Phát triển công nghiệp ở Nông Sơn

NGUYỄN SỰ - NGUYỄN VINH 01/05/2021 06:01

Những năm qua, huyện Nông Sơn tập trung quy hoạch xây dựng một số cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; tích cực hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp  (TTCN) nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn vừa đi vào hoạt động sản xuất giai đoạn 1. Ảnh: S.A
Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn vừa đi vào hoạt động sản xuất giai đoạn 1. Ảnh: S.A

Chuyển biến tích cực

Công ty TNHH Nhất Hưng vừa đưa Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn đi vào hoạt động giai đoạn 1. Ông Nguyễn Ngọc Vũ Linh - Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn cho biết, dự án này được xây dựng trên diện tích 3,5ha thuộc địa bàn thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung) với tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng.

“Hiện nay, mỗi ngày đêm nhà máy sản xuất 1.000 tấn dăm gỗ, tạo việc làm cho 20 lao động. Theo thiết kế, khi hoàn thành toàn bộ dự án, bình quân mỗi năm nhà máy sản xuất 60.000 tấn dăm gỗ và chế biến 54.000 tấn sản phẩm gỗ thành phẩm. Lúc đó, số lao động được giải quyết việc làm khoảng 300 - 400 người. Toàn huyện Nông Sơn hiện có hơn 10.000ha rừng nguyên liệu, phía nhà máy sẽ ưu tiên thu mua nguyên liệu của nông dân địa phương để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị kinh tế” - ông Linh nói.

Ông Trương Ngọc Vũ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Nông Sơn cho hay, ngoài Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng, hiện trên địa bàn huyện còn có một số doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động khá hiệu quả như Công ty CP Than - điện Nông Sơn, Nhà máy thủy điện Khe Diên... Cạnh đó, đang xúc tiến triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Tầm Phục của Công ty TNHH Bảo Trúc Lâm và Nhà máy gạch tuynel của Công ty CP Quý Tín - Đại Việt.

Cùng với việc nỗ lực thu hút các dự án lớn vào đầu tư, những năm gần đây huyện Nông Sơn tích cực hỗ trợ phát triển mạnh lĩnh vực TTCN. Bà Phan Thị Bích Phượng - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Nông Sơn cho biết, trên địa bàn 6 xã của huyện hiện có 365 cơ sở hoạt động sản xuất TTCN với đa dạng ngành nghề. Thời gian qua, huyện tập trung thực hiện hiệu quả nhiều đề án khuyến công.

“Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, Nông Sơn chi 668 triệu đồng tiến hành hỗ trợ 12 đề án hoàn thiện dây chuyền máy móc, trang thiết bị sản xuất cho 17 cơ sở. Cạnh đó, huyện cũng chi 639 triệu đồng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn khởi sự kinh doanh và hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất TTCN đưa sản phẩm đi trưng bày, quảng bá tại những cuộc triển lãm, hội chợ” - bà Phượng nói.

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của Nông Sơn đạt 2.046 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của huyện đạt hơn 124 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2020...

Nỗ lực tạo “cú hích”

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, để tạo “cú hích mạnh” cho lĩnh vực công nghiệp - TTCN, những năm tới địa phương phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Huyện đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Nông Sơn (15ha) và CCN Trung An (15ha) thuộc xã Quế Trung. Trong đó, CCN Nông Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và huyện đã tiến hành san lấp mặt bằng được khoảng 6/15ha. Hiện đã có 2 doanh nghiệp may mặc với quy mô lớn đăng ký đầu tư vào CCN Nông Sơn và những đơn vị liên quan của huyện đang tích cực hỗ trợ hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm triển khai dự án.

“Mục tiêu từ nay đến năm 2023, huyện phấn đấu lấp đầy 15ha tại CCN Nông Sơn. Đồng thời nỗ lực huy động nguồn lực tài chính xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu để tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, ưu tiên các ngành nghề như chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng, may mặc... để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nhất là sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương. Theo quy hoạch phát triển vùng, Nông Sơn sẽ có thêm CCN Đông Trường Sơn ở thôn Cấm La thuộc xã Quế Lâm, chủ yếu bố trí dự án hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông - lâm sản” - ông Nguyễn Chí Tùng chia sẻ.

Theo ông Trương Ngọc Vũ, thời gian tới huyện sẽ tập trung khôi phục và phát triển những ngành nghề truyền thống như chế biến trầm hương, trồng dâu nuôi tằm, sản xuất nấm, nấu đường... Tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN nông thôn phát triển mạnh.

“Từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh kết hợp lồng ghép những kênh vốn khác, Nông Sơn sẽ giúp các cơ sở TTCN mở rộng quy mô sản xuất bằng việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị máy móc hiện đại và hình thành các vùng nguyên liệu. Thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn thiết lập bao bì - nhãn mác, xây dựng thương hiệu và quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là đối với những chủ thể tham gia chương trình OCOP” - ông Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển công nghiệp ở Nông Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO