Tích nước thủy điện Sông Bung 4 thuộc địa phận huyện Nam Giang mở ra tuyến đường thủy thuận lợi cho lâm tặc phá rừng. Việc tận thu gỗ ngập trong lòng hồ cũng khiến nơi đây thành địa điểm tập kết gỗ lậu.
Tràn lan gỗ lậu
Đầu tháng 8.2014, thủy điện Sông Bung 4 ngăn dòng tích nước nhấn chìm nhiều diện tích rừng đặc dụng. Vì vậy, Sở NN&PTNT đồng ý cho phép doanh nghiệp được tận thu gỗ trên diện tích 65ha chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (tại xã Tà Pơơ, Nam Giang). Theo quyết định của Sở NN&PTNT (ký ngày 14.8.2014, số 550/QĐ-SNN&PTNT), có hơn 1.889m3 gỗ tận dụng, trong đó hơn 1.184m3 gỗ lớn. Giấy phép tận thu gỗ kết thúc ngày 20.11.2014 và khi Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh lập biên bản kiểm tra khai thác gỗ vào ngày 21.11.2014, đơn vị khai thác là Công ty TNHH Sản xuất – thương mại và dịch vụ Xuân Chí mới tận thu hơn 500m3 gỗ. Như vậy, ít nhất còn hơn 600m3 gỗ lớn đã ngập dưới lòng hồ chưa tận thu, chưa kể hàng trăm mét khối gỗ cành, ngọn và lượng gỗ khai quang.
Việc quản lý tàu thuyền đi lại trên lòng hồ rất lỏng lẻo. |
Chúng tôi vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Điểm tiếp cận đầu tiên là khe Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) – nơi có trạm ba-ri-e đặt sát lòng hồ thủy điện với sự canh gác của 9 cán bộ kiểm lâm. Dưới lòng hồ, khu vực này có khoảng 10 ghe thuyền lớn nhỏ neo đậu, trời chập choạng tối nhổ neo chạy tứ phía. Trước đó một chiếc thuyền máy lớn vừa tham gia chở củi vừa trục vớt từng lát, khúc gỗ nổi trên mặt nước. Gỗ với đường kính lớn hơn 0,5m đánh dấu đỏ nằm ngổn ngang trên bờ, cách điểm trạm kiểm lâm khe Vinh chưa đến 100m. Hơn 7m3 gỗ trái phép vừa được tạm giữ nằm sát với số gỗ tận thu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ cần đi vòng trên lòng hồ thủy điện này, không khó nhìn thấy phương tiện ghe máy trực tiếp chở gỗ lậu. Ở chốn không có nhà cửa người dân sinh sống nhưng có đến hơn 30 phương tiện thuyền máy hoạt động ở lòng hồ. Mỗi lần ra quân truy quét, lực lượng kiểm lâm đều phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu. Cuối tháng 12.2014, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh phát hiện ông Tơ Ngool Chông (SN 1992, trú xã Ta Bhing, Nam Giang) điều khiển ô tô BKS 92K-9880 vận chuyển trái phép hơn 3,6m3 gỗ quý và ông Huỳnh Ngọc Hoàng (SN 1981, trú xã Đại Đồng, Đại Lộc) dùng phà số hiệu ĐL 0438 vận chuyển hơn 2,2m3 gỗ lim. Mở rộng địa phận tuần tra xã Phước Mỹ (Phước Sơn), lực lượng kiểm lâm phát hiện một đối tượng dùng trâu để kéo gỗ lậu nên áp sát, bắt giữ trâu. Một số trường hợp mở đường, khoét núi làm vàng, khai thác gỗ trong rừng đặc dụng Sông Thanh đang được cơ quan chức năng xử lý. Đó chỉ là một số vụ vận chuyển gỗ lậu điển hình được phát hiện trong những ngày cuối năm 2014.
Gỗ lậu vừa được tịch thu tạm giữ tại Trạm kiểm lâm khe Vinh, gần điểm tập kết gỗ tận thu ở lòng hồ. |
Ông Nguyễn Trí - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, gần đây nhiều vạt rừng quý hiếm bị xâm hại, tình trạng khai thác trái phép xảy ra trong “tiền lệ” từ mấy chục năm nay, rầm rộ nhất là thời điểm thủy điện tích nước. Đề cập đối tượng vận chuyển gỗ giữa thanh thiên bạch nhật ở lòng hồ và quốc lộ 14D, ông Trí cho rằng, đó thuộc lâm phận quản lý, bảo vệ của Ban quản lý rừng đặc dụng nam Sông Bung (!).
Nhập nhằng
Khu vực khe Vinh như bãi tập kết gỗ cắt thành khúc đỏ au nổi trên mặt nước. Thuyền máy lợi dụng thu gom củi trên bờ kết hợp với trục vớt gỗ dưới nước. Một hình thức vận chuyển gỗ lậu tinh vi dễ dàng qua mắt các trạm kiểm soát lâm sản đặt sát lòng hồ. Tôi hỏi: “Số gỗ trái phép có phải lấy từ ranh giới được phép tận thu?”. Ông Trí cho rằng, việc xác định nguồn gốc gỗ không khó bởi thời gian gần đây ngành chức năng bắt toàn gỗ lim, giổi, gõ, trong khi vị trí rừng được phép tận thu toàn chủng loại gỗ chua, chò, dầu, tràm. Nước lòng hồ lên đến đâu hạ cây rừng tận dụng đến đó. Số cây khai thác chưa hết nếu ngập trong lòng hồ chỉ sống tối đa vài tuần rồi chết đứng. Tại sao các cơ quan chức năng không tận thu sớm hơn mà để “nước đến chân mới chạy?”. Chủ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh phân trần, trước khi thủy điện đóng nước vào ngày 1.8.2014, địa phương vừa làm vừa chạy thủ tục tận thu gỗ. May mắn trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trước đó đã hoàn tất thiết kế. Về vụ phá rừng đầu nguồn sông Bung 4, cuối năm 2014 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã cương quyết chỉ đạo, ấn định thời hạn báo cáo kết quả điều tra, song vụ việc vẫn chậm giải quyết. Ông Nguyễn Trí lý giải, sở dĩ xử lý chậm vì giữa hồ sơ và thực tế ngập nước có sai lệch, khó xác định con đường nằm ngoài hay trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ranh giới trước đây đo đạc có diện tích hơn 7.000m2 giờ đã bị ngập, chỉ còn nhô lên khoảng 1.800m2. “Mình là chủ rừng, nhưng chỉ là danh nghĩa thôi chứ đâu có giấy tờ hợp pháp. Chủ rừng thì phải có quyết định giao đất, giao rừng, đằng này đơn vị không có quyết định nào chứng minh là chủ dù đang quản lý hơn 75.000ha rừng” – ông Trí nói.
Ngày 14.8.2014, lãnh đạo Sở NN&PTNT ký Quyết định số 550 cho phép tận thu gỗ trên diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 tại xã Tà Pơơ (Nam Giang) nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Theo đó, tổng lượng gỗ tận dụng hơn 1.889m3 (bao gồm gỗ lớn, cành, ngọn cây và gỗ khai quang). Công ty TNHH Sản xuất – thương mại và dịch vụ Xuân Chí là đơn vị khai thác, được tận thu từ ngày 14.8 đến 20.11.2014. Trong khi đó, đề cập việc lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nói không phải là chủ rừng, ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định, nói thế là thiếu trách nhiệm, vì ranh giới, diện tích quản lý đã được xác định rõ. Nếu chưa có những giấy tờ hợp pháp có liên quan thì chủ rừng phải báo cáo, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. |
Trở lại giấy phép “mở rừng”. Quy trình khai thác, kiểm tra, giám sát tận dụng gỗ về lý thuyết rất chặt chẽ. Mỗi đợt khai thác, doanh nghiệp báo cáo cho chính quyền huyện Nam Giang (thông qua các phòng tài chính, nông nghiệp, kiểm lâm) đến kiểm tra số gỗ tận thu được. Sau đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đến hiện trường kiểm tra, để Chi cục Kiểm lâm tỉnh búa đóng gỗ. Doanh nghiệp nộp ngân sách, đóng các khoản phí theo số lượng gỗ đã nghiệm thu. Tuy nhiên, đến hiện trường lòng hồ thủy điện sông Bung 4, khó phân biệt đâu là gỗ tận thu và đâu là gỗ lậu. Thời điểm hiện tại, giấy phép tận thu đã hết, nhưng ít nhất có 50m3 gỗ tròn có dấu đỏ nằm rải rác, chưa di chuyển ra ngoài. Dưới lòng hồ thì hàng chục phương tiện lợi dụng chở củi lén lút chở gỗ lậu. Đi sâu vào rừng, vô số lán trại dựng lên. Hàng chục cây gỗ lớn nằm trong lưu vực lẫn ngoài lòng hồ thủy điện đã bị đốn hạ. Cơ quan kiểm lâm thừa nhận, từ ngày thủy điện tích nước, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp do có đường thủy dễ tuồn gỗ đem tiêu thụ. Người dân địa phương tiết lộ, lợi dụng doanh nghiệp dừng tận thu, lâm tặc khắp nơi đổ về triệt hạ rừng, sau dùng thuyền máy vận chuyển, hoặc cho gỗ chìm dưới nước chờ cơ hội đưa về xuôi.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai cho biết, địa phương đã có văn bản kiến nghị Sở NN&PTNT, UBND tỉnh gia hạn giấy phép tận thu gỗ ngập trong lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Ông Alăng Mai thừa nhận có sự bất cập, đơn vị tư vấn thiết kế thì muốn kê khối lượng gỗ lên thật nhiều để được lợi cho mình, trong khi lượng gỗ thực tế ít hơn so với thiết kế. Doanh nghiệp sẽ lấy hết gỗ quý; số gỗ khai quang, cành, ngọn chưa tận dụng hết.
HỮU PHÚC