Làng quê thay đổi cùng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội và thời gian. Trong lòng chuyển động của thời gian cùng quy luật cuộc sống, nhiều người già trong làng sẽ về với tổ tiên, thành ra nhiều làng mất đi những bậc lão nông tri điền đã đành, mà còn mất đi nhưng người am hiểu về Hán - Nôm, về chuyện xưa của địa phương, cả những cụ là các thầy Tư Lễ vốn gắn bó với những nghi lễ cúng tế của đình làng, miếu mạo…
Những bậc lão làng am hiểu phong tục dần mất đi.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Làng tôi cũng như nhiều làng khác ở Điện Bàn giờ đã vắng bóng những cụ giáo như Trương Hữu Y, Trương Công Ngạc, Nguyễn Hữu Cơ vốn am hiểu chữ Hán và các nghi lễ cùng các bài văn cúng mỗi khi làng có việc. Ai cũng tiếc nhớ. Bên tộc Lê Tự giờ chỉ còn cụ Lê Tự Ký nhưng cũng đã ngoài bát tuần. Xưa muốn về làng tìm hiểu một bản văn bia, một câu đối, tôi tìm gặp cụ Cơ giúp đỡ. Trưa nắng ông vẫn đạp xe ra nghĩa trang ghi chép rồi về lật tra thêm từ điển, phiên dịch. Có lúc chưa an tâm cụ phải tra cứu thêm và dịch lại rất chu tất rồi gọi điện báo cho tôi. Văn cúng ở nhà thờ, cụ cũng ra tay dịch các bài cổ của tổ tiên để lại rồi hiệu đính… Giờ cụ đã ra người thiên cổ.
Một hôm chúng tôi mời được cụ Lê Tự Ký lên chùa làng đọc giúp tấm bia công đức còn lại sau mấy trăm năm. Mắt kém, chữ trên bia có chỗ mòn mờ không đọc hết, cụ vẫn tận tâm dịch lại. Sau này, tìm được bản gốc lưu trữ từ Hà Nội, tôi thầm cám ơn cụ đã dịch rất sát nghĩa. Chính nhờ bản dịch đầu tiên mà lớp trẻ chúng tôi biết thêm về lai lịch của chùa làng… Ở nhiều làng khác ngày nay không tìm được những người lớp trước như vậy, rất khó khăn. Có những người phải rập bia, câu liễn hay sao chụp gia phả rồi mang đi Đà Nẵng, Hội An hoặc đến các vị sư uy tín ở các chùa lớn tra dịch…
Làng cũ nào cũng còn nhiều di sản Hán - Nôm của cha ông để lại. Các nhà nghiên cứu mà tôi quen biết thì bận nhiều việc ở các trung tâm lớn, khó lòng làm được những việc cụ thể ở mỗi nơi nếu không có yêu cầu. Ngay đến trong gia đình các cụ đã ra đi, nhiều tài liệu gia đình, tộc họ bằng chữ Hán - Nôm để lại, con cháu cũng không thể hiểu hết giá trị… vì vậy khó tránh khỏi hư hỏng, thất lạc. Tôi từng viết về một bộ gia phả bị con cháu mang ra dán diều do không biết đọc Hán - Nôm là một ví dụ… Ở nhà cụ giáo Trần Thừa tại làng Phước Kiều còn lại một câu đối do cụ Huỳnh Thúc Kháng và các bạn học đi lễ nhà thầy dạy học từ năm 1943, tuy đã được dịch ra Quốc ngữ, nhưng để hiểu hết ý nghĩa thì rất khó. Các cụ già trong làng tuy đã phiên âm, nhưng không giải thích được nội dung…
Nhiều bậc túc nho lần lượt ra đi và để lại một khoảng trống trong mỗi làng; trong lúc lớp trẻ vẫn chưa có người kế nghiệp vì theo học Hán - Nôm là một việc thiếu hấp dẫn hiện nay đối với họ.
2. Trong kho tàng di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam, các tài liệu phản ánh hoạt động và mô tả đời sống sinh hoạt làng xã Quảng Nam thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, như “Quảng Nam xã chí”, là bản viết chép tay gồm 6 quyển, với hơn 900 trang, dùng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp; viết bằng bút sắt với nhiều loại mực tím, xanh hoặc bút lông, mực tàu trên giấy tây. Đây là các bản điều tra từ năm 1941 đến 1943 theo 11 đề mục (văn bia, thần sắc, thần tích, cổ chỉ, tục lệ, đình miếu, tượng và tự khí, lễ hội, cổ tích, quan lộ, thổ sản và nghề nghiệp). Tài liệu này may mắn đã có cả phần Quốc ngữ nên đỡ khó khăn khi tìm hiểu. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, hiện còn hàng nghìn trang tài liệu Hán - Nôm đã được sưu tập nhưng vẫn chưa được biên dịch và phổ biến. Bên cạnh đó nhiều bộ tộc phả, gia phả, phả ký, bằng sắc… trong đó ẩn chứa những tư liệu quý về nhiều mặt, hiện còn lưu giữ trong các gia đình nhưng chưa được dịch ra Quốc ngữ.
Mới đây, tôi có bày tỏ lo âu về tình trạng này với nhà nghiên cứu Hán - Nôm Ngô Đức Chí. Ngô Đức Chí tuy còn trẻ nhưng say sưa điền dã, nghiên cứu và đã biên dịch được nhiều tài liệu cổ, song với nỗ lực và thời gian của một cá nhân cũng sẽ khó bề làm được nhiều hơn. Tôi được biết khi còn là cán bộ nghiên cứu ở Bảo tàng Hội An, Ngô Đức Chí đã lặn lội đi nhiều nơi, đến nhiều làng và nhà thờ tộc họ để sưu tầm, biên dịch, nhưng do những thúc ép về đời sống của một cán bộ nhà nước, nên một cá nhân thật khó để vượt qua!
Với văn hóa làng, các tài liệu Hán - Nôm còn tiềm ẩn đó đang rất cần một cơ quan nghiên cứu được tổ chức bài bản và nhân sự thích hợp hợp sức thực hiện. Cũng có thể là một mảng dịch vụ kèm với công tác nghiên cứu được triển khai để sớm lấp được khoảng trống này!
3. “Những người muôn năm cũ” lần lượt ra đi khiến cho những kiến thức của làng quê mai một dần. Một làng vắng họ như mất đi cái hồn sinh động của làng, cũng như mái đình không có bóng cây tỏa bóng sẽ trơ trọi vô hồn. Cây và người như gắn liền nhau. Một cụ già ra đi, theo tục lệ những cái cây trong vườn thường được chít khăn tang, có phải vì vậy chăng? Những người muôn năm cũ, hình ảnh và phẩm chất của họ cũng chính là hình ảnh những cây cổ thụ đang còn soi bóng ở làng quê qua nhiều thế kỷ. Làng nào cũng có những cây cổ thụ gắn liền với các sự kiện, con người mà mỗi khi nhắc lại, ta không khỏi bùi ngùi. Nhìn cây mà nhớ người là vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG