Cụ Huỳnh và Tiếng Dân

H.NGỌC 21/06/2013 07:52

Báo chí miền Trung - đánh dấu bằng mốc 1927, khi tờ báo Tiếng Dân được phép xuất bản, mỗi tuần 2 kỳ. Ngay trên số đầu tiên, Tiếng Dân in đôi câu đối: “Tiếng như sấm đất vang, mới bao năm gió Mỹ mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi cũ / Dân là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng, chồi Lạc, ngàn trùng non nước, khí thiêng sông núi xin hộ giống nòi chung”, đã cho thấy khí thế bừng bừng muốn đem hết sức lực giúp dân của những người làm báo. Như lời cụ Huỳnh nói trong niềm hân hoan lúc ấy: “Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chính phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì “Tiếng Dân” mới bộc lộ ra được”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Sao vàng cho đại diện gia tộc cụ Huỳnh. Ảnh: Doãn Hoàng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Sao vàng cho đại diện gia tộc cụ Huỳnh. Ảnh: Doãn Hoàng
“Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai, vì đất nước Việt Nam có biên cương, lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới nên tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi sự trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. (Huỳnh Thúc Kháng)

Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng - nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa diễn ra hôm 15.4.2013 là niềm tự hào của người dân đất Quảng. Với những người cầm bút, từng câu nói của người chủ bút tờ Tiếng Dân về chuyện nghề lúc nào cũng sắc như dao. Cụ nhấn mạnh: “Thuở nay, những nhà cách mạng nước nào cũng thế, ba tấc lưỡi là gươm là súng, một ngòi bút là trống là cờ, thường thường theo tâm lý và xu hướng của xã hội mà gây ra cái thế lực vô hình, đóm tàn cháy núi, hang kiến vỡ đê, phần nhiều chủ động là tự bọn vô thế lực đó, tưởng không nên đem làm điều nhạo báng vậy”.

Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên tại Trung kỳ, xuất bản ở Huế trong giai đoạn 1927-1943, trụ sở đặt tại đường Hàng Bè, dọc sông Hương. Mười sáu năm, Tiếng Dân đã đủ tạo nên tiếng sấm trong thời đoạn ấy, và tiếng rền vang đến tận bây giờ. Cũng xin nói thêm một chút, sau khi tòa soạn đóng cửa, địa điểm này được sử dụng làm trụ sở Hội đồng châu Quảng Nam, ký túc xá cho sinh viên Quảng Nam. Sau năm 1975, tòa nhà được bố trí cho một số nhân viên trường đại học và 6 hộ dân ở. Bây giờ, vẫn vậy. Mọi chuyện để bảo vệ di tích này vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

“Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của Nhà văn hóa, chí sĩ yêu  nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1.10.1876 trong một gia đình nông dân tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đỗ đại khoa với học vị tiến sĩ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cùng với các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp tiên phong khai mở Phong trào Duy tân “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” khơi dậy một cao trào yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, mà đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung kỳ. Trong thời điểm đảm nhận chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, trong vai trò là chủ bút báo Tiếng Dân, bằng tư duy sắc sảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền; vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến ở Trung kỳ, làm rúng động bộ máy thống trị của thực dân Pháp”.
(Trích bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cụ Huỳnh Thúc Kháng)
Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa tạ thế, Người viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao, vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

H.NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cụ Huỳnh và Tiếng Dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO