Những năm qua, ngoài việc nỗ lực dồn điền đổi thửa, xây dựng đồng bộ hạ tầng thủy lợi thì nhờ tổ chức sản xuất bằng một tư duy mới nên nông dân xứ Quảng đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trên lĩnh vực trồng trọt…
Niềm vui trên những đồng lúa
Tháng Chạp, lội khắp đồng đất Duy Xuyên, đâu cũng thấy bóng nông dân. Nhìn những ruộng lúa xanh mơn mởn, ông Lê Trung Xuân - Chủ tịch UBND xã Duy Thành bảo rằng, hồi mới tái lập tỉnh việc sản xuất ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn do đất đai nhỏ lẻ, nước tưới quá bấp bênh, hàng loạt loại giống bị thoái hóa. Thời điểm đó, dù hàng năm gieo sạ 3 vụ lúa nhưng cuộc sống nhà nông nơi đây cứ luôn túng thiếu vì năng suất chỉ đạt chừng 40 tạ/ha. Thực hiện chủ trương của tỉnh, bắt đầu từ năm 2001 chính quyền xã vận động nhân dân chuyển hẳn sang làm mỗi năm 2 vụ lúa, thay vì 3 vụ như trước. Cùng với đó, tranh thủ mọi nguồn vốn, Duy Thành tập trung xây dựng hệ thống kênh mương, trạm bơm điện nhằm chủ động phục vụ tưới. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhờ sự tiếp sức từ phía ngành chuyên môn, nông dân đưa nhiều loại giống mới có tiềm năng cho sản lượng cao vào gieo sạ đại trà. Đồng thời ứng dụng rộng rãi những gói kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, nhất là chương trình IPM kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng. Ông Xuân chia sẻ: “Hiện nay, mỗi vụ Duy Thành sản xuất 330ha lúa, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với cách đây 5 năm và tăng 25 tạ/ha so với năm 2000 trở về trước”.
Thu hoạch dưa leo bán dịp tết. |
Ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để tạo cú hích mạnh cho cây lúa, những năm qua tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng hạ tầng thủy lợi. Chỉ riêng giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Nam đã chi 670 tỷ đồng tiến hành xây mới, nâng cấp, sửa chữa 176 công trình thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa 440km kênh mương.
Theo ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư, nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới đảm bảo, bố trí khung thời vụ hợp lý, áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nên thời gian qua nhà nông xứ Quảng hết sức phấn khởi vì liên tục được mùa. Ông Nghi nói: “Năm 2015, mỗi vụ nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ 44.215ha lúa, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với năm 2010 và tăng 24 tạ/ha so với hồi Quảng Nam - Đà Nẵng vừa ra riêng”. Ông Nghi cho rằng, thành công lớn nhất trong cuộc “cách mạng” đối với cây lúa là thực hiện hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu để hướng sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung gắn với tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Đến nay, Quảng Nam đã triển khai dồn điền đổi thửa 18.000ha đất lúa, trong đó đã xây dựng được 150 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 6.500ha. Ông Nghi nói: “Những cánh đồng mẫu này phần lớn tập trung tại Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Núi Thành. Thời gian qua, nông dân chủ yếu liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hạt giống lúa thuần, lúa lai, lúa thương phẩm chất lượng cao. Canh tác theo mô hình đó, thu nhập của người dân tăng 20 - 40% so với trước”.
Vào vụ mới, nhà nông lại kỳ vọng mùa màng sẽ thắng lợi. |
Lối mở của “tam nông”
Những ngày cuối năm, lang thang trên biền Cồn Đủ thuộc thôn Ấp Nam (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) tôi như bị hút hồn bởi màu xanh tít tắp của những biền đậu, ruộng rau, quả đang phơi mình dưới nắng xuân. Ông Châu Văn Hai - Trưởng thôn Ấp Nam bảo rằng, nhờ sản xuất các loại cây trồng cạn mà cuộc sống người dân địa phương ngày càng no ấm. Ông Hai nói, gia đình ông có 13 sào đất màu ở cánh đồng này. Hồi trước, do nước tưới quá khó khăn nên mỗi năm chỉ làm được vụ đậu phụng đông xuân, vì thế thu nhập rất thấp. Cách đây vài năm, điện kéo thẳng ra đồng bãi, máy bơm đóng ngay trên ruộng nên vấn đề thủy lợi không còn là bài toán nan giải. “Bây giờ, nước tưới luôn chủ động nên tôi không cho đất nghỉ. Hễ hết mùa khổ qua, dưa leo, đậu tây đông xuân thì trồng bầu và đậu xanh xuân hè, đến vụ hè thu thì chuyên canh bí đao. Tính ra, hàng năm tôi thu về 130 triệu đồng từ ngần ấy diện tích” - ông Hai hồ hởi. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhờ chú trọng xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, ứng dụng bài bản quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến nên đến thời điểm này toàn huyện đã có gần 3.000ha đất màu sản xuất các loại cây trồng cạn theo hướng hàng hóa, mỗi năm 1ha mang lại cho nông dân 90 - 180 triệu đồng.
Nhờ tích cực dồn điền đổi thửa, việc cơ giới hóa đồng ruộng diễn ra rất thuận lợi.Ảnh: VĂN SỰ |
Tết đã gõ cửa từng nhà nhưng trên các cánh đồng dưa hấu, đậu phụng, rau ăn lá… của xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) hàng trăm nông dân vẫn tất bật với công việc. Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã nói, đối với nhà nông nơi đây, việc canh tác rau màu là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ, vì thế dù có bận bịu lo chuyện tết nhứt thì nông dân cũng không bao giờ bỏ ruộng. Ông Toàn chia sẻ: “Nhờ làm tốt khâu quy hoạch nên Tam Phước đã xây dựng hàng loạt cánh đồng sản xuất cây trồng cạn theo hướng tập trung với diện tích 150ha đất, hằng năm 1ha cho giá trị 120 - 200 triệu đồng”. Ngoài Tam Phước, nhiều địa phương khác của huyện Phú Ninh cũng đã tạo dựng được cả nghìn mô hình luân canh, xen canh cây công nghiệp ngắn ngày cho hiệu quả cao với tổng diện tích không dưới 700ha.
Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ dốc sức triển khai đồng bộ nhiều phần việc nên đến nay nông dân xứ Quảng đã đưa ít nhất 7.500ha đất màu vào diện sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, mỗi năm 1ha cho thu nhập 75 - 150 triệu đồng. Theo ông Đức, đây thực sự là lối mở để nhà nông nhanh chóng làm giàu và là động lực quan trọng cho tiến trình phát triển tam nông (nông nghiệp - nông thôn, nông dân)...
NGUYỄN SỰ