Của phố và người...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 07/01/2018 10:17

Dưới áp lực dân số ngày càng tăng ở các đô thị (kể cả khách vãng lai mỗi ngày), các đô thị từ loại 1, 2 đến loại 3 ở khu vực miền Trung hiện nay cũng đã trở nên chật chội. Nạn ùn tắc giao thông, nhất là vào những lúc tan sở hay tan trường của học sinh đã xảy ra liên tục ở một số giao lộ, các khu công nghiệp và khu vực nội thị.…

Tốc độ đô thị hóa đã làm đường phố thêm đông đúc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tốc độ đô thị hóa đã làm đường phố thêm đông đúc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đô thị và các vùng dân cư của chúng ta có một sự đa dạng những phương tiện giao thông: ô tô các loại, xe chuyên dùng như xe ben, xe đầu kéo, xe bồn chở nhiên liệu, xe máy, xe đạp, xe kéo tay (hay còn gọi là xe bò), xe xích lô, kể cả xe đẩy của những người bán hàng rong… cùng lưu thông trên các con đường chỉ tối đa hai, ba làn xe mỗi chiều. Ùn tắc giao thông vì vậy càng trở nên rối rắm, khó giải tỏa hơn các đô thị chỉ có một vài loại phương tiện và đường sá rộng rãi, được quy hoạch và được tổ chức giao thông hợp lý.

Vì sao vậy?

Để trả lời câu hỏi này, chỉ cần ra đường, vừa đi và vừa quan sát chung quanh, ta sẽ rất dễ thấy.

Đa số cư dân đô thị hoặc công nhân các khu công nghiệp, thậm chí sinh viên các trường đại học thiếu tôn trọng luật lệ giao thông: vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại, chạy xe vượt tốc độ quy định, quay đầu xe giữa những đoạn đường hẹp, xe máy chạy hàng hai hàng ba và vượt lên xe trước phía tay mặt, phụ huynh đi đón con em đậu xe ngay dưới lòng đường, chạy xe bên trái đường… Tại những giao lộ có đèn hướng dẫn giao thông, chúng ta có thể thấy những người điều khiển  phương tiện giao thông thường có tâm lý vượt lên phía trước, có khi đi vào làn đường dành cho chiều xe ngược lại. Ai cũng vội, thiếu sự nhường nhịn và không chịu dừng xe đúng làn đường theo hướng di chuyển của mình… Tất cả tai nạn giao thông và nạn tắc đường đều từ đó mà ra. Một người bạn nước ngoài nói với tôi: “Các bạn bịt kín mặt, chân tay, mang kính và khẩu trang che bụi khi ra đường là do sợ ô nhiễm, sợ viêm phổi, sợ đen da, nhưng lạ thay lại không… sợ chết khi vi phạm luật giao thông!”.

Việc chiếm vỉa hè để bày bán hàng hóa, đổ vật liệu xây dựng, choán hết lối dành riêng cho người đi bộ khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường cũng là một nguyên nhân quan trọng. Chúng ta từng chứng kiến những tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra với những người đi tập thể dục buổi sáng phải đi dưới lòng đường và bị những xe máy không đèn, xe chở cồng kềnh lôi đi hàng chục mét. Người đi bộ trên đường cũng vượt sang bên kia đường mà không cần phải đi đúng vạch dành riêng hoặc chờ tín hiệu, trong khi người lái phương tiện cơ giới, kể cả ô tô và xe máy vẫn cứ giữ nguyên tốc độ khi đi qua lối dành riêng cho khách bộ hành là các biểu hiện khá phổ biến…

Luật pháp giao thông không được áp dụng triệt để bởi các lực lượng chức năng: Người vi phạm có thể cãi lại cảnh sát giao thông. Thanh tra giao thông có thể bỏ qua nhiều vi phạm nếu có sự “năn nỉ” hoặc can thiệp từ xa của ai đó. Các lực lượng chức năng chưa triệt để xử phạt người đi xe vừa nói chuyện điện thoại hoặc dừng xe giữa đường để nói chuyện. Có thể nói thêm về biểu bảng, tín hiệu hướng dẫn giao thông cũng chưa hoàn toàn hợp lý; trong đó có nhiều bảng chỉ đường quá nhỏ và chi chít chữ mà người đi xe không thể đọc được khi đang di chuyển… Trên hết, luật giao thông không được dạy đầy đủ và nghiêm khắc từ nhà trường đến các cơ sở dạy lái xe!

Tóm lại, luật không được áp dụng đầy đủ cộng với ý thức và thái độ tôn trọng luật giao thông của chúng ta còn rất kém là nguyên nhân của mọi tai nạn và ùn tắc trên đường. Các biểu hiện đó không thể tiếp tục tồn tại trong các đô thị hiện đại và đang phấn đấu để trở thành các “đô thị thông minh” và “đáng sống”! Cũng vậy, nhìn vào trật tự giao thông, người ta sẽ biết ngay trình độ văn minh, văn hóa  của mỗi đô thị.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Của phố và người...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO