QuảngNam cải thiện tích cực

BÍCH LIÊN (thực hiện) 03/10/2019 10:46

Trước kết quả chỉ số ICT Index của tỉnh tăng 23 bậc so với năm trước, PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) xoay quanh chủ đề này.

Quảng Nam nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Quảng Nam nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh: HOÀNG LIÊN

PV:Kết quả ICT Index có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi địa phương, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quảng: Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Index) là một chỉ số tổng hợp, đánh giá tương đối đầy đủ, khách quan hiện trạng phát triển và ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước, được Bộ TT-TT phối hợp Hội Tin học Việt Nam thực hiện đánh giá cho các bộ ngành và địa phương từ năm 2005. Chỉ số ICT Inex có mức độ tương quan cao đối với các chỉ số khác như chỉ số cải cách hành chính PAR Index, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Có nghĩa, nếu cải thiện điểm số, nâng cao thứ hạng chỉ số ICT Index của địa phương sẽ có khuynh hướng cải thiện các chỉ số PAR Index và PCI của địa phương.

PV:Quảng Nam đã nỗ lực ra sao để cải thiện kết quả ICT Index?

Ông Phạm Hồng Quảng: Năm 2018, kết quả xếp hạng chỉ số Vietnam ICT Index của Quảng Nam có sự cải thiện tích cực. Năm 2016, 2017, Quảng Nam xếp hạng 41; năm 2018 lên hạng 18 với 0,4820 điểm, tăng 23 bậc. Kết quả này là tổng hợp đánh giá trên ba lĩnh vực (được sử dụng để đánh giá, xếp hạng chỉ số chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc) gồm: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng CNTT. Trong đó, chỉ số thành phần về hạ tầng kỹ thuật tăng 21 bậc lên vị trí thứ 18; chỉ số thành phần về hạ tầng nhân lực tăng 9 bậc, ở vị trí thứ 17; chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT năm 2018 xếp thứ 24, tăng 29 bậc so với năm 2017, trong đó, điểm số về dịch vụ công trực tuyến năm 2018 có sự cải thiện đáng kể.

Để đạt được kết quả kể trên phần lớn nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự tham gia tích cực của các ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và công dân, doanh nghiệp của tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số của tỉnh, trong đó có chỉ số ICT Index. Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp cải thiện chỉ số ICT Index trong thời gian tới. Với những nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở hiện đại hóa hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và nhận thức của người dân, đồng thời không ngừng đẩy mạnh phát triển CNTT, ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tin tưởng rằng Quảng Nam sẽ đạt được nhiều thành quả hơn nữa trong thời gian tới.

PV:Xin ông cho biết một số định hướng, giải pháp của Sở TT-TT trong thời gian tới nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số ICT Index của tỉnh?

Ông Phạm Hồng Quảng: Với kết quả chỉ số ICT Index năm 2018, Quảng Nam đạt 0,4820 điểm. Rõ ràng còn nhiều mặt về ứng dụng và phát triển CNTT Quảng Nam cần cố gắng cải thiện trong thời gian tới. Để nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT của tỉnh trong thời gian tới, Sở TT-TT có một số đề xuất kiến nghị như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT trong CQNN trên địa bàn tỉnh: nâng cấp, mở rộng mạng WAN để kết nối mạng WAN đến cấp xã phường, đầu tư về bảo mật, an toàn thông tin như triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống virus, bản quyền, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ các cơ quan đơn vị… Thứ hai, tập trung xây dựng và đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định số 499/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đưa vào khai thác vận hành có hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển ứng dụng CNTT của tỉnh. Thứ ba, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, đảm bảo khả năng liên thông kết nối trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan đơn vị. Thứ tư, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh: nâng cao số lượng dịch vụ công trực tuyến cũng như số hồ sơ trực tuyến thông qua các giải pháp như hoàn thiện hệ thống phần mềm, cải tiến quy trình xử lý hồ sơ TTHC, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp biết và khai thác sử dụng. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện nay, Sở TT-TT đã triển khai cấu hình gần 500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh còn thấp. Trong thời gian tới, cần có các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến như tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tuyến; chuẩn hóa, đơn giản thành phần, biểu mẫu, quy trình xử lý chuyển từ giấy sang điện tử phù hợp với việc xử lý qua mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân sử dụng hình thức trực tuyến.

PV:Vậy để nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trước mắt cần tập trung vào những giải pháp cụ thể nào?

Ông Phạm Hồng Quảng: Sở TT-TT đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa các cấp và tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân để tăng số lượng hồ sơ sử dụng, xử lý trực tuyến mức độ 3, 4. Đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh công khai, đăng tải đầy đủ danh mục thủ tục hành chính và nội dung cấu thành của từng thủ tục trên Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử các các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp nhận và triển khai cập nhật đầy đủ, kịp thời bộ thủ tục hành chính của các sở, ngành được UBND tỉnh phê duyệt vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.quangnam.gov.vn. Xây dựng hoàn chỉnh module tự đồng bộ dữ liệu thủ tục hành chính từ Cổng dịch vụ công của tỉnh Quảng Nam về các Website/Portal các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hoặc ngược lại...

PV:Xin cảm ơn ông!

XẾP HẠNG CHỈ SỐ ICT- INDEX NĂM 2018:

Quảng Nam tăng 23 bậc so với năm trước

Trong khuôn khổ hội thảo hợp tác phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) - Truyền thông lần thứ 23 năm 2019 diễn ra tại Phú Yên vừa qua, Bộ TT-TT, Hội Tin học Việt Nam đã công bố chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT (ICT-Index) năm 2018. Đáng chú ý, Quảng Nam xếp thứ 18, tăng 23 bậc so với năm trước.

Ở khối bộ, cơ quan ngang bộ, đứng vị trí thứ nhất là Bộ Tài chính; ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TP.Đà Nẵng lần thứ 11 tiếp tục ở vị trí dẫn đầu. Kết quả trên dựa trên đánh giá cụ thể về chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT, chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT, chỉ số ứng dụng CNTT, chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT - ICT index và xếp hạng của 3 năm: 2017, 2018, 2019.

Với các chỉ số thành phần của Quảng Nam được xếp hạng cho thấy, chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT là 18 (0.40), chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT là 17 (0.69), chỉ số ứng dụng CNTT là 24 (0.36). Về chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT được đánh giá bao gồm chỉ số thành phần hạ tầng kỹ thuật CNTT của xã hội (Quảng Nam đứng thứ 6 cả nước); chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước và chỉ số xếp hạng các năm 2017, 2018, 2019. Về chỉ số hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước, Quảng Nam đứng vị trí thứ 31. Về hạ tầng nhân lực CNTT, Quảng Nam đứng vị trí thứ 17; về hạ tầng nhân lực của xã hội, Quảng Nam đứng vị trí thứ 15 và xếp thứ 20 về hạ tầng nhân lực của các cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng vươn lên đứng vị trí 24 về chỉ số ứng dụng CNTT và được xếp vị trí 28 về chỉ số ứng dụng CNTT nội bộ trong các cơ quan nhà nước. Về chỉ số ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, Quảng Nam đứng thứ 24 (dịch vụ công trực tuyến mức 1, 2, 3, 4, bảng xếp hạng 3 năm, điểm tổng hợp)...

So với những kết quả đạt được trong bảng xếp hạng ICT index năm 2017, Quảng Nam đã vượt 23 bậc, đứng vị trí thứ 18 (năm 2017 là 41). Điều này cho thấy, Quảng Nam có bước cải thiện vượt bậc, thể hiện nỗ lực rất lớn của tỉnh nhà trong việc đầu tư ứng dụng CNTT, đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực CNTT và nhiều yếu tố khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
QuảngNam cải thiện tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO