Kế hoạch khởi động dự án mỏ Cá Voi Xanh vào Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017 hồi tháng 11.2017 chưa thể hiện thực. Song, những chuyển động từ các cuộc gặp gỡ, đàm phán song phương giữa Việt Nam và Exxon Mobil (Mỹ) vẫn tiếp tục diễn ra với tần suất dày hơn, “cho phép” Quảng Nam mơ về ngành công nghiệp điện khí sẽ hình thành tại Chu Lai.
Ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Quảng Nam - PVN và Exxon Mobil tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam 2017 ngày 26.3.2017 tại Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Gió mới thổi từ mỏ Cá Voi Xanh về giấc mơ một ngành công nghiệp điện khí đã “phả hơi nóng” vào đất liền miền Trung suốt 9 năm qua. Kể từ năm 2009, các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 117, 118, 119 và 120 trên vùng biển Việt Nam đã được ký kết. Tháng 5.2011, Exxon Mobil đã khoan thăm dò 3 giếng tại lô 118 và 2 giếng đã tìm thấy khí đốt. Một thỏa thuận hợp tác toàn diện ký giữa Quảng Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào tháng 3.2016 đã tạo cơ sở cho PVN và các đơn vị thành viên tìm kiếm, triển khai các dự án, kể cả phát triển các dự án thương mại, phân phối các sản phẩm dầu khí, hóa dầu. Hai công ty thăm dò - khai thác dầu khí của PVN và Exxon Mobil Việt Nam ký thỏa thuận khung phát triển dự án và hợp đồng bán khí mỏ Cá Voi Xanh. Tháng 8.2016, Chính phủ Việt Nam quyết định quy hoạch thành lập trung tâm khí điện miền Trung ở Quảng Nam và Quảng Ngãi sử dụng lượng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh. Bốn nhà máy nhiệt điện khí tổng công suất 3.000MW (công suất mỗi nhà máy 750MW) sẽ được xây dựng tại Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) và Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi).
“Siêu dự án” sẽ khởi động vào năm 2019
Dự án điện khí đã có thêm những bước tiến quan trọng. Một thỏa thuận hợp tác dự án giữa ba bên Quảng Nam - PVN và Exxon Mobil đã được ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam ngày 26.3.2017 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong một email gửi từ Văn phòng Exxon Mobil Việt Nam cho biết các chi tiết thỏa thuận của hợp tác được bảo mật. Nhưng thỏa thuận này sẽ cho phép các đối tác tiến hành công tác khảo sát địa kỹ thuật, địa vật lý cũng như tiến hành các nghiên cứu về môi trường, xã hội và sức khỏe người dân có liên quan tới dự án một cách an toàn, hiệu quả. Những hoạt động khảo sát và nghiên cứu này rất cần thiết để triển khai giai đoạn thiết kế kỹ thuật tổng thể.
Sau thỏa thuận hợp tác đã được ký kết này, hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương giữa Exxon Mobil và Chính phủ Việt Nam đã diễn ra. Hai bên cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án. Chủ tịch Exxon Mobil Development (thuộc Exxon Mobil) Liam Mallon tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh, doanh nghiệp APEC 2017 tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11.2017: mỏ Cá Voi Xanh là chương mới nhất trong lịch sử hợp tác của hãng tại Việt Nam và là dự án phức tạp nhất của tập đoàn tại Việt Nam. Ông Liam Mallon khẳng định dự án này sẽ mang lại lợi ích gián tiếp và trực tiếp không chỉ giới hạn ở khu vực miền Trung mà cho cả Việt Nam. Exxon Mobil cam kết luôn đóng góp khả năng huy động vốn, kỹ thuật và quản trị của hãng cho Việt Nam. Vai trò của Chính phủ là thiết lập chính sách thống nhất và minh bạch cho nhà đầu tư. Thách thức của Việt Nam là mở khóa cơ hội mới. “Việt Nam đang chạy đua thu hút đầu tư nước ngoài. Các bạn chỉ cần môi trường ổn định, dễ tiên lượng để doanh nghiệp tự tin làm ăn. Các thành quả của dự án lâu dài 30 - 40 năm ấy cần được chia sẻ công bằng giữa các bên. Có những thỏa thuận đặc biệt tập đoàn sẽ phải bàn bạc, hy vọng năm 2018 sẽ chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết và năm 2019 sẽ chính thức khởi động dự án này. Exxon Mobil mong muốn đầu tư, sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Nếu Việt Nam chứng minh được mình sẵn sàng thì việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay trong cuộc đua giành đầu tư FDI” - ông Liam Mallon nói.
Quảng Nam “sẵn sàng” đón cơ hội đầu tư
Theo kế hoạch, Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn trung tâm để xử lý tách nước ngoài khơi, 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối bờ biển Chu Lai. Ước tính trữ lượng mỏ Cá Voi Xanh khoảng 150 tỷ mét khối, gấp 3 lần mỏ Lan Tây - Lan Đỏ thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam trong hiện tại. Khái toán ban đầu cho thấy mỗi năm sẽ khai thác khoảng 9 - 11 tỷ khối khí. Ngân sách Quảng Nam sẽ thu thêm xấp xỉ 1 tỷ USD/năm. Không chỉ giải quyết 3.000 - 4.000 lao động trình độ cao mà những sản phẩm sau khí sẽ thúc đẩy nhanh một số ngành công nghiệp nhẹ, phụ trợ, dịch vụ và tiến trình phát triển sân bay Chu Lai.
Hấp lực từ dự án khí điện không thể bàn cãi. Siêu dự án động lực này sẽ trở thành đột phá phát triển Quảng Nam, chia sẻ gánh nặng ngân sách cho Trường Hải và nhiều dự án động lực khác ở vùng đông. Đây chính là điều lý giải tại sao hàng loạt đề nghị của nhà đầu tư như đặt trạm khí tượng thủy văn, hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp, nhà máy điện khí với các doanh nghiệp đầu tư sử dụng nguồn nhiên liệu khí sản xuất, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân, giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch đã được Quảng Nam nhanh chóng thực hiện. Ngay cả yêu cầu chuyển một phần diện tích đất quân đội sang phục vụ phát triển kinh tế (400ha) cũng đã được Quảng Nam tiến hành thương thảo với Bộ Quốc phòng. Ông Đỗ Xuân Diện – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay cơ quan này đã xúc tiến, làm việc nhiều lần với PVN và Exxon Mobil. Hiện Exxon Mobil đã tiến hành điều tra xã hội học đến từng người dân, yêu cầu địa phương khi tiến hành giải tỏa phải đưa ra được bài toán an sinh: người dân ở khu vực cũ trước khi bị giải tỏa làm việc gì để sống, thu nhập từ đâu và dự án của Exxon Mobil có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ hay không?
Không chỉ chuẩn bị mặt bằng, Quảng Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 3.000ha. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết đang tiến hành các bước quy hoạch thuận lợi nhất cho việc đưa khí sạch từ nhà máy khí đến các khu công nghiệp nhằm xúc tiến các dự án sử dụng sản phẩm khí sau khi đã được đưa vào bờ có giá cạnh tranh toàn cầu. Quảng Nam đã hoàn thành quy hoạch 1.000ha mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng dự án, chuẩn bị xong mặt bằng tái định cư. Chỉ chờ khi nhà đầu tư công bố quy hoạch, khởi động dự án là sẽ giải tỏa và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
TÙY PHONG