Nữ gặp cụ hơn một lần. Cụ đã già. Da nhăn. Mắt nheo. Tay chân run lẩy bẩy. Lần nào gặp cụ, cô cũng thấy hình ảnh quen thuộc: tay chống gậy, tay cầm bao lác. Cụ đi lượm phế liệu. Nữ đoán trong cái bao ấy sẽ là vỏ chai nhựa, lon nước, giấy… những thứ người ta vứt bừa bãi ngoài đường. Nữ thương cụ. Sự cảm thương dành cho một con người thiếu may mắn. Trưa nắng như thiêu như đốt, Nữ phóng xe mong về đến nhà. Gặp cụ ngồi giữa trời. Cụ vừa bày những thứ lượm được như thể kiểm tra xem hôm nay đã thu được những gì, vừa lụm khụm ăn bánh mì. Nữ muốn giúp cụ, muốn mua cho cụ chai nước nhưng cô đã chạy xe quá đà. Thôi, để lần sau...
Cơ quan Nữ tổ chức văn nghệ từ thiện, quyên góp cho những người già yếu, neo đơn. Nữ dẫn chương trình nên đến sớm hơn một chút. Mấy anh chị trong ban tổ chức và ban hậu cần chạy tới chạy lui hối hả. Một vài người mỉm cười: “Xinh nhỉ?”. Nữ cũng mỉm cười. Bất chợt Nữ nhìn thấy cụ. Vẫn bộ quần áo nhàu nhĩ như những nếp nhăn trên khóe mắt cụ. Vẫn cái bao lác cầm tay, cái bao lác trống rỗng. Chắc cụ đang chuẩn bị lượm những vỏ chai nhựa người ta bỏ đi sau đêm văn nghệ. Cụ kẹp cái bao lác trong nách, lom khom, lụm khụm, cụ tiến đến hàng ghế đầu và run run ngồi xuống. Nữ chăm chú quan sát cụ như quan sát một người thân quen, nhưng Nữ chẳng có bất cứ hành động nào tỏ ra quen thân cụ. Nữ có thể lại chào cụ và giải thích cho cụ biết đó là hàng ghế dành cho đại biểu. Nữ không làm thế. Đã đến giờ khai mạc đêm văn nghệ. Nữ tiến thẳng về phía sân khấu. “Thưa các bạn, dân tộc ta có truyền thống nhân ái, tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách…”. Giọng Nữ thao thao nhưng mắt tìm kiếm cụ, không hiểu để làm gì. Đêm văn nghệ kết thúc, mọi người ai cũng tranh thủ ra về.
Nữ nhìn thấy cụ ra đến cổng, líu quíu như thể muốn về kịp cùng mọi người, một tay kẹp quà vừa mới được nhận, một tay cố lôi kéo cái bao lác. Nhìn dáng cụ, hiện lên một cuộc đời đầy vất vả, Nữ dợm bước định sẽ chở cụ về một đoạn. Trời đã khuya, Nữ nghĩ vậy. Nhỏ bạn đồng nghiệp lắc đầu: “Trời ạ, mi thương bà cụ hả, thương đâu không thấy, không khéo lại hại cụ đấy. Cụ già vậy, mi chở ban đêm nguy hiểm lắm”. Nữ chột dạ. Nếu lỡ… Thôi để lần sau.
Bão số 11 đổ bộ vào Quảng Nam. Rất nhiều những ngôi nhà tạm bợ lợp tôn đều bị tốc mái. Đoàn thanh niên xã tổ chức đội xung kích giúp đỡ sửa sang nhà cửa cho những gia đình bị thiệt hại sau bão, nhất là những gia đình neo đơn. Nữ và mấy anh em trong đội đến nhà cụ vào một buổi chiều. Nhà cụ bị tốc mái, chỉ còn bốn bức tường tạo nên một ô vuông nhỏ vừa đủ che chắn chiếc giường tre, một góc để cái kiềng ba chân và… hết! Ngước lên chỉ nhìn thấy những rui mè bằng tre cũ kỹ, mốc meo. Một căn nhà nhỏ bé chở che một con người nhỏ bé. Lòng Nữ dâng lên sự cảm thương vô hạn. Nữ giận mình sao quá vô tâm trước một cảnh ngộ như cụ. Cả đội vào nhà cụ đã gần nửa tiếng nhưng vẫn chưa thấy cụ về. Mọi người bàn tán. Kẻ bảo đi nhà khác, hôm sau quay lại. Người nói cứ sửa chữa nhà, cần gì phải đợi cụ. Cả đội đang phân vân chưa biết thế nào thì cụ về. Vẫn hình ảnh quen thuôc đập vào mắt Nữ: lưng còng, tay chân run lẩy bẩy, cái bao lác cũ mèm. Giữa khung cảnh xơ xác tiêu điều của một miền quê vừa bị bão lũ tàn phá, cụ hiện ra nhăn nheo, bất kỳ ai nhìn thấy cũng xót xa. Mấy anh em í ới nhau sửa sang lại mái nhà cho cụ. Duy chỉ có Nữ là im lặng. Cô nghĩ mông lung, đủ thứ hết. Man mác buồn, man mác nuối tiếc, man mác hối hận. Tất cả chỉ man mác, nhè nhẹ nhưng len lỏi vào tận nơi sâu thẳm của tâm hồn... Nữ muốn giúp cụ. Chắc chắn Nữ sẽ làm một cái gì đó giúp cụ, vào một ngày nào đó. Ngày nào? Nữ chưa biết. Thôi để sau. Lòng cô chợt chững lại, “ thôi để sau” hình như cô đã từng nghĩ như vậy, hơn một lần như thế….
Sau khi sửa xong mái nhà cho cụ, mọi người líu ríu chào cụ ra về. Cụ còn líu ríu hơn, bàn tay run lẩy bẩy, vạch áo lấy gói ni lông lận trong lưng quần. Mở hết lớp ni lông này đến lớp ni lông khác, giống như người ta cất giấu một thứ gì quý giá bằng nhiều lớp vải vóc, cụ lôi ra một ít tiền được vo tròn, cột dây su cẩn thận. Mấy anh em đoàn viên trong đội xung kích nhìn nhau mỉm cười. Như hiểu ý nhau, Nữ mạnh dạn lên tiếng:
- Thưa cụ, chúng cháu là những đoàn viên thanh niên của xã đến đây giúp cụ một cách tự nguyện, chúng cháu không lấy tiền đâu ạ.
Cụ mỉm cười. Lần đầu tiên Nữ nhìn thấy cụ cười. Nụ cười móm mém, hiền hậu, giản dị và đẹp. Nữ đứng gần cụ và nhìn rất rõ nụ cười đó. Không hiểu sao trong khoảnh khắc ấy, những nếp nhăn nheo trên mặt cụ không còn vẻ khắc khổ nữa mà trở nên lung linh đẹp kỳ lạ. Cụ từ tốn:
- Mấy anh chị hiểu sai ý già rồi. Già nghe loa phóng thanh kêu gọi ủng hộ lũ lụt, mà già mỏi gối, chưa đến cửa chính quyền được, giờ già đóng góp cho các anh chị cán bộ vậy.
- Nhưng thưa cụ, hoàn cảnh của cụ như vậy…
- Già dành dụm cũng chẳng biết để làm gì. Chắt mót gửi cho hàng xóm đủ số tiền để lo ma chay lỡ khi già nằm xuống rồi, con cháu nào có còn ai? Thôi thì coi như là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, các anh chị cán bộ nhận giúp cho già...
Cụ lại móm mém cười.
Nữ ra về với nắm tiền lẻ của cụ trong tay. Nữ cảm thấy xấu hổ. Thì ra, lòng tốt và tình yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống này còn đong đầy lắm, đâu cần phải đợi chờ cơ hội hay đợi chờ hoàn cảnh, càng không cần những lời hứa suông. Nữ ngoái lại nhìn, dáng cụ nhỏ bé lom khom giữa đống vỏ chai. Cụ chỉ có một mình. Tự nhiên những giọt nước mắt lăn dài trên má Nữ.
MAI THỊ HÀ TRANG