Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) lớn nhất thế giới vừa được tổ chức, trong đó có nhiều sản phẩm đặc biệt ấn tượng dành cho người khuyết tật.
Diễn ra vào những ngày đầu năm mới tại Las Vegas (Mỹ), CES 2017 thu hút hơn 200 nghìn lượt khách tham quan cùng số lượng đặt hàng khổng lồ. CES luôn được xem là điểm đến hấp dẫn và lý tưởng với nhiều sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất. Ngoài những sản phẩm tiện ích của các đại gia công nghệ, xu hướng tiêu dùng trong năm, CES 2017 còn giới thiệu nhiều công nghệ với mục đích cải thiện cuộc sống của người khuyết tật.
Cánh tay giả hay sản phẩm người máy BrainRobotics của một công ty khởi nghiệp ở Massachusetts giúp người bị cụt ở bộ phận tứ chi có thể sử dụng cơ bắp phần còn lại của cánh tay, chân để điều khiển cánh tay giả tốt hơn so với các thiết bị đang được lưu hành. Chuyên gia Bicheng Han tại Đại học Harvard, người sáng lập BrainRobotics cho biết, dự án nhằm mang đến sản phẩm tiện ích giá rẻ cho người khuyết tật với mức giá 3.000USD. Trong khi đó, sản phẩm tương tự hiện có mặt trên thị trường với giá gần 10.000USD.
Thử nghiệm H-MEX của Hyundai. Ảnh: teknozombi |
Sản phẩm găng tay thông minh Rapael của hãng Neofect hỗ trợ cử động tay cho người khuyết tật. Đặc biệt, công dụng rất đáng chú ý của Rapael là có thể giúp bệnh nhân bị đột quỵ phục hồi. Hiện nay, nhiều bệnh viện trên thế giới, trong đó có châu Á sử dụng găng tay Rapael để điều trị bệnh nhân. Nhưng tại CES 2017, Neofect ra mắt Rapael dành cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Găng tay Rapael của Neofect được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép và người sử dụng cần một máy tính bảng ứng dụng hệ điều hành Android đề tự phục hồi chức năng bàn tay, cánh tay tại nhà.
Công ty khởi nghiệp Orcam đến từ Israel ra mắt một sản phẩm MyEye dành cho người khuyết tật thị giác. Hai nhà sáng lập Orcam-Amnon Shashua và Ziv Aviram đồng thời cũng là những nhà sáng lập Mobileye, công ty hàng đầu về công nghệ cảnh báo hỗ trợ lái xe cao cấp ADAS. Sản phẩm bao gồm thuật toán phần mềm, chip hệ thống và các ứng dụng của khách hàng dựa trên xử lý thông tin thị giác. Hiện MyEye được thương hiệu mắt kính Essilor tại Pháp tung ra thị trường. MyEye được gắn một thiết bị camera rất nhỏ, có khả năng đọc văn bản và mô tả xác định về người, vật và thì thầm vào tai người sử dụng để phân biệt, như có thể xác định được loại hàng hóa đặt trên kệ ở siêu thị.
Máy trợ thính Oticon của một công ty Đan Mạch cũng là sản phẩm thiết thực cho người khiếm thính. Oticon phát huy công năng vô cùng hữu ích trong những ngôi nhà được kết nối hay nhà thông minh. Thông qua tính năng kết nối không dây Bluetooth, máy trợ thính Oticon có thể thông báo đến người sử dụng về hệ thống chuông gắn ở cửa, nơi phát ra khói hay thông báo cho người đeo Oticon khi nào tách cà phê đã sẵn sàng. Còn tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc lại tập trung cho sản phẩm rô bốt xương ngoài nhằm biến giấc mơ đi lại của người liệt hai chân trở thành hiện thực, với tên gọi H-MEX. Ngoài H-MEX còn có sản phẩm HUMA dành cho người lớn tuổi đi lại khó khăn, H-WEX hỗ trợ cho thân trên và hông cho người lao động thủ công. Tuy nhiên, Hyundai cho biết chưa có kế hoạch tung sản phẩm ra thị trường cho người tiêu dùng mà trước mắt sẽ hợp tác với các bệnh viện và nhà nghiên cứu.
NAM VIỆT