Ban hành Kế hoạch quan trắc phóng xạ môi trường giai đoạn 2021 - 2025

HOÀNG LIÊN 12/12/2020 15:05

(QNO) - UBND tỉnh vừa có Quyết định số 3575/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn Quảng Nam năm 2019. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn Quảng Nam năm 2019. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Mục tiêu Kế hoạch quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là sẽ tiến hành xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường trên địa bàn Quảng Nam đầy đủ và hệ thống. Đảm bảo đánh giá được phông nền phóng xạ trên địa bàn Quảng Nam và khoanh vùng các khu vực, cơ sở cần được chú ý để theo dõi, đánh giá thường kỳ.

Xây dựng mạng lưới các điểm đo đạc, quan trắc và lấy mẫu hướng tới 2 mục tiêu song song: quan trắc phông phóng xạ môi trường tự nhiên nhằm rà soát, phát hiện các điểm dị thường và lập bản đồ, cập nhật dữ liệu định kỳ về phông phóng xạ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Quan trắc, đánh giá chi tiết các khu vực trọng yếu đã được phát hiện hoặc khoanh vùng trong các kỳ quan trắc trước. Kết quả quan trắc hằng năm sẽ được quản lý, cập nhật trên bản đồ GIS, tổng hợp đánh giá báo cáo UBND tỉnh, các ngành, địa phương liên quan, phục vụ quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân của Sở KH&CN.

Quan trắc phông phóng xạ môi trường tự nhiên với các nội dung: đo đạc suất liều gamma trong không khí (1.060 điểm đo); đo nồng độ radon trong không khí (19 mẫu); thu thập và phân tích mẫu đất, bùn, trầm tích (116 mẫu); thu thập và phân tích mẫu nước (75 mẫu).

UBND tỉnh cũng đặt ra mục tiêu quan trắc, đánh giá chi tiết các khu vực trọng yếu trên địa bàn. Cụ thể, khu vực dân cư ven biển Cửa Lở và Bến Bắc, xã Tam Hải (nhất là thôn 4) của Núi Thành; khu mỏ Urani xã Tiên An (Tiên Phước) và khu dân cư gần mỏ; khu vực 2 mỏ Urani lớn và có tính chất đặc thù chứa phóng xạ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường là mỏ Urani Pà Rồng - Pà Lừa (Nam Giang).

Mỏ Urani Khe Hoa - Khe Cao (Đại Lộc) cũng đưa vào mức độ ưu tiên. Các khu vực: bãi biển An Bàng, Cẩm An và quanh Ngân hàng NN&PTNT Cửa Đại (Hội An); khu vực mỏ than Nông Sơn; các mỏ than (Ngọc Kinh, An Điềm), mỏ felspat, mỏ đá vôi và mỏ sét - xi măng, điểm mỏ urani khác trên địa bàn tỉnh… cũng nằm trong khu vực quan trắc, đánh giá chi tiết. 

Kế hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường phóng xạ giai đoạn 2021 - 2025 với 3.540 điểm đo (1.060 vị trí đo suất liều gamma trong không khí và 2.480 điểm đo tại các khu vực trọng yếu); 64 vị trí đo radon trong không khí; 26 vị trí đo liều tích lũy trong môi trường tại các khu vực trọng yếu; 295 mẫu đất; 52 mẫu lương thực, thực phẩm quanh các khu vực trọng yếu; 227 mẫu nước trong môi trường phổ rộng và tại các khu vực trọng yếu. Kế hoạch được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

UBND tỉnh giao Sở KH&CN là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Sở KH&CN có trách nhiệm hợp tác với các bộ ngành, đơn vị chức năng, các sở ngành liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng mục tiêu, nội dung đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ban hành Kế hoạch quan trắc phóng xạ môi trường giai đoạn 2021 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO