di tích”.
LÊ HIỀN