Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Chặng đường một năm nhìn lại

QUỐC HƯNG 26/12/2016 10:17

Ra đời vào cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đạt được những thành quả bên cạnh thách thức phía trước.

Công nhân tại một nhà máy cao su Thái Lan. Ảnh: Straittimes
Công nhân tại một nhà máy cao su Thái Lan. Ảnh: Straittimes

AEC được thành lập dựa trên cộng đồng bao gồm 10 quốc gia thành viên đa sắc tộc, đa tôn giáo, trình độ phát triển kinh tế khác nhau. AEC có mục đích thực hiện hóa các chương trình hành động hội nhập của các nền kinh tế để trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, có tính cạnh tranh, phát triển đồng đều và hội nhập kinh tế toàn cầu. AEC thúc đẩy dòng luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Nếu AEC vận hành hiệu quả sẽ cải thiện cuộc sống của hơn 600 triệu dân tại khu vực, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình hội nhập và phát triển. Bởi AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN “Vì con người và lấy con người làm trung tâm”.

Tiếp tục chiến lược hội nhập khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng: nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; ASEAN với sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; một ASEAN toàn cầu. Khi đó, AEC có thể tạo ra 14 - 15 triệu việc làm và trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 vào năm 2030. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hồi phục mong manh, an ninh toàn cầu vẫn gặp không ít rủi ro, tăng trưởng kinh tế ASEAN năm 2016 đạt 4,5% - tỷ lệ ấn tượng và cao hơn mức trung bình của tăng trưởng kinh tế toàn cầu (hơn 3%). Năm 2016, ASEAN được đánh giá là khu vực kinh tế năng động với cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng mạnh, tiêu dùng cao. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào khu vực triển vọng có nền kinh tế trị giá hơn 2,6 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, ASEAN năm nay chứng kiến sự chuyển trục đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào khu vực. Đồng thời khẳng định vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực và hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thịnh vượng và phát triển bền vững, AEC phải vượt qua những khó khăn, bất ổn chung của nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên khu vực vẫn tồn tại, trong đó bao gồm khoảng cách lớn về năng lực và nguồn lực. Cùng với Malaysia, ba nước khác ở ASEAN là Indonesia, Philippines và Thái Lan sẽ gia nhập câu lạc bộ những nền kinh tế có GDP vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Cũng theo Công ty Nghiên cứu thị trường IHS của Mỹ, vào năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của Malaysia được dự báo sẽ đạt khoảng 20.000USD. Các nước thành viên ASEAN hầu hết là các nền kinh tế nhỏ và vừa với những khác biệt lớn về mức sống giữa nước giàu như Singapore. Tạp chí Global Finance Magazine cho hay, GDP bình quân đầu người Singapore là hơn 84 nghìn USD, cao gấp hàng chục lần so với một số quốc gia thành viên trong khu vực.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Chặng đường một năm nhìn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO