Đã 160 năm trôi qua, có rất nhiều tài liệu từ cả hai phía ghi chép, nghiên cứu về trận chiến tranh chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng được công bố, luận giải. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không chú trọng đúng mức đến các ghi chép của các sĩ quan, binh lính Pháp từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 – 1860) ghi lại. Từ các tư liệu vừa được khai thác từ Pháp, đối chiếu với một số tài liệu khác, chúng tôi xin giới thiệu những chi tiết mới và thú vị liên quan đến cuộc chiến tranh này, để bạn đọc cùng tìm hiểu và tham khảo.
KỲ 1: TÀU TÂY ĐÃ ĐẾN VŨNG THÙNG HÔM QUA...
Lý giải cho việc xuất quân xâm chiếm Việt Nam vào năm 1858, người Pháp lúc đó cho rằng: “Đô đốc Rigault de Genouilly, chỉ huy trạm hải quân ở Biển Đông, có nhiệm vụ mở một chiến dịch quân sự, đánh chiếm một cứ điểm của đất nước này, chúng ta phải sử dụng sức mạnh để sửa lại mọi lời buộc tội, chấm dứt việc cấm đoán hoạt động thương mại của ta và truy sát các nhà truyền giáo, trong đó có một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha là linh mục Diaz – người vừa mới trở thành nạn nhân (theo Tư liệu lịch sử do A.Benoist d’Azy nghiên cứu, về Cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp. Hs số: AB XIX 3970, Lưu trữ Quốc gia Pháp – Pierrefitte sur Seine”). Cứ điểm họ nêu đó chính là Đà Nẵng.
Đà Nẵng – nơi những người Pháp, trong đó có ông R.Castex đã từng say lòng về cảnh đẹp của vịnh này: “Đó là một cảng huy hoàng, một vịnh hùng vĩ, ở ngay đoạn ngoằn ngoèo nhất của phần bờ biển Trung kỳ. Trong những ngày đẹp trời, ta thường thấy những làn sóng xanh và nhẹ của Biển Đông nhấp nhô, rải rác những cánh buồm trắng chập chờn in trên nền của những tảng đá màu đen xung quanh vịnh. Khi mây đã vắng bóng trên bầu trời, cảnh tượng của tiên cảnh huy hoàng này càng làm cho ta thêm xao động”.
Thế nhưng, dưới cái nhìn của quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha thì: “Cửa biển Đà Nẵng là một vịnh lớn mở ra hướng bắc, với lối vào rộng hơn 5 dặm. Bờ phía đông - được hình thành bởi một vùng đất cao của bán đảo Sơn Trà – là một vùng lòng chảo, tàu bè có thể tìm thấy ở đây chỗ cắm neo tốt, nếu không rộng lắm, thì ít ra cũng rất chắc chắn. Cửa biển này là cửa biển gần Huế nhất, với khoảng cách 15 dặm, là nơi thả neo của các tàu hải quân Nam kỳ. Ngoài ra, đây còn là điểm bắt buộc các tàu lớn phải thả neo nếu muốn tiến vào kinh đô”. Dưới mắt đoàn quân xâm lược Pháp thì Đà Nẵng là điểm “khó tấn công, dễ phòng thủ nhất tại Việt Nam”.
Ngày 31.8.1858, lực lượng viễn chinh Pháp - Tây có đến 2.500 quân (trong đó có 850 quân của Tây Ban Nha do đại tá Lanzarotte chỉ huy) đi trên 14 chiếc tàu chiến thả neo tại cảng Đà Nẵng. Tài liệu của viên sĩ quan trực tiếp chỉ huy trận đánh này cho biết: “Tàu chiến Phlégéton và Primauguet, chiến hạm Némésis, pháo thuyền Avalanche và Dragonne, thuyền chở hàng Gironde, Saône, Meurthe có nhiệm vụ bắn đạn vào 7 đồn lũy ở cửa vịnh Đà Nẵng. Các pháo thuyền Fusée, Alarme, Mitraille, tàu hơi nước El Cano, phải tiến vào trong vịnh càng sâu càng tốt và tấn công hai đồn lớn ở khu vực này”... Về số quân, riêng chiến hạm Némésis thì: “Nhân sự trên chiến hạm Némésis dao động từ 1.100 đến 1.200 người, khẩu phần ăn hàng ngày từ 6 đến 7.000 phần. Quả thật, ngoài 10 tàu phụ, mà trong đó có 4 tàu hơi nước, thì vai trò của tàu Némésis còn chứa được một đội kỵ binh và một đội pháo binh; những người chăn bò, người Ấn Độ, có nhiệm vụ cho gia súc ăn cỏ; các y tá đến từ Manille túc trực khắp nơi trong các trạm cứu thương; người coi ngựa là dân bản xứ, có nhiệm vụ chăm sóc ngựa của đội kỵ binh và pháo binh và của nguyên soái. Chiến hạm Némésis cũng nuôi ăn toàn bộ nhân viên biệt phái trên tàu mình, 3 trung đoàn bộ binh hải quân, công binh, pháo binh, công nhân người Hoa, thợ đóng khung, thợ nề, đầu bếp (theo Báo cáo của viên sĩ quan chỉ huy tàu Némésis, tại vịnh Đà Nẵng, ngày 15.7.1858. Tài liệu mang ký hiệu AB XIX 3970. Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp).
Một hồi ký của sĩ quan Pháp cho biết: “Chúng ta đã nghĩ rằng, tốt nhất nên hành động bất ngờ, đánh chiếm kinh đô Huế và áp đặt các điều kiện của mình. Con số 2.600 quân là cần và đủ cho cuộc lật đổ này. Tây Ban Nha, cũng giống chúng ta, rất quan tâm đến việc trả nợ máu cho con dân của mình, họ đã đồng ý cung cấp một nửa số quân trong số quân đội người bản xứ ở Manille (Philippine), hơn nữa chấp thuận trả một khoản trợ cấp là 100.000đồng/năm, như tiền bù trừ một phần chi phí trang bị cho hải quân khi cần thiết. Vì vậy, trong đoàn quân viễn chinh đến Đà Nẵng còn có “một tàu của Tây Ban Nha là “Elcano”, với 500 binh lính trên tàu này, đến từ Manille (thuộc phiên chế của Tây Ban Nha) và chiến đấu bên cạnh chúng tôi” (theo Báo cáo của viên sĩ quan chỉ huy tàu Némésis, tại vịnh Đà Nẵng, ngày 3.9.1858. Tài liệu mang ký hiệu AB XIX 3970. Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp).
Sau khi tập kết quân tại cảng Đà Nẵng chiều ngày 30.8 (1858), liên quân cho biết họ gặp khó khăn trong việc bố trí lực lượng, do “không thể đậu tàu ở phần phía đông của vịnh Đà Nẵng mặc dù đây là nơi neo đậu tốt”. Bởi hệ thống phòng thủ dày đặc của nhà Nguyễn tại Đà Nẵng tại đây. Một tài liệu cho biết: Đồn phía Bắc của Nam quân nằm trên đỉnh cao trên núi, cây cối bao phủ, khống chế cả cửa biển với một đơn vị pháo binh. Đồn tại đảo Quan sát (L‘ilot de l’Observatoire - núi Mỏ Diều) nối liền với bờ bằng một chiếc cầu. Pháo binh ở đồn “Bồn chứa nước ngọt” (aiguade) có bố trí hỏa lực bắn chéo liên kết với các đồn khác. Hơn nữa, đường vào cửa biển thì hai bên có 2 đồn Đông (An Hải) và Tây (Điện Hải)” (theo Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 - 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896 (M DCCC XCVI)).
______
Kỳ 2: Tai nghe súng nổ cái đùng
LƯU ANH RÔ