Ngay sau khi các địa phương trên địa bàn huyện hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Phú Ninh tích cực triển khai các bước tiếp theo để công tác bầu cử đúng tiến độ theo quy định.
Đảm bảo nhân sự
Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện Phú Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức hội nghị hướng dẫn quy trình tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng và đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc trong toàn đảng, toàn dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử để mọi người dân nắm vững các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Trong đó, các địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác rà soát, chuẩn bị nhân sự đảm bảo về số lượng, cơ cấu, thành phần và chất lượng đại biểu. Ông Huỳnh Ngọc Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam Dân cho biết: “Đến thời điểm này, Tam Dân đã thành lập Ủy ban bầu cử cấp xã và triển khai công tác bầu cử tới ban chấp hành, cán bộ, công chức xã, bí thư và trưởng ban nhân dân các thôn. Đồng thời tích cực tuyên truyền về công tác chuẩn bị bầu cử qua hệ thống loa truyền thanh xã”. Được biết, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Tam Dân đã chốt danh sách 50 người dự kiến tham gia ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 đảm bảo cơ cấu: đại biểu trẻ dưới 35 tuổi phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%; đại biểu nữ phấn đấu đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên, đại biểu ngoài Đảng không dưới 10%...
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh tổ chức. Ảnh: V.CÔNG |
Theo ông Nguyễn Văn Dõng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử huyện Phú Ninh, đến nay 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn tất hồ sơ liên quan sau hiệp thương lần thứ nhất gửi về Ủy ban bầu cử huyện. Huyện đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, đảm bảo đại biểu tham gia ứng cử phải là người có khả năng tiếp thu, khả năng phản biện, giám sát để làm tốt vai trò, nhiệm vụ người đại biểu nhân dân. Mục tiêu hướng đến là đảm bảo đại biểu được bầu có cơ cấu, thành phần hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn chất lượng làm ưu tiên hàng đầu. Đồng thời tăng số lượng, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương. “Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất toàn huyện đã giới thiệu được 634 người ra ứng cử HĐND các cấp, trong đó cấp huyện 60 người, cấp xã 574 người. Ban thường trực đang hướng dẫn các cơ quan đơn vị, các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri đối với người được giới thiệu ứng cử. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị hội nghị hiệp thương lần thứ 2 lập danh sách sơ bộ những người ứng cử” - ông Nguyễn Văn Dõng cho biết thêm.
Chủ động giám sát
Toàn tỉnh có 25 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh Hôm qua 3.3, Ủy ban bầu cử tỉnh công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, tổng số đại biểu HĐND tỉnh khóa IX được bầu là 60 đại biểu ở 25 đơn vị bầu cử thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể: Thị xã Điện Bàn có 3 đơn vị bầu cử - số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 8 đại biểu. TP.Tam Kỳ: 2 đơn vị - 5 đại biểu. Thăng Bình: 2 đơn vị - 7 đại biểu. Đại Lộc: 2 đơn vị - 6 đại biểu. Duy Xuyên: 2 đơn vị - 5 đại biểu. Núi Thành: 2 đơn vị - 6 đại biểu. TP.Hội An: 1 đơn vị - 4 đại biểu. Quế Sơn: 1 đơn vị - 3 đại biểu. Phú Ninh: 1 đơn vị - 3 đại biểu. Tiên Phước: 1 đơn vị - 3 đại biểu. Bắc Trà My: 1 đơn vị - 2 đại biểu. Hiệp Đức: 1 đơn vị - 2 đại biểu. Các địa phương Nông Sơn, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn mỗi địa phương có 1 đơn vị bầu cử và số đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở mỗi đơn vị là 1 người. Phát biểu tại buổi công bố, ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh cho biết, việc công bố trên căn cứ vào quy định của Luật Bầu cử hiện hành là ngày công bố chậm nhất 80 ngày so với ngày bầu cử.(NGUYÊN ĐOAN - VINH ANH) |
Bên cạnh việc triển khai các phần việc chuẩn bị cho công tác bầu cử, các địa phương trên địa bàn Phú Ninh tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện để công dân phản ánh những vấn đề có liên quan đến nhân sự bầu cử và công tác bầu cử. Việc nắm bắt địa bàn được cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung quan tâm thực hiện để kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người. Cùng với việc giải quyết tố cáo, khiếu nại, Ủy ban kiểm tra các cấp cũng chủ động giám sát, nắm chắc tình hình đảng viên và những người ngoài Đảng thuộc nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định trong việc lãnh đạo, tổ chức cuộc bầu cử hoặc vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm, kiên quyết không đưa người không đủ tiêu chuẩn vào danh sách giới thiệu ứng cử bầu đại biểu HĐND các cấp.
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Phú Ninh cho biết: “Đến nay, huyện Phú Ninh đã xác định xong số lượng đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở từng đơn vị. Đối với cấp huyện có 11 đơn vị bầu cử, trong đó dự kiến có 8 đơn vị bầu 3 đại biểu, 3 đơn vị bầu 2 đại biểu. Đối với cấp xã dự kiến sẽ có 85 đơn vị ở các thôn, khối phố”. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân bổ người ứng cử đại biểu HĐND các cấp cần khẩn trương triển khai các bước quy trình để giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND theo số lượng và cơ cấu thành phần đã được thống nhất tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Các tiểu ban của Ủy ban bầu cử huyện khẩn trương tham mưu các kế hoạch chi tiết trên từng lĩnh vực để tổ chức thực hiện kịp thời. Thành viên Ủy ban bầu cử huyện được phân công đứng điểm tại các địa phương tập trung theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND, kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất liên quan và báo cáo Ủy ban bầu huyện để có kế hoạch trang bị đảm bảo phục vụ cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.
Tìm hiểu pháp luật về bầu cử HỎI:Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có ý nghĩa chính trị như thế nào? TRẢ LỜI: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 mới được ban hành. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. |
VĂN CÔNG - THỤC ANH