Những quy định về quyền kinh tế và doanh nhân trong Hiến pháp 2013 là “cú hích” có sức nặng pháp lý cơ bản, quan trọng và xuyên suốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.
Trong quá trình thực hiện quyền kinh tế của mình, doanh nghiệp phải tự vươn lên để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Ảnh internet |
Khoản 1, Điều 51 của Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Rộng mở cho doanh nhân, doanh nghiệp
Hiến pháp 2013 đã khẳng định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường. Quy định này không chỉ là kim chỉ nam cho việc điều tiết, quản lý và vận hành nền kinh tế trong thời gian tới mà còn là sự khẳng định công khai, minh bạch, rằng nền kinh tế Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Việc tuyên bố nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong Hiến pháp 2013 thật sự là “cú hích” cơ bản và xuyên suốt, có sức nặng quan trọng về mặt pháp lý thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, bình đẳng với các quốc gia phát triển, trong một trật tự kinh tế thế giới mới trên nguyên tắc không phân biệt đối xử. Điều này tạo nền tảng pháp lý quan trọng để các quốc gia, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới phải thay đổi cách nhìn nhận, cách đánh giá về nền kinh tế Việt Nam khi tham gia đàm phán với Chính phủ Việt Nam về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định thương mại khu vực, Hiệp định đối tác châu Á xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Không một đối tác nào có quyền phủ nhận quyền kinh tế của Việt Nam với tư cách là một Nhà nước có nền kinh tế thị trường. Vị thế của Việt Nam trong đàm phán kinh tế - thương mại quốc tế đã thay đổi kể từ ngày 1.1.2014, ngày Hiến pháp mới có hiệu lực.
Khoản 3 Điều 51 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh…”. Trong lịch sử lập pháp của nước ta, đây cũng là lần đầu tiên các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp được hiến định. Hiến pháp 2013 còn đưa ra các quy định rất rộng mở và thông thoáng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các quyền kinh tế của mình. Chẳng hạn, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 51, khoản 3); các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật (Điều 51, khoản 2); Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường (Điều 52).
Nhà nước sẽ không can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính mà ngược lại Nhà nước sẽ điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua việc sử dụng một cách hữu hiệu cơ chế điều tiết kinh tế vĩ mô dựa trên một hệ thống pháp luật phù hợp, hệ thống chính sách đúng đắn và các giải pháp có tính khả thi nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Còn doanh nghiệp thì phải tự nỗ lực vươn lên, liên tục đổi mới và sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong quá trình thực hiện quyền kinh tế của mình trong nền kinh tế thị trường.
Vận dụng Hiến pháp
Ngày nay, nền kinh tế thị trường là nền kinh tế dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa nguyên tắc tự do và nguyên tắc công bằng xã hội. Để các doanh nhân, doanh nghiệp có thể tận dụng được trong thực tế các quyền kinh tế rộng mở mà Hiến pháp 2013 đã hiến định, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với Nhà nước, cần khẩn trương tạo lập khung pháp luật phù hợp với quy định của Hiến pháp nhằm điều chỉnh các quan hệ trong nền kinh tế thị trường hiện nay của Việt Nam (nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo). Đồng thời chủ động đàm phán các hiệp định kinh tế - thương mại theo hướng thúc đẩy những quốc gia phát triển sớm thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và yêu cầu các quốc gia này xóa bỏ quy định có tính phân biệt đối xử, những rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Điều này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.
Cùng với các giải pháp từ phía Nhà nước, về phần mình, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu Hiến pháp 2013 để biết Hiến pháp cho mình các quyền gì mới về mặt kinh tế và kèm theo đó là nghĩa vụ và trách nhiệm như thế nào để được hưởng các quyền kinh tế đó. Quyền tự do kinh doanh luôn phải đi kèm nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Đây là nền tảng cơ bản để các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách bền vững trong nền kinh tế thị trường. Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về nền kinh tế thị trường, về luật chơi, cùng quy luật cạnh tranh khốc liệt để có thể tự kiểm soát hoạt động kinh doanh của mình.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao trách nhiệm xã hội đối với hàng hóa và sản phẩm của mình. Khi một doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm cao đối với sản phẩm tung ra thị trường, doanh nghiệp đó không chỉ trụ vững tại thị trường trong nước mà còn trụ vững cả ở thị trường nước ngoài. Tiến trình tự do hóa thương mại, mở cửa và hội nhập cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, đó là thách thức khi phải đối mặt với việc cạnh trạnh không bình đẳng khi chính phủ nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, tự vệ thương mại… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, liên kết chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để tập hợp sức mạnh nhằm dễ dàng ứng phó khi các tình huống như vậy xảy ra.
HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP - Hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào? - Trả lời: Đại biểu Hội đồng nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định như sau: 1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước. 2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. - Hỏi: Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội được quy định như thế nào? - Trả lời: Hiến pháp 2013 quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như sau: 1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên Nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. 2. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) |
KIẾN TÂN (Tổng hợp)