Cửa sau

ĐĂNG QUANG 27/05/2013 09:07

Cửa, nghĩa thông thường trong tiếng Việt hàm ý chỉ “khoảng trống thông ra bên ngoài của nơi bị ngăn kín các phía” như cửa nhà, lúc lại chỉ “lối thông tự nhiên với bên ngoài” như cửa hang. Các nghĩa như vậy không có vấn đề gì, chỉ cái nghĩa thứ ba “nơi có quan hệ tiếp xúc với bên ngoài, trong quan hệ với người có việc cần phải đến” mới sinh ra nhiều chuyện.

Vì sao có chuyện? Bởi từ xưa loại cửa thứ ba này để chỉ nơi làm việc của quan lại, nơi mà người dân có việc cần phải đến. Cửa ấy là cửa công, để xử lý việc công. Tuy nhiên, vì các quan tham sinh chuyện nên mới đẻ ra cái “cửa sau” nhằm ăn của đút để xử việc ở “cửa trước”. Cửa quan trở thành hình ảnh xấu xí của chế độ phong kiến trong buổi nhiễu nhương, thối nát.

Tưởng có thể đã vùi chôn mấy nghìn thước đất nhưng cái nạn “đi cửa sau” giờ đây vẫn còn di chứng, biến tướng vô cùng. Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cùng Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ  và nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), có sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), thì có tới 44% trong 14 ngàn người được hỏi cho biết phải “lót tay” khi xin vào cơ quan nhà nước. Tệ hơn, 42% trong số người hỏi cho hay phải có “phong bì” khi khám chữa bệnh ở bệnh viện, 17% cho biết phải “bôi trơn” khi xin cấp sổ đỏ. Chất lượng dịch vụ công tệ như vậy chỉ có thể giải thích là do cái “cửa sau” sinh ra, bởi những thứ gọi là phí “bôi trơn”, “lót tay”, “phong bì” phần lớn không đưa công khai ở cửa trước công đường.

Tình trạng trên diễn ra nhiều nơi, và đáng buồn là Quảng Nam không nằm ngoại lệ. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn trăm bề vậy mà qua số liệu điều tra để xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, với Quảng Nam có đến  29,85% doanh nghiệp cho rằng việc phải “đi cửa sau” để vay được vốn là phổ biến; 55% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; 27,17% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận hoặc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh; 30,85% doanh nghiệp cho biết phải thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh; 69,09% doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu cần thiết cho hoạt động kinh doanh. Do thực trạng ấy nên các chỉ số về tính minh bạch, tính năng động, chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Nam bị giảm điểm khá nhiều.

Lãnh đạo tỉnh đã thức nhận mức độ trầm trọng của vấn đề này, và đã tổ chức hội nghị để mổ xẻ. Lần nữa việc  vận hành cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” lại được đặt ra nhằm cải cách thủ tục hành chính, ngăn ngừa nạn nhũng nhiễu, tham ô. Tuy nhiên, làm thế nào ngăn việc xử lý chuyện công qua “cửa sau” là thách thức lớn, nếu không có quyết tâm cao và biện pháp kỹ trị hữu hiệu  thì những biến tướng, rò rỉ từ “cửa sau” sẽ không ai bịt hết được.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cửa sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO