Cung cấp thức ăn cho đà điểu: Hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 04/09/2013 08:35

Sau đợt triển khai mô hình thí điểm hiệu quả, nhiều hộ dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đã mạnh dạn đầu tư, ký kết hợp trồng cung cấp cây nguyên liệu làm thức ăn xanh cho đà điểu tại Trung tâm giống đà điểu Khatoco Quảng Nam (viết tắt: Khatoco).

Ông Trương Vĩnh Bá - Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Ngọc cho biết, khi Khatoco có nhu cầu nguyên liệu làm thức ăn xanh cho đà điểu, xét thấy ở địa phương có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng cung cấp, giúp nông dân phát triển kinh tế nên hội mang ý tưởng này bàn với các ngành liên quan. Cuộc họp đầu tiên được đưa ra bàn thảo vào tháng 8.2012 nhưng bà con còn do dự trước tính khả thi của dự án. Hội nông dân xã phải tổ chức làm thử nghiệm, bà con tận mắt chứng kiến hiệu quả của mô hình mới mạnh dạn đầu tư. Đến tháng 5 vừa qua, 25 hộ nông dân xã Tam Ngọc đã ký kết hợp đồng với Khatoco về việc sản xuất và cung cấp cây bắp non làm thức ăn xanh cho đà điểu. Sau khi hợp đồng được ký kết, bà con đưa vào sản xuất 60 sào bắp lấy cây, trong đó hộ nhiều nhất là 6 sào, hộ ít nhất hơn 1 sào. Toàn bộ sản phẩm được Khatoco bao tiêu. Mỗi sào, bà con sử dụng 5,5kg hạt bắp thịt và phân bón, chi phí khoảng 200.000 đồng/sào, xuất bán với giá 600 đồng/kg, thu nhập được 1,8 triệu đồng/sào.

Bốn sào bắp của hộ ông Lê Văn Nhứt, thôn Phú Ninh, xã Tam Ngọc đang thu hoạch.                                                                                     Ảnh: N. Đ. Ngọc
Bốn sào bắp của hộ ông Lê Văn Nhứt, thôn Phú Ninh, xã Tam Ngọc đang thu hoạch. Ảnh: N. Đ. Ngọc

Sản phẩm bao tiêu theo định lượng hàng ngày nên sản xuất và thu hoạch nguyên liệu được bà con tổ chức theo hình thức “cuốn chiếu” và luân canh nhằm tránh tình trạng ứ đọng gây hao hụt nguyên liệu. Sau 40 ngày gieo trồng, đến nay 10 sào bắp đầu tiên đã được thu hoạch với sản lượng trên 30 tấn cây, Khatoco đã tiếp nhận và thanh toán tiền cho nông dân. Diện tích còn lại sẽ lần lượt thu hoạch, ước tính lãi ròng hơn 96 triệu đồng. Có thể thấy, mô hình này không chỉ rút ngắn thời gian canh tác, nhân công cũng như chi phí mà còn đem lại lợi nhuận cao hơn so với trồng bắp lấy hạt. Cung cấp thức ăn cho đà điểu không chỉ giúp nông dân có việc làm trong lúc nông nhàn mà còn phát huy hiệu quả kinh tế trên những chân đất bạc màu.

“Theo nhận định của Hội nông dân xã Tam Ngọc, ngoài cây bắp non, địa phương còn có đủ khả năng sản xuất và cung cấp nhiều nguyên liệu khác nhau để cung cấp thức ăn tươi cũng như thực phẩm chế biến cho đà điểu. Trong thời gian tới, hội sẽ tiến hành họp dân triển khai thực hiện các mô hình trồng cỏ, rau muống, rau lang và trồng cây gấc lấy quả. Nếu thành công, việc mở rộng sản xuất sẽ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Trương Vĩnh Bá cho biết.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cung cấp thức ăn cho đà điểu: Hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO