Sau 20 năm kể từ vòng đàm phán đầu tiên, 195 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc chính thức thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm cứu lấy trái đất.
Trung tuần tháng 12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius xúc động trình bày bản dự thảo thỏa thuận toàn cầu trước đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh của các bên tham gia Công ước chung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Hội nghị các bên (COP) lần thứ 21. Sau đó, ông Fabius tuyên bố hoàn tất thỏa thuận chính thức về biến đổi khí hậu (BĐKH), sau 12 ngày đàm phán liên tục tại Paris (Pháp). COP 21 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của khoảng 40 nghìn đại biểu, 150 nguyên thủ và nhà lãnh đạo các chính phủ mang theo thiện chí, quyết tâm chính trị lẫn hy vọng rất lớn.
Tất cả không muốn rời Paris khi không đạt được thỏa thuận về BĐKH mà được xem như cơ hội rất hiếm hoi để thay đổi thế giới. Ngay trước phiên kết thúc COP 21, Tổng thống Pháp Francoise Hollande kêu gọi tất cả thành viên Liên hiệp quốc hãy thông qua thỏa thuận toàn cầu về BĐKH nhằm ngăn chặn ấm lên toàn cầu, đang đe dọa nhân loại với những hiện tượng nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt và bão ngày càng nghiêm trọng. “Thỏa thuận có tính quyết định này cho trái đất chính là đây”- ông Hollande phát biểu.
Các nhà lãnh đạo thế giới vui mừng khi Thỏa thuận Paris vừa đạt được. Ảnh: UN |
Theo thỏa thuận được cho là mang tính ràng buộc pháp lý hay “công lý về khí hậu” bao gồm việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giữ tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới mức 2 độ C và theo đuổi nỗ lực giới hạn ở mức 1.5 độ C, giảm đáng kể các nguy cơ và tác động của BĐKH. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt đầu tiên trên ràng buộc cả quốc gia giàu có lẫn nghèo khó phải cam kết khống chế khí thải gây ấm nóng toàn cầu cũng như đặt ra một mục tiêu dài hạn về việc phải giảm khí thải nhà kính do con người gây ra trong thế kỷ này. Việc làm này cứ 5 năm xem xét các tiến bộ một lần. Bên cạnh đó, khoản tiền 100 tỷ USD mỗi năm tài trợ cho các nước đang phát triển sẽ là mức khởi điểm cho thời kỳ sau năm 2020, năm mà theo dự kiến thỏa thuận Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực.
COP 21, nơi cái đích đặt ra đã đạt được, công việc đã hoàn tất và cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào quyết định từ Paris. Thỏa thuận toàn cầu về BĐKH được thông qua và khi chính thức đi vào hiệu lực trong thời gian tới mang lại kỳ vọng góp phần chấm dứt tình trạng đói nghèo, thúc đẩy hòa bình thế giới, cho một cuộc sống tốt hơn và là cơ hội cho tất cả mọi người trên hành tinh. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon ca ngợi thỏa thuận rằng, hôm nay chúng ta có thể nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ để kể với chúng là thế giới đã bắt tay hợp tác vì tương lai của trái đất - nơi đó thế hệ trẻ hôm nay có thể mơ ước được sống trong môi trường trong sạch hơn. Nhưng, điều đó phụ thuộc vào thế giới hóa giải cam kết thành hành động ngay từ bây giờ.
Dư luận thế giới bày tỏ thái độ hoan nghênh, ủng hộ COP 21 làm hài lòng mọi người để giúp thế giới chuyển sang một giai đoạn mới bao gồm việc sử dụng năng lượng sạch. Bản dự thảo về BĐKH toàn cầu dài gần 30 trang và các quốc gia sẽ có một năm để xem xét phê chuẩn Thỏa thuận Paris bắt đầu từ tháng 4.2016. Khi có ít nhất 55 nước phê chuẩn, bản Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực và được chính thức áp dụng từ năm 2020.
KIM OANH