Bị chính phủ Mỹ kiện, viễn cảnh nào cho Google?

An Trương 31/10/2020 11:29

(QNO) - Việc Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện cáo buộc Google độc quyền có thể khiến công ty thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google gây hại cho môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng và các công ty sáng tạo mới. Ảnh: Shutterstock.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google gây hại cho môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng và các công ty sáng tạo mới. Ảnh: Shutterstock.

Bộ này cho biết hành vi của Google đã gây hại cho môi trường cạnh tranh và người dùng, đồng thời làm giảm khả năng phát triển của các công ty sáng tạo mới. Đây là vụ kiện độc quyền lớn nhất ở xứ cờ hoa kể từ vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ đối với tập đoàn Microsoft năm 1998.

Sức mạnh độc quyền

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr khẳng định động thái này nhằm nói lên tiếng nói của hàng triệu người dùng, nhà quảng cáo và doanh nghiệp nhỏ đang bị chèn ép với một nhà độc quyền “bất hợp pháp”.

Theo trang Business Think, Google đang độc quyền trên lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo tìm kiếm (quảng cáo xuất hiện cùng với kết quả tìm kiếm). Thị phần tại Mỹ của Google đang chiếm khoảng 88% trên thị trường dịch vụ tìm kiếm chung và 70% trong thị trường quảng cáo tìm kiếm.

Bản khiếu nại dài 64 trang đã tiết lộ rằng Google đã ký thỏa thuận dài hạn với Apple từ năm 2017 để chính thức trở thành công cụ tìm kiếm mặc định của trình duyệt Safari trên hệ điều hành iOS. Bên cạnh đó, Google buộc các nhà sản xuất và phân phối thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android phải cài đặt sẵn ứng dụng tìm kiếm của Google ở ​​các vị trí “đắc địa” trên màn hình và khiến chúng không thể xóa được, bất kể người dùng có thích hay không.

Theo một số nhà phân tích, ngay cả khi người dùng có thể thay đổi công cụ tìm kiếm, thì các thỏa thuận cài đặt mặc định và ưu tiên cũng đủ mang lại cho Google một lợi thế đáng kể so với các đối thủ của mình.

Trong suốt nhiều năm qua, Alphabet - công ty mẹ của Google đã liên tiếp mua lại hàng loạt công ty công nghệ lớn nhỏ với mục tiêu giảm thiểu mối đe dọa đối với vị thế của công ty. Năm 2011, Google bỏ ra đến 12,5 tỷ USD mua lại công ty Motorola Mobility nhằm giữ quyền kiểm soát hàng ngàn bằng sáng chế mà hãng này đang sở hữu. Tiếp theo năm 2014, Google thâu tóm Nest để mở rộng mảng thiết bị gia đình thông minh. Mong muốn thâm nhập vào lĩnh vực y tế, Google sẵn sàng mua lại Fitbit với giá 2,1 tỷ USD.

Buộc phải thay đổi

Nếu bị phát hiện vi phạm lệnh cấm độc quyền theo Đạo luật Sherman của Mỹ, Google có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt và yêu cầu bồi thường thiệt hại đáng kể. Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại hơn sẽ là viễn cảnh Bộ Tư pháp Mỹ tìm cách phân tán các mảng kinh doanh khác nhau của Google để làm giảm mức độ ảnh hưởng.

Apple và Google trở nên phụ thuộc lẫn nhau vì công cụ tìm kiếm mặc định trên iOS. Ảnh: Reuters.
Apple và Google trở nên phụ thuộc lẫn nhau vì công cụ tìm kiếm mặc định trên iOS. Ảnh: Reuters.

Với khoảng 100 triệu người Mỹ dùng iPhone, tương đương 45,3% công dân, trang Statista ước tính gần 50% lưu lượng tìm kiếm của Google bắt nguồn từ các thiết bị của Apple trong năm 2019. Đây cũng là lý do Google đồng ý bỏ ra con số khổng lồ từ 8 đến 12 tỷ USD hằng năm để trả cho Apple (chiếm từ 14 đến 21% doanh thu hằng năm của hãng táo khuyết). Có thể nói, cả hai ông lớn công nghệ của thung lũng Silicon đều đang phụ thuộc mật thiết vào nhau. Vụ kiện có thể khiến cho thỏa thuận buộc phải ngừng lại và Apple có thể tìm đến đối tác mới hoặc tự phát triển công cụ tìm kiếm riêng, dẫn đến tổn thất doanh thu cực lớn cho Google. 

Dự kiến sau công cụ tìm kiếm, quảng cáo sẽ là mảng kinh doanh tiếp theo của Google bị nhắm đến. Google đã từng thừa nhận với các cơ quan quản lý ở một số quốc gia và khu vực rằng tỷ lệ tích lũy từ doanh thu quảng cáo của công ty là khoảng 30%, mức phí cao đến mức khiến cho nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản đối. Năm 2019, Google ghi nhận 116,3 tỷ đô la từ doanh thu quảng cáo (chiếm 85% tổng doanh số bán hàng).

Từ lâu, Google luôn tự hào rằng mình cung cấp dịch vụ cho người dùng một cách hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên theo nhận định từ Bộ Tư pháp Mỹ, lập luận này của Google đã gây hại cho người dùng khi “chất lượng tìm kiếm” bị giảm đi. Người dùng khi tìm kiếm sẽ phải đánh đổi các khía cạnh như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu và cách Google sẽ sử dụng dữ liệu đó. Một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi là liệu Google có nên thu phí đi kèm với việc cải thiện tốt hơn về quyền riêng tư như cách một số công cụ tìm kiếm khác đang làm.

Vụ kiện chỉ mới bắt đầu và có thể phải mất nhiều năm để tòa án đưa ra phán quyết. Trước đây khi bị Liên minh Châu Âu cáo buộc vi phạm chống độc quyền, Google luôn phủ nhận và chống lại các nỗ lực buộc tội của chính phủ bằng cách sử dụng mạng lưới luật sư, nhà kinh tế và nhà vận động hành lang trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bị chính phủ Mỹ kiện, viễn cảnh nào cho Google?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO