Hàng loạt sàn giao dịch tiền điện tử ở Trung Quốc ngừng hoạt động

AN TRƯƠNG 25/05/2021 14:48

(QNO) - Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế giao dịch và khai thác tiền điện tử khiến hàng loạt sàn giao dịch ngừng hoạt động.

Các công ty khai thác tiền điện tử của Trung Quốc chiếm tới 70% nguồn cung tiền điện tử của thế giới. Ảnh: Reuters
Các công ty khai thác tiền điện tử của Trung Quốc chiếm tới 70% nguồn cung tiền điện tử của thế giới. Ảnh: Reuters

Mặc dù đã lên kế hoạch tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của riêng mình, Trung Quốc vẫn đang gia tăng áp lực lên các ngân hàng và nền tảng thanh toán trực tuyến của nước này nhằm hạn chế những giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Hiện các công ty khai thác tiền điện tử của nước này chiếm tới 70% nguồn cung tiền điện tử của thế giới.

Một ủy ban của Quốc vụ viện do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, cam kết đàn áp hoạt động khai thác cũng như giao dịch Bitcoin nhằm giảm rủi ro tài chính và chống rửa tiền. Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đã bị bán tháo mạnh sau động thái của Bắc Kinh. Ngay lập tức, giá Bitcoin đã xuống dưới 32.000 USD vào ngày 24.5, so với 44.000 USD một tuần trước đó.

Ngày 24.5, sàn giao dịch tiền điện tử phổ biến OKEx thông báo ngừng giao dịch với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trước đó một ngày, sàn giao dịch tiền điện tử Huobi cho biết họ sẽ ngừng bán máy khai thác Bitcoin và các dịch vụ liên quan cho người dùng mới ở đại lục. Sàn giao dịch hàng đầu Trung Quốc này cũng sẽ tạm dừng các hợp đồng tương lai, các sản phẩm trao đổi và sản phẩm đầu tư đòn bẩy cho người dùng mới ở một số quốc gia và khu vực.

BTC.TOP - một nhóm khai thác tiền điện tử cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc với lý do rủi ro về quy định. Nhà sáng lập Jiang Zhuoer cho biết trong một bài đăng trên Weibo rằng trong tương lai, BTC.TOP sẽ chủ yếu hoạt động kinh doanh khai thác tiền điện tử ở Bắc Mỹ. “Về lâu dài, gần như tất cả giàn khai thác tiền điện tử của Trung Quốc sẽ được bán ra nước ngoài, vì các cơ quan quản lý ngăn chặn hoạt động khai thác” - ông Zhuoe viết.

HashCow - một công ty khai thác tiền điện tử khác sở hữu 10 địa điểm khai thác ở các tỉnh Tân Cương và Tứ Xuyên cho biết họ sẽ hoàn toàn tuân thủ các quy định của Chính phủ. Trong một tuyên bố với khách hàng, HashCow khẳng định sẽ tạm ngừng mua các giàn Bitcoin mới và hứa sẽ hoàn lại đầy đủ cho những nhà đầu tư đã đặt hàng nhưng chưa bắt đầu khai thác.

“Chính phủ Trung Quốc không thích tính chất đầu cơ, biến động mạnh của thị trường tiền điện tử” - tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Fan Long, đồng sáng lập Conflux, một mạng lưới blockchain cộng đồng được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Ông cho biết nhà chức trách có thể thực hiện thêm một số hành động để hạn chế hoặc ngăn chặn công dân Trung Quốc trao đổi nhân dân tệ thành tiền điện tử trên thị trường mua bán tự do.

Bắc Kinh cũng muốn đóng cửa các hoạt động khai thác tiền điện tử vì tiêu tốn rất nhiều điện năng, phần lớn là từ các nhà máy nhiệt điện than, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cân bằng lượng khí thải carbon vào năm 2060.

Theo nghiên cứu mới đây của Nature Communications, tiêu thụ năng lượng của các công ty đào tiền điện tử tại Trung Quốc sẽ lập kỷ lục vào năm 2024, khi đó tổng lượng tiêu thụ điện của các công ty tiền điện tử tại nước này dự kiến sẽ tương đương với toàn bộ lượng điện tiêu thụ của Italy vào năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hàng loạt sàn giao dịch tiền điện tử ở Trung Quốc ngừng hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO