"Cụm 3", thời chưa xa

Ký của LÊ TRÂM 17/07/2016 06:11

Vùng quê xa xôi ấy trong mắt tôi những ngày còn đi học trung học là những dãy núi nhấp nhô xanh ngắt uốn lượn phía cuối chân trời. Thỉnh thoảng những đám cháy bốc lên từ mấy dãy núi, rừng rực trong đêm tối. Có lẽ do bom thả từ máy bay xuống các cánh rừng hay các sườn núi.

Qua chợ Việt An. Ảnh: VĂN SỰ
Qua chợ Việt An. Ảnh: VĂN SỰ

Phía ấy, là minh họa cụ thể nhất cho cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở vùng đất cơ cực trong tầm mắt có thể vươn tới của một cậu học trò. Ước, một lần nào đó được đặt chân lên nơi ấy. Ước là ước vậy thôi, bởi, bom đạn cứ ngút trời nhường kia!

1. Vùng đất ấy giải phóng từ năm 1972. Ba năm sau thì giải phóng cả tỉnh, nhưng mãi sáu năm sau tôi mới đặt chân đến được quê hương của Nguyễn Mậu Hoán, vị phó bảng của khoa thi Tân Sửu (1901) triều Thành Thái, những vị khoa bảng tạo nên danh xưng Quảng Nam Tứ kiệt cùng với Phan Châu Trinh, Võ Vỹ và Nguyễn Đình Hiến. Thì ra, nhà ông ở ngay vùng ngã ba Phú Bình, đường lên huyện lỵ Hiệp Đức, từ cả hai hướng Đông Phú hoặc Hà Lam. Con đường thâm nhập nhựa đâu chừng hơn 3m bề rộng, lổn nhổn đá sỏi, đầy ổ gà ổ trâu, nhiều đoạn trơ đất, mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa bùn đất nhão nhoẹt, ngoằn ngoèo, cứ như muốn thách thức ý chí người đi đường.

Những thửa ruộng be bé, cái cao cái thấp gối lên nhau, nước kiên trì chảy rỉ rả từ các chân ruộng trên cao đổ xuống tạo nên những chùm âm thanh đặc trưng của vùng này. Khách đi đường ngồi nêm cứng trong chiếc xe đò chạy bằng than muốn ngộp thở nhưng chỉ cần nghe được tiếng nước chảy là biết đã đến nơi! Những con đường ngoằn ngoèo chảy từ đường cái vào các ngôi nhà nho nhỏ nép sau mấy rặng cây trong xóm, vừa xa xôi vừa gần gũi. Và cũng trơn trợt không kém.

Hơn 30 năm trước, Tân An là một thôn nhỏ nhưng có nét rất điển hình của một thị tứ miền núi. Cũng có cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng ăn uống của Thương nghiệp huyện. Cũng có cửa hàng lương thực phục vụ cho cán bộ giáo viên trong khu vực. Những tiệm sửa xe đạp, những quán bán mỳ Quảng, các tiệm cơm…

Xa hơn hơn chút về phía nam là núi Liệt Kiểm, phía bắc là Dương Là với những trận chiến ác liệt một thời, về phía tây bắc là Rừng Già. Hòn Tàu án ngữ phía bắc, xa hơn chút nữa. Chừng như đã thành lệ, hễ đến Phú Bình là phải ghé vào ăn mỳ ngã ba! Cái quán nhỏ bé, lụp xụp cất ven đường dường như lúc nào cũng đầy thực khách. Con sông Trầu bắt đầu từ đây, chảy ngược lên phía tây đến Quế Tân và nhập vào với Thu Bồn. Cùng với sông Tiên ở Tiên Phước, sông Trầu là con sông thứ hai ở Quảng Nam có nước chảy ngược một cách kỳ lạ như vậy.

2. Tôi còn nhớ hồi ấy những căn nhà hai bên tỉnh lộ, nay là QL 14E chạy từ Hà Lam lên làng Hồi, Khâm Đức này còn rất thưa thớt và nhỏ bé. Nhà lợp tôn hoặc tranh săng. Tôn, có lẽ được dỡ từ các khu dồn về còn tranh săng thì bạt ngàn đồi trên đồi dưới. Hồi ấy, ở quê tôi dưới quốc lộ, hễ sau Tết Nguyên đán là cả làng rủ nhau lên Hiệp Đức mua tranh chở về phơi khô lợp nhà. Nhà kha khá thì bỏ tranh theo xe đò chở về, người khó khăn hơn thì chở bằng xe bò, nghĩa là phải vượt chặng đường hơn hai chục cây số, với con đường không thể tệ hơn như chúng ta từng biết. Những cái hàng rào tre hoặc gỗ. Những cái cổng ngõ xinh xắn.

Và, tôi đặc biệt ấn tượng với những khóm hoa đủ màu sắc chạy dọc đường lên Tân An. Mồng gà, vỏ trấu, vạn thọ, cúc,… Rất ít nhà trồng mai, nghĩa là những căn nhà này cũng mới được xây dựng trên vùng đất trắng dân của những ngày chiến tranh lùi chưa xa! Thi thoảng mới bắt gặp một cái cổng ngõ hoặc hàng rào bông bụt đỏ chói chang bên đường đi. Hoa như muốn thể hiện nét thanh bình mới mẻ của vùng quê này! Vừa như muốn nhắc nhở rằng một cuộc sống mới, khác hẳn đang mở ra! Đi lên khỏi Bia Hột Xoài, vượt và đổ mấy con dốc là đến Tân An, thủ phủ của huyện lỵ bán sơn địa này. Từ đây, còn một con đường lên Hiệp Đức qua ngõ đèo Răm, địa danh nổi tiếng trong hai câu thơ của Trần Quý Cáp: Lúc lắc đò đưa Tý Sé Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Răm Ri Liêu.

Ấn tượng dễ nhớ của những người vùng Đông chúng tôi là những chiếc xe đạp cà rịch cà tang của những em học sinh từ cánh Hiệp Đức hàng tuần phải xuôi về Đông Phú - trung tâm huyện lỵ Quế Sơn - để đi học, bởi hồi ấy, Hiệp Đức chưa có trường cấp ba. Thêm những người buôn bán nông lâm thổ sản từ Tân An xuống Đông Phú và các nhu yếu phẩm theo hướng ngược lại. Tất thảy đều bám vào những chiếc xe đạp chở hàng lặc lè theo tiêu chí “nhiều nhất có thể”.

3. Một nhóm khác, những thầy cô giáo từ xuôi lên dạy học. Hồi ấy, các địa danh Quế Tân, Quế Bình, Quế Lưu (chưa kể các xã tách ra từ Thăng Bình và Phước Sơn khi chia tách huyện) là những từ gắn với khó khăn trăm bề. Thời còn làm việc ở Phòng Giáo dục huyện Quế Sơn, cứ đến gần cuối năm là phải thành lập các đoàn kiểm xem trên các trường ấy có ai “bỏ nhiệm sở” không và mỗi lần chuẩn bị khai giảng lại phải đi kiểm tra xem có đủ giáo viên để dạy không?

Lần đầu tiên về mở lớp tập huấn cho giáo viên cụm 3 (chỉ vùng Hiệp Đức cũ, trừ các xã tách từ Thăng Bình và Phước Sơn - còn lại: cụm 1: các xã vùng Đông, cụm 2: các xã vùng Trung, cụm 4: các xã vùng Tây Quế Sơn cũ nay thuộc huyện Nông Sơn) mở ở trường cấp I, II Quế Thọ 2 nơi có tấm Bia Hột Xoài nổi tiếng chúng tôi mới nhận ra hết sự cơ cực của giáo viên miền núi, cho dù mới chỉ là vùng trung du. Những thầy cô mộc mạc trong những bộ áo quần với vải mua từ các cửa hàng thương nghiệp, những chiếc xe đạp cà tàng, không ít những gương mặt mệt mỏi có lẽ do phải vượt qua những đoạn đường quá đỗi nhọc nhằn.

Trong số họ, nhiều người đến từ các thành phố trong và ngoài tỉnh, nhiều người đến từ các tỉnh miền Bắc xa lắc xa lơ. Nhớ, hình như là báo cáo về đổi mới nội dung và phương pháp dạy học mà Quảng Nam - Đà Nẵng khái quát thành “5 chuyên đề, 6 nền nếp” gì đó. Nhớ, hình như có các chuyên đề gắn việc dạy với sách giáo khoa, gắn dạy học với thực tiễn đời sống… Thì, cuộc sống cụ thể của các thầy cô giáo như vầy đã là gắn dạy học với đời sống rồi còn gì. Ở cụm 3 ấy cũng có khá nhiều giáo viên dạy giỏi và là cán bộ cốt cán chuyên môn của ngành giáo dục huyện. Nhớ, đến các đợt văn nghệ Mùa xuân của ngành giáo dục toàn huyện hằng năm, cụm 3 – Hiệp Đức luôn có nhiều tiết mục văn nghệ thật hay, khá lôi cuốn người xem. Ở đó, Trường Cấp I, II Quế Bình luôn là đơn vị đạt nhiều giải cao, trong đó có các tiết mục tự biên tự diễn của thầy giáo hiệu trưởng Trần Hữu Cánh người Bình Trị Thiên vào dạy tăng cường…

4. Hồi ấy, Tân An là một thôn nhỏ nhưng có nét rất điển hình của một thị tứ miền núi. Cũng có cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng ăn uống của Thương nghiệp huyện. Cũng có cửa hàng lương thực phục vụ cho cán bộ giáo viên trong khu vực. Những tiệm sửa xe đạp, những quán bán mỳ Quảng, các tiệm cơm… Chợ Hiệp Đức còn rất khiêm tốn chủ yếu buôn bán nông lâm thổ sản và các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống của đồng bào miền ngược.

Sông Thu Bồn chảy quanh co từ bến đò Ba Lúc, qua Tân An, xuống Đồng Làng tới Hòn Kẽm Đá Dừng rồi xuôi xuống Nông Sơn. Từ Tân An muốn qua Quế Bình, Quế Lưu phải qua đò Tân An hoặc bến đò Ba Lúc. Hồi ấy, ô tô muốn lên Phước Trà, Phước Hiệp mà về Khâm Đức cũng phải qua con phà này. Sự ngăn cách sông đò phần nào khiến vùng “bên tê sông”, nhất là Quế Lưu chậm phát triển so với Tân An cho mãi đến khi cầu Tân An được xây xong. Quốc lộ 14E nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh qua ngõ Làng Hồi cũng gắn với sự có mặt của cây cầu chiến lược này..

Tất cả tạo nên nét rất riêng của vùng đất trung du miền núi của tỉnh, cái cụm 3 một thời quen thuộc của anh em làm công tác phong trào của ngành giáo dục huyện Quế Sơn một ngày chưa xa.

Cuối năm 1985, huyện Hiệp Đức được thành lập gồm các xã Bình Lâm, Thăng Phước (Thăng Bình), Phước Gia, Phước Trà (Phước Sơn) cùng với các xã cụm 3 - Quế Thọ, Quế Tân, Quế Bình, Quế Lưu của huyện Quế Sơn. Trải qua 31 năm Hiệp Đức đã có sự phát triển vượt bậc. Tất cả đều thay đổi. Nhà cửa hai bên đường đã khang trang hơn nhiều. Hoa đã phong phú hơn những mồng gà, vạn thọ một thời. Nhất là trung tâm huyện lỵ Tân An, giờ đã được quy hoạch và xây dựng thành một thị trấn có sông có núi  có đường sá khang trang, có các công trình văn hóa, dân sinh rất phù hợp với cảnh quan vùng đất trung du này. Thay đổi đến không thể nhận ra một Tân An - dù chưa xa  xôi gì!

Ký của LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cụm 3", thời chưa xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO