Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hội An (khóa XI) diễn ra trong hai ngày 24 và 25.12 đã bao quát bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2019; trong đó đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, củng cố nội lực để phát triển đô thị du lịch thời gian tới.
“Thỏi nam châm” du lịch
Năm 2019 đánh dấu cột mốc tròn 20 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Du lịch, dịch vụ, thương mại đã giúp địa phương chuyển mình mạnh mẽ khi chiếm hơn 71% (hơn 11 nghìn tỷ đồng) trong cơ cấu giá trị sản xuất của thành phố. Hội An vẫn đóng vai trò là “thỏi nam châm” hút khách của ngành du lịch Quảng Nam khi chiếm khoảng 70% (hơn 5,35 triệu lượt) tổng lượng khách tham quan trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, Đô thị cổ Hội An liên tục gây tiếng vang khi lọt top bình chọn ở nhiều hạng mục đề cử từ nhiều tạp chí, giải thưởng uy tín trên thế giới.
Dù vậy, trong đà tăng trưởng chung của lượng khách đến Hội An, vẫn còn nhiều hạn chế. Thông tin tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Đến nay, thành phố vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để thu hút thị trường khách có chi tiêu cao đến Hội An. Việc phát triển “nóng” loại hình homestay dẫn đến tình trạng phá giá, không còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương như trước đây”. Ở lĩnh vực du lịch đường thủy, chính quyền địa phương đã và đang tập trung chấn chỉnh trật tự ghe bơi trên sông Hoài và nâng cao chất lượng vận tải hành khách trên tuyến thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm.
Bên cạnh một số điểm du lịch đang hút khách như rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh), làng gốm Thanh Hà, du lịch cộng đồng ven đô của Hội An cũng vấp phải nhiều khó khăn, điển hình là làng rau Trà Quế (Cẩm Hà) và làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim). Trong năm 2019, lượt khách mua vé ở làng mộc Kim Bồng đạt chưa đến 1/3 kế hoạch và tất cả khách mua vé là khách quốc tế; trong khi ở làng rau Trà Quế lượng khách mua vé tham quan chỉ bằng khoảng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vừa qua, UBND TP.Hội An đã ban hành quyết định phê duyệt “Phương án khôi phục, phát triển du lịch làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim” và Phương án phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế với kỳ vọng củng cố, vực dậy các điểm du lịch hấp dẫn một thời này.
Nâng cấp đô thị
UBND thành phố Hội An đã trình UBND tỉnh xin chỉ định thầu đơn vị tư vấn thực hiện điều chỉnh quy hoạch đến năm 2035 tầm nhìn 2050, đồng thời trình Sở Xây dựng cho ý kiến về quy hoạch phân khu Cù Lao Chàm và điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc xây dựng thành phố. Hiện nay, các dự án lớn của Trung ương và của tỉnh đầu tư trên địa bàn cũng đã khởi công xây dựng, đảm bảo đúng tiến độ, gồm cầu Cẩm Kim (thuộc quốc lộ 14H), tuyến ĐT607 và làn dẫn thứ hai cầu Cửa Đại (đường ven biển 129).
Ông Nguyễn Thế Hùng cho hay: “Hiện nay thành phố cũng đã triển khai phương án quản lý nuôi cá lồng bè dọc sông Cổ Cò phù hợp với tiến độ nạo vét sông Cổ Cò và định hướng nuôi trồng thủy sản vùng đông của tỉnh”. Theo đó, từ năm 2023 trở đi sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông để trả lại cảnh quan tự nhiên cho con sông này.
Năm 2019 cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản khi nghề gốm Thanh Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, còn khu phố mang dấu ấn kiến trúc Pháp được tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Trong năm, Hội An đã tổ chức khảo sát, đưa 109 di tích vào danh mục được tỉnh bảo vệ, bên cạnh đó cũng định vị ranh giới để dựng bia cắm mốc cho 16 di tích. Tính đến nay, ngành chuyên môn đã bàn giao, đưa vào sử dụng 21 công trình di tích, đang thi công 10 công trình, quyết toán 6 công trình và giải quyết cho 210 hồ sơ xin cấp phép tu bổ, sửa chữa trong khu phố cổ đảm bảo thời gian quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP.Hội An, hiện UBND thành phố cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ xem xét thống nhất một số cơ chế về bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.