Công nghiệp Tam Kỳ tăng tốc

HOÀNG BIN – QUANG SƠN 25/02/2016 10:00

Năm 2016, nhiều dự án FDI đầu tư trên lĩnh vực phát triển công nghiệp ở TP.Tam Kỳ sẽ chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang dần ổn định và có bước đi vững chắc, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp thành phố.

Thu hút đầu tư

Ngày 30.7.2015, Tập đoàn Panko Hàn Quốc chính thức khởi công xây dựng nhà máy dệt may Panko và nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina tại Khu công nghiệp Tam Thăng, với tổng vốn 1.540 tỷ đồng và sử dụng diện tích đất 33,5ha. Dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2016 với công suất sản phẩm dệt, nhuộm đạt 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm may đạt 75 triệu sản phẩm/năm và phụ liệu 30 triệu sản phẩm/năm. Ngoài ra, Công ty Shing Chang Vina đầu tư 220 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và gia công thiết bị y tế tại Khu công nghiệp Thuận Yên, Công ty Fashion Garment đã ký kết đầu tư 1.100 tỷ đồng xây dựng nhà máy may thêu in. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng nghìn lao động của TP.Tam Kỳ và các địa phương lân cận, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển.

Phối cảnh khu liên hợp sản xuất phụ liệu, dệt, nhuộm, may thành phẩm của Tập đoàn Panko tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: HOÀNG BIN
Phối cảnh khu liên hợp sản xuất phụ liệu, dệt, nhuộm, may thành phẩm của Tập đoàn Panko tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: HOÀNG BIN

Ông Choi Young Joo - Chủ tịch Tập đoàn Panko đánh giá, môi trường đầu tư tại Quảng Nam rất tốt, chính quyền địa phương rất quan tâm đến chiến lược thu hút đầu tư, họ đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để tập đoàn triển khai dự án này. “Tuy nhiên, hiện tại hạ tầng của ngành dệt may tại đây vẫn còn hạn chế. Do đó, cùng với chúng tôi, sẽ có khoảng 20 doanh nghiệp Hàn Quốc khác đầu tư từ quy trình dệt, nhuộm, may thành phẩm theo mô hình khép kín, với nhiều mặt hàng đa dạng. Tôi nghĩ rằng, khi tất cả dự án đó đi vào hoạt động thì đây sẽ là khu công nghiệp năng động nhất Việt Nam trên lĩnh vực dệt may. Riêng đối với công ty, chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để công nhân làm việc và sinh sống. Trước mắt sẽ mở các trường mẫu giáo, nhà trẻ, khu nhà ở cho công nhân, trường dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, các lớp dạy nhạc cùng nhiều chế độ phúc lợi xã hội khác…” - ông Choi Young Joo nói.

Điểm sáng doanh nghiệp

Tính đến cuối năm 2015, TP.Tam Kỳ có 97 doanh nghiệp công nghiệp, tăng 25 doanh nghiệp so với năm 2012. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng giá trị ngành công nghiệp là 15.139 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 16,3%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may vẫn đứng vững trước những ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Điển hình như Công ty CP May Trường Giang, hiện có gần 800 công nhân. Từ doanh nghiệp nhà nước, sau 7 năm thực hiện cổ phần hóa kể từ năm 2009, đến nay tổng doanh thu đã tăng từ 29 tỷ đồng lên 69,8 tỷ đồng và có thị trường xuất khẩu ổn định sang Mỹ và các nước châu Âu. Hiện thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,5 triệu đồng/năm. Dịp tết vừa qua, mức thưởng bình quân cho người lao động gần 2 tháng lương. Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP May Trường Giang cho biết, nhiệm vụ mà công ty đặt ra trong năm 2016, thứ nhất là phải đầu tư mạnh vào hệ thống máy móc thiết bị để nâng cao năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Thứ hai, công ty xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định đến năng suất, do đó, công ty luôn quan tâm chăm lo đến thu nhập, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người lao động, để người lao động cảm thấy gắn bó và yên tâm cống hiến cho Trường Giang.

Chính quyền đồng hành

Từ năm 2016, Tam Kỳ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng TMDV-CN. Trong đó ngành Công nghiệp - Xây dựng phấn đấu tốc độ tăng trưởng hàng năm tăng trên 18%. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã và triển khai nhiều giải pháp. Ông Văn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong thời gian tới, TP.Tam Kỳ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư Tam Kỳ huy động để phát triển kết cấu hạ tầng CN, TMDV-&DL khoảng 300 tỷ đồng. Trọng tâm là Khu công nghiệp Tam Thăng, đường trục chính Khu công nghiệp Thuận Yên. Đồng thời đề nghị tỉnh đưa Khu công nghiệp Thuận Yên và Cụm công nghiệp Trường Xuân 2 vào danh mục ưu tiên đầu tư của tỉnh và trung ương. Đây là những động thái nhằm đón đầu làn sóng phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

HOÀNG BIN – QUANG SƠN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công nghiệp Tam Kỳ tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO