Quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Làm gì, như thế nào để hài hòa lợi ích từ hai phía là điều cần tường minh, thông hiểu!
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khá thành công trong việc ban hành chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Chính sách này trở thành “phao cứu sinh”, giúp ngân hàng thương mại không bị ảnh hưởng lợi nhuận, thu nhập hay doanh nghiệp rơi vào cửa tử khi lâm vào nợ xấu. Tuy nhiên, đã không thể thỏa mãn cơn khát tín dụng của nền kinh tế khi hai phía đều có lý do để biện minh cho việc ứng xử của mình.
Có thể hiểu, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp không vốn không thể hoạt động. Họ luôn cần dòng tiền nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh dù ở mức tối thiểu để nuôi lao động và tìm cơ hội phục hồi.
Ngân hàng không cho vay được thì cũng khó phát triển vì không thể tìm đâu ra lợi nhuận để duy trì hoạt động. Thế nhưng, nền kinh tế luôn tồn tại nghịch lý: ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp khát vốn, khó tiếp cận.
Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng nói doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó khăn về thu hẹp sản xuất, đơn hàng, xuất khẩu.
Nếu có cũng cầm chừng, công nhân mất việc, lương thấp, đời sống khó khăn. Vốn không thiếu nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn bởi thủ tục và điều kiện tiếp cận vốn rất khó khăn.
Ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam nói dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế Chính phủ chưa có giải pháp cụ thể thuyết phục, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Giới ngân hàng nói sẵn sàng mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhưng phải đi đôi với sự an toàn, hiệu quả của đồng vốn.
Sự thận trọng của ngân hàng không thừa khi đặt chuẩn, điều kiện, bởi trách nhiệm cuối cùng (kể cả luật pháp) đối với các khoản vay là cán bộ tín dụng. Còn doanh nghiệp nói “điều kiện tín dụng”, đáp ứng yêu cầu ngân hàng là điều rất khó vì họ đã kiệt sức, thiếu lực.
Tín dụng là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Tín dụng doanh nghiệp không tăng, sản xuất đình đốn sẽ là dấu hiệu bất an của nền kinh tế. Hiện dòng tiền ngân hàng không biết giải ngân vào đâu là điều đáng lo ngại hơn cả.
Sự hỗ trợ thiết thực của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, vượt qua “bể khó”, “nuôi” lại ngân hàng! Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn?
Nếu ngân hàng vẫn giữ vì lý do an toàn hệ thống, tiếp tục điệp khúc cho vay phải đủ chuẩn hay đủ điều kiện thì dòng tiền vẫn nghẽn. Kết quả, cả nền kinh tế sẽ suy kiệt, thất nghiệp, ngân sách sụt giảm, không giải quyết được gì cho việc phục hồi, phát triển kinh tế địa phương đã được báo trước. Ai đủ sức can thiệp mối lợi ích hài hòa từ hai phía?