Cập nhật sáng qua 29.1 theo số liệu công bố của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số người chết vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) đã tăng từ 107 lên 132, số nhiễm từ 4.500 lên gần 6.000 người.
Nghĩa là chỉ sau một đêm, con số tăng vọt một cách khủng khiếp. Và với thông tin từ giới chức, rằng “người mang chủng vi rút nCoV nhưng chưa bộc lộ triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác” càng khiến người dân các nước đã có ghi nhận người nhiễm nCoV sợ hãi.
Ở nước ta, việc phòng chống dịch được đặt để ở cấp độ cao nhất, phản ứng từ trung ương đến địa phương những ngày qua đã cho thấy một phần ở sự kịp thời. Kịp thời – nghĩa là ngay khi WHO đưa ra cảnh báo “dịch đã ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu” thì Chỉ thị chống dịch được người đứng đầu Chính phủ phát đi.
Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu tính đến cả phương án khởi động bệnh viện dã chiến của quân đội để chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Cấp độ chống dịch này hẳn là dựa vào mức nguy hiểm và nguy cơ theo cảnh báo của WHO chứ không theo mức độ hiện trạng để tránh việc đi sau và bị động? (vì hiện nước ta mới ghi nhận 2 ca nhiễm nCoV).
Nhưng, để người dân yên tâm rằng ta không “dấu dịch, ém thông tin” như phía Trung Quốc, thì cần phải nhanh hơn nữa trong cuộc chiến thông tin. Trên các trang mạng xã hội, vẫn không ít người bày tỏ nghi ngờ theo cách giễu nhại, rằng các anh nhà báo phải... cân nhắc liều lượng và thời điểm đưa tin (dẫu các phương tiện thông tin chính thống vẫn cập nhật liên tục tình hình liên quan đến dịch).
Điều này khiến cả người cung cấp thông tin từ phía các cơ quan hữu trách lẫn các tờ báo đều phải tự hỏi lại, rằng thông tin của anh đã cập nhật liên tục chưa? Rõ ràng vẫn chưa, vẫn chậm hơn các mạng xã hội, nhất là facebook. Và đó chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để fake news chiếm sóng.
Trong suốt những ngày nghỉ tết, tin giả, tin đồn thất thiệt đã khiến người dân vô cùng hoang mang. Việc loạn thông tin khiến người ta dễ dàng tin vào các tin ngoài luồng. Điều này nguy hiểm không kém chuyện vi rút đang hoành hành. Người ta dường như tin vào cả điều hoang đường, như nghĩ đến những con zombie ăn thịt người chẳng hạn.
Trong cơn lo lắng vì nCoV, hình như chẳng ai để ý với công bố về số người chết vì tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết) toàn quốc xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông làm chết 133 người, bị thương 174 người (theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia).
Năm nào cũng vậy, cứ sau tết hoặc các dịp lễ, con số thống kê đó cứ ám ảnh mà chưa biết đến tết năm nào dừng hay chí ít đưa về dưới hàng chục. Thử để hai con số người chết vì đại dịch và vì tai nạn giao thông với nhau, tôi ước, giá mà cả Chính phủ, địa phương cũng phát hoảng lên kiểu như với dịch nCoV. Rồi đành nhủ, trong khi chưa ai phát hoảng, thôi thì mỗi người nên tự lo lấy thân vậy. Lại nhớ tựa một cuốn sách nổi tiếng “Chuông nguyện hồn ai”...