Để tránh cho Hội nghị Quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19) sụp đổ, các cuộc đàm phán ma-ra-tông diễn ra hơn 18 tiếng đồng hồ so với lịch trình trong ngày cuối cùng đã đưa ra một thỏa thuận, mở đường cho một hiệp ước năm 2015 để chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Kéo dài trong suốt hai tuần kể từ ngày 11.11, COP 19 với đại diện của gần 200 nước thành viên phải đương đầu chương trình nghị sự khổng lồ đầy tranh cãi. Cứu lấy trái đất - sức nóng thực sự tăng lên. Lượng khí thải các-bon trong năm nay đang tiếp tục tăng và sẽ đạt mức kỷ lục 36 tỷ tấn, tăng khoảng 60% so với năm 1990 mà thủ phạm chính là do các hoạt động của con người gây ra. Thảm họa thiên tai vì thế diễn ra ngày càng khốc liệt. Tại COP 19, cả hội trường nơi diễn ra hội nghị với hàng nghìn đại biểu như chết lặng khi trưởng đoàn đàm phán Philippines - Naderev Yeb Sano bật khóc. Bởi chỉ 3 ngày trước khi khai mạc hội nghị, siêu bão quốc tế mang tên Haiyan đã tàn phá thảm khốc quê hương ông khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Ông nghẹn ngào: “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?... Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy. Ngay tại đây!...”. Thậm chí ông còn tuyên bố tuyệt thực cho đến khi nào COP 19 đạt được một “kết quả ý nghĩa”.
Có lẽ, hồi chuông cảnh tỉnh đau lòng từ thảm kịch Philippines đã khiến COP 19 càng quyết tâm, nỗ lực đến phút cuối để gạt đi những bất đồng dai dẳng. Truyền thông quốc tế đưa tin khá rầm rộ từ COP 19. Những trở ngại lớn nhất của các kỳ hội nghị COP được cho là xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là trách nhiệm lịch sử, rằng ai, nước nào phải chịu trách nhiệm chính gây ra các hiện tượng biến đổi khí hậu khắc nghiệt? Các nước phát triển và đang phát triển bất đồng về việc liệu có hay không và bằng cách nào các nước phát triển sẽ huy động tài chính để giúp các nước đang phát triển chống lại sự nóng lên trên toàn cầu, và liệu có hay không và cách thức thiết lập “cơ chế bồi thường” cho các nước phải hứng chịu các thảm họa thiên tai do các nước phát triển gây ra. Bộ trưởng Môi trường Ba Lan - Marcin Korolec - chủ tọa COP 19 khẩn cầu: “Tôi yêu cầu quý vị hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về các hệ quả nếu như chúng ta không đạt được một văn kiện chung”.
Đến phút chót của một ngày thương lượng thêm, vấn đề tài chính đã được thống nhất trên một mức độ nhất định. 100 triệu USD đã được một số quốc gia châu Âu đồng ý để tài trợ cho thích ứng biến đổi khí hậu ở một số nước kém phát triển và chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Thêm 280 triệu USD khác được nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Na Uy cam kết cắt giảm khí thải qua trồng rừng và phục hồi rừng, trong đó đã có nhiều nước thí điểm và Việt Nam được đánh giá là quốc gia thực hiện tiến bộ. COP 19 đạt tiến bộ khi các nhà thương thuyết thay thế từ “cam kết” trong văn bản bằng từ “đóng góp”. Trung Quốc và Ấn Độ nói việc thay đổi từ ngữ có thể cho họ phạm vi rộng rãi hơn khi đề nghị những chỉ tiêu về khí thải. Và cuối cùng, COP 19 nhất trí một số nguyên tắc cho một thỏa thuận mới về phân bổ chỉ tiêu cắt giảm khí thải các-bon giữa các nước giàu và các nước nghèo để chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015 tại COP 21 diễn ra tại thủ đô Pari (Pháp) và có hiệu lực sau năm 2020. Thỏa thuận tại Paris sẽ là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc pháp lý tất cả quốc gia nhằm hạn chế những khí thải gây tổn hại do việc đốt than đá, khí đốt và dầu hỏa phát sinh ra.
Rõ ràng COP 19 đã đem lại hy vọng cứu trái đất vào phút chót mà ở đây, sự nhất trí hay đồng thuận giữa các nước là tiền đề để đưa đến một hành động trước khi quá muộn. Đó là cứu lấy hành tinh!
KIM OANH