Mỗi lần có dịp ghé Quảng Ngãi, thể nào tôi cũng ghé thăm và hàn huyên với nhạc sĩ Văn Phượng - Trưởng phòng Văn nghệ & giải trí của Đài PT-TH Quảng Ngãi. Với ngón đàn ghi-ta “vừa đủ xài” cùng giọng hát trầm ấm và nụ cười như kéo thời gian trở lại trên gương mặt anh… khiến người đối diện luôn có chút luyến tiếc khi phải chia tay...
Nhạc sĩ Văn Phượng. |
Về miền yêu thương...
Nhạc sĩ Văn Phượng là người con của phố Hội sông Hoài, theo gia đình làm cuộc ly hương mấy chục năm về trước. Chính vì thế, với anh Hội An luôn là miền thương nhớ để đi về, để trải lòng… Và cũng vì thế mà, mỗi lần gặp anh em Quảng Nam, nhạc sĩ Văn Phượng đều dốc hết bầu tâm sự rồi để tiếng đàn và giọng hát như trôi “Về miền yêu thương” - tên một bản nhạc nổi tiếng của anh…
Nhạc sĩ Văn Phượng đã đoạt các giải thưởng: Năm 2010 đoạt giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Dung Quất thành phố con tàu”, thơ Thanh Thảo. Năm 2012 đoạt giải ba (không có giải nhất, nhì) giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tác phẩm hợp xướng Chân sóng, thơ Thanh Thảo. Năm 2013, đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc các tỉnh phía nam với ca khúc “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”, thơ Nguyễn Việt Chiến. Mới đây nhất là ca khúc “Lúng liếng mắt Hrê” vinh dự nhận giải B Giải thưởng Âm nhạc năm 2016 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
“Về miền yêu thương” của nhạc sĩ Văn Phượng là một trong số hàng chục ca khúc viết về Hội An những năm qua. Cũng dễ hiểu, miền đất cổ kính và xinh đẹp bên bờ sông Hoài xứ Quảng từ lâu luôn mời gọi giới văn nghệ sĩ cả nước và quốc tế tìm đến sáng tác. Mỗi ca khúc viết về Hội An là một cảm xúc khác nhau, mang một màu sắc âm nhạc khác nhau nhưng đều là những “lắng đọng” với phố, với người mà mỗi người nghệ sĩ luôn cố gắng bộc bạch để trải lòng. Riêng với những người con Hội An xa quê như Văn Phượng, mỗi khoảnh khắc được chạm bước trở về với xưa cũ dấu yêu đều là phút giây hạnh ngộ quý giá để rồi từ trong sâu thẳm lòng mình giai điệu chợt ngân rung, lời ca chan chứa nghĩa tình. Nhạc sĩ Văn Phượng mở đầu ca khúc “Về miền yêu thương” bằng sự mời gọi thiết tha ai đó hãy cùng anh về với Hội An để được đặt chân lên miền di sản, để được nhìn ngắm và hòa vào dòng chảy miên man, êm đềm của con sông Hoài thơ mộng, nơi mà một thời tuổi thơ nhạc sĩ đầy ắp kỷ niệm. “Đưa em về Hội An/ Chiều nghiêng nghiêng phố cổ/ Nghe bên dòng sông Hoài/ Vang câu hò mênh mang…”. Những rêu phong Chùa Cầu, mái ngói âm dương, những con đường phố nhỏ lung linh đèn lồng, những Cửa Đại, Cù Lao Chàm xôn xao yến lượn... được anh trải ra theo từng nốt nhạc với tất cả niềm tự hào của một người con đi xa khi nói về quê hương mình. Khá nổi tiếng với những hợp xướng và ca khúc viết về biển đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hàng năm bằng lối viết điêu luyện đạt đến trình độ cao về giai điệu, khúc thức, hòa âm và nhịp độ..., nhưng trong ca khúc “Về miền yêu thương” viết về cố xứ Hội An của mình, nhạc sĩ Văn Phượng lựa chọn lối thể hiện đơn giản nhất trong sáng tác. Có thể, người nhạc sĩ muốn tác phẩm của mình cũng dung dị và hiền lành như đất và người phố Hội mà lại quyến luyến bất cứ ai một lần đặt chân đến.
Tuy nhiên, để viết được ca khúc này, từ nơi sinh sống và làm việc Quảng Ngãi, nhạc sĩ Văn Phượng phải mất nhiều chuyến đi về quê hương Hội An để cảm nhận nhịp sống hôm nay của phố cũng như thắp lại ngọn nến kỷ niệm lung linh trong tâm hồn mình. Anh bảo “Về miền yêu thương có lẽ đã gửi gắm hết tâm tình của tôi về mảnh đất nơi mình được sinh thành. Và qua ca khúc này, tôi mong muốn bạn bè tôi cũng như hết thảy mọi người hãy một lần đến với Hội An quê hương tôi để cảm nhận vẻ đẹp của thành phố yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng…”.
Dáng biển quê nhà
Nhạc sĩ Văn Phượng tên thật là Nguyễn Văn Phượng, sinh ngày 8.8.1965 tại Hội An. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp đàn violon tại Trường Văn hóa - nghệ thuật Nghĩa Bình (cũ), anh về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình. Năm 1992, anh chuyển về Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi làm công tác biên tập, hòa âm, phối khí dàn dựng các chương trình văn nghệ phát sóng. Năm 1997, nhạc sĩ Văn Phượng theo học khoa sáng tác âm nhạc tại Đại học Nghệ thuật Huế và tốt nghiệp năm 2002. Trong những năm gần đây, Văn Phượng liên tục có những tác phẩm được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giới yêu âm nhạc ghi nhận. Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
Tôi biết, trong hoạt động âm nhạc của mình, nhạc sĩ Văn Phượng đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết cho đề tài về biển. Biển với anh vừa như lớp trầm tích của một thời thơ ấu nơi Cửa Đại Hội An vừa như những âm vọng từ phía khơi xa - nơi có những con tàu và những người lính lặng thầm trong bão tố phong ba. Hợp xướng “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” phổ thơ Nguyễn Việt Chiến - tác phẩm đoạt giải A Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013 là một điển hình cho sáng tác về biển của anh. Gần như toàn bộ ca từ của bài hát này, Văn Phượng lấy trọn bài thơ của Nguyễn Việt Chiến. Tác giả chỉ thêm hoặc bỏ một ít từ và hoán chuyển vài đoạn thơ cho phù hợp với cấu trúc của một ca khúc. Ngay từ khi ra đời, “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” đã làm “nóng” sân khấu ở các chương trình ca nhạc hát về biển trong nam ngoài bắc bởi ca từ - thơ đầy nhiệt huyết và giai điệu hào hùng: “Có nơi nào như đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/ Khi giặc đến vạn người con quyết tử/ Cho một lần Tổ quốc được sinh ra…”.
Với biển Cửa Đại Hội An một thời hoa niên bàn chân người nhạc sĩ đã từng chạy nhảy, vui đùa và tắm gội, giờ mỗi lần có dịp trở về là tâm hồn như thổn thức bao kỷ niệm dấu yêu. Giữa những con sóng ào ạt trườn vào bãi cát Cửa Đại, người nhạc sĩ xa quê Văn Phượng ôm cây ghi-ta, tựa lưng vào gốc dừa, mắt nhìn đăm đắm phía Cù Lao Chàm và cất tiếng hát trong một ngày nắng đẹp đã khiến lòng tôi trào dâng bao xúc động: “Hội An ơi Hội An ơi/ Ánh trăng Chùa Cầu vấn vương kỷ niệm/ Sóng đưa ta về Cửa Đại Cù Lao mộng mơ/ Hội An ơi, tình quê ơi/ Phố xưa hiền hòa/ Chứa chan tình người/ Ngọt ngào câu hát thương nhau…”.
Hội An đã đi vào hàng chục ca khúc của các nhạc sĩ cả nước, mỗi nguời cảm nhận về Hội An, viết về Hội An với một cách thức riêng, trường liên tưởng riêng. Với nhạc sĩ Văn Phượng, “Về miền yêu thương” của anh phần lớn là những hồi ức về quê hương những ngày xưa cũ với ánh trăng Chùa Cầu lung linh kỷ niệm, với miên man sông Hoài khi hoàng hôn buông xuống hay với sóng Cửa Đại Cù Lao... “Đưa em về Hội An/ Dáng quê xanh thời gian/ Những con đường phố nhỏ/ Lắng sâu hồn cha ông…”. Chỉ thế thôi, vì trong phạm vi của một ca khúc, nhạc sĩ Văn Phượng khó có thể kể hết bao nhiêu kỷ niệm đong đầy, nói hết được tình cảm chan chứa trong tâm hồn một người con xa quê, anh chỉ chọn những điểm nhấn của kỷ niệm và đó cũng chính là những ấn tượng khá sâu sắc đối với bất cứ ai khi đến thăm phố Hội sông Hoài. Và, cũng chỉ chừng ấy thôi, Văn Phượng đã đủ sức “rủ rê”, mời gọi bạn bè của anh về thăm “Hội An ơi, miền yêu thương/ Cho ta về bên nhau”.
Người con xa quê Văn Phượng luôn ôm ấp trong lòng hình bóng Hội An yêu thương để từ đó mà chiêm nghiệm, lắng lòng và khiêm nhường “trả nợ” đất sinh thành bằng những món quà tinh thần quý giá. “Về miền yêu thương” của anh đã cùng với hàng chục ca khúc về phố đã gieo vào lòng người dân Hội An và du khách bốn phương những yêu thương ngọt ngào bất tận. Nhạc sĩ Văn Phương bảo rằng, anh rất tự hào về quê hương Hội An của mình. Và tôi lại nghĩ, Hội An cũng tự hào vì những người con xa quê như anh, lặng lẽ đắp bồi phù sa nơi quê người và âm thầm đóng góp cho quê bằng những gì đẹp đẽ nhất.
NGỌC KẾT