Cũng như nhiều người con kiên trung ở mảnh đất Điện Thắng (Điện Bàn), cụ Đỗ Khóa (1887 - 1981) thường gọi là ông Kiểm Khóa bám làng giữ đất che chở cán bộ, thanh niên du kích. Ông nổi tiếng khắp vùng bởi sức khỏe không địch thủ.
Lúc bấy giờ, vùng 20 Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam ngày nay) là vùng đất chịu nhiều đau thương, bom đạn trong khói lửa chiến tranh. Quân địch bao lần cày đi xới lại, cướp bóc tài sản, tàn phá nhà cửa, làng xóm nhưng người dân vẫn kiên trì bảo vệ phong trào cách mạng với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không dời”. Đó là các gia đình bác Sâm, chú Mười Dần, bác Bốn Bấu, mẹ Hai Hoanh, chị Năm Xim, chị Phan Thị Bốn... Còn nhà cụ Đỗ Khóa nằm giữa làng Phong Lục và Đông Hồ chốt giữ vị trí đặc biệt là đầu mối giao liên quan trọng cho cách mạng. Năm 1968, quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt hòng giành đất, giành cờ, giành dân, không ngoài âm mưu biến nơi đây thành vùng trắng dân. Địch liên tục bắt bớ những gia đình nghi ngờ che chở cách mạng, tra tấn đốt nhà đuổi đi khỏi làng, trong đó gia đình ông Kiểm Khóa bị đưa vào tầm ngắm đặc biệt. Nhiều lần kẻ thù đến gây sự hù dọa, bắt bớ đánh đập nhưng vợ chồng cụ Khóa kiên quyết không chịu rời khỏi làng, vin lý do ở đây để giữ đất tiên tổ để lại.
Nghe tin địch nhiều lần nhòm ngó bắt bớ gia đình cụ Kiểm Khóa, các cán bộ huyện ủy Điện Bàn và các đội du kích ở Điện Thắng rất lo lắng bởi nếu cụ Khóa ra khỏi làng thì đường dây của ta sẽ khó khăn nhiều bề. May thay trước sau như một, vợ chồng cụ Khóa vẫn ở lại nơi chôn nhau cắt rốn và nhờ đó đã trực tiếp, gián tiếp cứu nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt thoát khỏi vòng vây của địch. Như vào một ngày năm 1970, đồng chí Nguyễn Lương Vấn - Bí thư đoàn thanh niên xã Điện Thắng, đồng chí Tấn - cán bộ Tỉnh đoàn từ xóm kiến thiết đi về vùng 20, trong khi địch đang phục kích ở gốc cây da cách nhà cụ Khóa chừng 100m. May nhờ cụ Khóa liều lĩnh tìm cách làm ám hiệu mà các anh đã thoát hiểm. Cũng năm đó, cụ Khóa đã cứu được đồng chí Nguyễn Lương Cụng - Bí thư Đảng bộ xã Điện Thắng khi cùng đi với đội du kích về hoạt động…
Cụ Kiểm Khóa trụ được ở làng là nhờ cụ có trí thông minh biết phán đoán mọi tình huống có thể xảy ra và đặc biệt cụ có võ nghệ cao siêu, sức khỏe phi thường, tính cách mạnh mẽ. Bà Nguyễn Thị Tân, một cao niên trong làng nhớ lại: “Hồi đó, cụ Kiểm Khóa hay rủ lính Mỹ đấu võ với mình. Và trong một lần đấu võ, mình cụ quật ngã một lúc 3 quân nhân lực lưỡng trong sự trầm trồ của lính Mỹ”. Lần khác cụ thách đố 2 lính Mỹ bưng cái cối đá (nặng hơn 50kg) để trong góc vườn nhà chạy nhanh từ nhà ra đến cây da với khoảng cách khoảng 100m. Một lính Mỹ bưng cối đá mới chỉ đi được khoảng 5m thì buông tay, người còn lại bưng lên rồi bỏ xuống đã thở phì phò. Cụ liền bưng cái cối đá to đùng chạy một mạch ra đến gốc da rồi chạy trở về, khiến ai nấy mắt tròn mắt dẹt, trầm trồ thán phục.
Sau ngày đất nước thống nhất, cụ Khóa vẫn lạc quan yêu đời dù bị những vết thương chiến tranh hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Tuy trong người mang thương tích nhưng cụ vẫn có thể bưng bê các vật nặng mà với sức vóc nhiều thanh niên làm còn khó khăn. “Có lần thấy trời sắp mưa, cụ Khóa cùng mọi người tất bật thu dọn rồi mang mấy bao lúa nặng đến hơn nửa tạ chạy phà phà vào kho chỉ trong một nhoáng đã xong hết khiến ai nấy cũng phải nể phục” - một cụ cao niên nhớ lại. Với sức khỏe của một đô vật thời xưa, cộng với việc chăm tập thể dục hàng ngày nên cụ Khóa sống thọ đến tuổi 95.
N.QUỐC - V.MẾN